Xây dựng nông thôn mới là kết quả đồng lòng từ nhân dân đến chính quyền các cấp
Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, lâu dài của cả hệ thống chính trị. Xác định được điều đó, tỉnh Bắc Giang quyết tâm triển khai đồng bộ hiệu quả các cơ chế chính sách, cùng sự cố gắng nỗ lực, sáng tạo của các địa phương, sự đồng hành ủng hộ của toàn xã hội thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế, xã hội chung của tỉnh.
Đường giao thông liên xã, liên thôn trên địa bàn huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang được bê tông hóa khang trang, sạch đẹp. Ảnh: VGP/TT
Xây dựng nông thôn mới được cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở nỗ lực triển khai sâu rộng, tích cực trong việc tổ chức phong trào thi đua "Bắc Giang chung sức xây dựng nông thôn mới" và cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" gắn với các phong trào thi đua của các cấp, ngành, qua đó làm cho phong trào thi đua trở thành phong trào hành động cách mạng thiết thực trong nhân dân. Chương trình nông thôn mới trong thời gian qua tiếp tục đạt được nhiều kết quả, hầu hết các mục tiêu đều đạt và vượt kế hoạch, đứng tốp đầu khu vực miền núi phía Bắc.
Xác định công tác tuyên truyền là giải pháp quan trọng để chỉ đạo thực hiện chương trình nông thôn mới, nên được các cấp quan tâm thực hiện với đa dạng các hình thức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng quảng bá hình ảnh nông thôn Bắc Giang đến cả nước; phối hợp với các tổ chức chính trị tổ chức hội nghị tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới; cấp phát 1.000 cờ nông thôn mới, 150 pano tuyên truyền, 150 cuốn hệ thống văn bản triển khai xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 cho các địa phương.
Đặc biệt, thực hiện phong trào thi đua "Bắc Giang chung sức xây dựng nông thôn mới" giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bắc Giang đã đẩy mạnh cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội và các địa phương tiếp tục lựa chọn các phần việc gắn với xây dựng nông thôn mới, qua đó đã tạo khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp ở các địa phương.
Các huyện, thành phố thực hiện lồng ghép tuyên truyền bằng nhiều hình thức, như hội nghị, hội thi, hội diễn... và đa dạng các hình thức tuyên truyền. Qua đó, đã vận động người dân hiến trên 160.544 m2 đất, đóng góp trên 27 tỷ đồng và hơn 19.200 ngày công lao động để làm đường giao thông, kênh mương nội đồng, xây dựng nhà văn hóa. Điển hình như các huyện Lục Ngạn, Lạng Giang, Hiệp Hòa, Yên Thế, Lục Nam...
Theo ông Trần Văn Tú, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới, ngay từ đầu năm 2024, tỉnh Bắc Giang đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới. Qua đó, người dân đã nhận thức rõ hơn về mục đích, ý nghĩa của chương trình và vai trò chủ thể của mình, từ đó tự nguyện đóng góp đất đai, tài sản, ngày công để thực hiện các công trình cộng đồng…
Hạ tầng kinh tế-xã hội được xây dựng, nâng cấp cơ bản được hoàn thiện, diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới. Sản xuất nông nghiệp chuyển dịch mạnh mẽ sang sản xuất hàng hóa theo hướng tập trung, phát huy lợi thế của mỗi địa phương. Bên cạnh đó, chương trình OCOP đã được triển khai tích cực. Đời sống văn hóa, tinh thần của người dân được nâng lên, thu nhập người dân tăng cao, tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh.
"Đặc biệt, tỉ lệ người dân hài lòng với kết quả xây dựng nông thôn mới, nâng cao, kiểu mẫu tại các xã đạt chuẩn đều đạt hơn 90%. Hầu hết các ý kiến người dân đều khẳng định chương trình xây dựng nông thôn mới là thực chất, là chương trình ;của dân, do dân và vì dân'. Bên cạnh đó, các vấn đề về văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, tiếp cận pháp luật có chuyển biến tích cực. An ninh, trật tự, an toàn ở nông thôn được giữ vững và niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng ngày càng được củng cố", ông Trần Văn Tú cho biết thêm.
Trong 6 tháng đầu năm, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đối với xã đạt chuẩn nông thôn mới, đến nay toàn tỉnh có 154/182 xã, đạt 84,6%, dự kiến hết năm 2024 có thêm 5 xã, nâng tổng số lên 159 xã, đạt 87,36. Đối với xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, toàn Bắc Giang có 59/154 xã, đạt 38,3%; dự kiến hết năm 2024 có 70 xã đạt 44,0%. Ngoài ra, Bắc Giang hiện có 12/154 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, đạt 7,79%, tỉnh phấn đấu hết năm nay sẽ có thêm 5 xã đạt chuẩn.
Phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn, đô thị. Hệ thống đường giao thông nông thôn tiếp tục được mở rộng và đầu tư theo chuẩn mới đạt khối lượng lớn, đảm bảo đi lại thuận lợi đến 100% số xã, qua đó đã tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân.
Trong sản xuất nông nghiệp đạt được nhiều kết quả quan trọng, chương trình OCOP được triển khai tích cực, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục được đổi mới, phát triển cả về số lượng, chất lượng, khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ trong sản xuất, hỗ trợ tốt cho sự phát triển kinh tế hộ gia đình. Trong đó, toàn tỉnh đã tập trung triển khai chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các HTX nông nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm.
Với những kết quả đã đạt được, theo ông Trần Văn Tú, trong những tháng cuối năm 2024, tỉnh Bắc Giang sẽ đẩy mạnh phối hợp với các sở, ban, ngành đôn đốc, hỗ trợ huyện Tân Yên phấn đấu cơ bản hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025, để sớm hoàn thiện hồ sơ đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao năm 2025.
Đồng thời tập trung đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện hạng mục công trình; hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong thực hiện nhiệm vụ năm 2024 để sớm hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, làm căn cứ để thẩm định và công nhận theo quy định. Thực hiện công tác tuyên truyền, đào tạo tập huấn cho cán bộ cấp cơ sở năm 2024 nhằm nâng cao nhận nhận thức về xây dựng nông thôn mới.
Các huyện, xã đã đạt chuẩn tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí theo Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và xây dựng kế hoạch thực hiện trong thời gian tiếp theo.