Vai trò của hội viên, nông dân trong việc triển khai Chương trình OCOP
Thứ Hai, 08/07/2024 16:06
Lượt xem: 429
(Cổng ĐT HND) –Với mong muốn tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, một số hội viên, nông dân ở xã Thụy Liễu, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) đã thành lập HTX Liên Gia Trang với các ngành nghề kinh doanh chính là: Chế biến rau sắn nếp muối chua, làm cá thính truyền thống và nuôi ốc nhồi giống, ốc nhồi thương phẩm.
Cẩm Khê có 27 sản phẩm, nhóm sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3-4 sao
Hiện, các sản phẩm của HTX phát triển trên sàn thương mại điện tử và được nhiều người biết đến. Theo mùa vụ, HTX tập trung sản xuất, tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại các gia đình xã viên và mua nguyên liệu của bà con trong xã.
Mỗi ngày HTX sản xuất trên 30 kg rau sắn tươi nguyên liệu; từ 5 - 10 kg cá thính; cung ứng rau sắn muối chua, cá thính, ốc nhồi cho các nhà hàng và bà con trong và ngoài vùng.
HTX đã tạo việc làm thường xuyên cho trên 10 lao động tại địa phương với mức thu nhập ổn định khoảng 5 triệu đồng/tháng. Chị Lê Thị Huệ, xã viên HTX phấn khởi nói: “Đối với bà con xã viên chúng tôi rất phấn khởi vì tạo được việc làm, mức thu nhập từ 5 triệu đồng/tháng cao hơn so với cây hoa màu khác”.
Chị Lại Thị Xuân, Giám đốc HTX Liên Gia Trang chia sẻ: “Đến nay các sản phẩm HTX chúng tôi đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, không ngừng lớn mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương”.
Thực hiện Chương trình OCOP, huyện triển khai, tổ chức thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn. Đến nay, Cẩm Khê có 27 sản phẩm, nhóm sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3-4 sao ở 14 xã, thị trấn của 18 chủ thể.
Năm 2024, Cẩm Khê xây dựng thêm 10 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, trong đó có 9 sản phẩm đánh giá mới. Thông qua Chương trình OCOP, vai trò của hội viên, nông dân được nâng cao, bà con đã phát triển sản phẩm tiềm năng thế mạnh địa phương góp phần nâng giá trị sản xuất nông nghiệp.
Mạnh Thuần