Toàn tỉnh hiện có 69 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên, cùng với sự thay đổi bộ tiêu chí, số xã không giữ vững được tiêu chí đang ngày càng tăng.
Cán bộ, công nhân, viên chức tỉnh hỗ trợ xã Bạch Xa (Hàm Yên) hoàn thiện tiêu chí giao thông.
Nhiều tiêu chí “rớt chuẩn”
Năm 2020, xã Tân Tiến (Yên Sơn) được công nhận đạt chuẩn NTM với 18/19 tiêu chí đạt chuẩn và nợ 1 tiêu chí “Y tế”. Những đổi thay trên địa bàn xã Tân Tiến dễ dàng nhận thấy. Đó là kết cấu hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư ngày càng khang trang, sạch đẹp; tỷ lệ đường trục xã được nhựa hóa đạt 100%; tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên an toàn từ các nguồn điện đạt 100%; diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới tiêu chủ động đạt 100%; tỷ lệ nhà văn hóa các thôn bản đạt 100%... Tuy nhiên sau hơn 3 năm được công nhận đạt chuẩn NTM, đến nay xã Tân Tiến không những không trả được “nợ” tiêu chí Y tế mà còn thêm nhiều “nợ” mới do không đáp ứng đủ với bộ tiêu chí chuẩn giai đoạn mới.
Đồng chí Lê Thành Tuyên, công chức địa chính nông nghiệp, xây dựng và môi trường xã Tân Tiến chia sẻ: Năm 2023, sau khi được bố trí vốn đầu tư xây Trạm Y tế trả nợ vào tiêu chí Y tế xã đã lựa chọn mặt bằng xây dựng. Tuy nhiên khi khởi công san ủi mặt bằng lại liên quan đến vấn đề thủ tục đất đai nên không thể thực hiện được.
Do vậy hiện nay tiêu chí về Y tế xã vẫn nợ. Nợ đã đành, một số các tiêu chí khác như tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập của xã đều chưa đạt. Hiện tỷ lệ nghèo đa chiều trên 23%, trong khi chỉ tiêu của bộ tiêu chí là dưới 13%. Ngoài ra một số chỉ tiêu thành phần trong các tiêu chí cũng không đạt chuẩn. Cụ thể như tiêu chí thành phần tỷ lệ đường trục chính nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm nằm trong tiêu chí Giao thông, xã mới chỉ đạt 60,8%/65% bộ tiêu chí yêu cầu.
Chung cảnh ngộ như xã Tân Tiến, xã Kiên Đài (Chiêm Hóa) cũng bị rớt chuẩn ngay khi Quyết định số 318/QĐ-TTg bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 được ban hành. Đồng chí Ma Văn Tôn, Chủ tịch UBND xã Kiên Đài phân trần: Năm 2020 khi công nhận đạt chuẩn, tỷ lệ hộ nghèo của xã là 5,4%, tuy nhiên so sánh với tiêu chí nghèo đa chiều theo Quyết định số 318/QĐ-TTg đã tăng lên con số trên 44,5%, trong khi yêu cầu của bộ tiêu chí là dưới 13%. Về tiêu chí giao thông, theo bộ tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025, trên 80% đường trục thôn được cứng hóa; 70% đường ngõ xóm sạch và đảm bảo đi lại thuận tiện quanh năm mới được công nhận đạt chuẩn, trong khi những chỉ tiêu này ở giai đoạn trước chỉ là 60%.
Không riêng những xã vùng sâu, vùng xa bị rớt chuẩn NTM với bộ tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025, ngay cả các xã vốn được đánh giá là có xuất phát điểm tương đối cũng bị tụt hạng. Điển hình như xã Hoàng Khai, Thái Bình (Yên Sơn); Lưỡng Vượng, Tràng Đà (TP Tuyên Quang); Thiện Kế, Tú Thịnh (Sơn Dương)... Và hầu hết các xã này đều không đạt ở tiêu chí quy hoạch do chưa có quy hoạch chung xây dựng xã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đánh giá thực chất
Trong báo cáo của UBND tỉnh ngày 21-6-2024, toàn tỉnh có 72 xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xã NTM, chiếm 60,6% tổng số xã. Hiện đã có 69 xã có quyết định công nhận đạt chuẩn, trong đó có 10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 1 xã đạt NTM kiểu mẫu. Và trong tổng số 69 xã được công nhận chỉ có 17 xã duy trì, giữ vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, chiếm 24,6% số được công nhận; 45 xã không duy trì, giữ vững được các tiêu chí.
Tuy nhiên các xã này chưa thuộc diện phải thu hồi quyết định công nhận xã NTM theo quy định tại Quyết định số 18/2022/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, huyện Lâm Bình, Na Hang mỗi huyện 3 xã; huyện Chiêm Hóa 10 xã; Hàm Yên 8 xã; huyện Yên Sơn 12 xã; thành phố Tuyên Quang 2 xã; huyện Sơn Dương 7 xã. Có những xã rớt đến 4 tiêu chí, thậm chí là 5 tiêu chí. Điển hình như xã Kiên Đài (Chiêm Hóa), Tân Long, Tân Tiến, Tứ Quận (Yên Sơn)... rớt 4 tiêu chí; Côn Lôn (Na Hang) rớt 5 tiêu chí. Trong đó, số tiêu chí bị rớt nhiều nhất là tiêu chí quy hoạch với 43 xã trên tổng số 62 xã được công nhận; tiếp đến là tiêu chí nghèo đa chiều với 16 xã…
Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tỉnh, bộ tiêu chí đánh giá NTM giai đoạn 2021 - 2025 có 19 tiêu chí, 57 chỉ tiêu (tăng 8 chỉ tiêu so với giai đoạn 2016 - 2020), mức độ đạt chuẩn của một số chỉ tiêu, tiêu chí được quy định tăng lên so với giai đoạn trước. Điển hình như tiêu chí số 10 về thu nhập, theo bộ tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025, năm 2023 thu nhập phải đạt 42 triệu đồng/người/năm; 2024 là 45 triệu đồng/người/ năm và năm 2025 là 48 triệu đồng/người/năm.
Như vậy có thể thấy mức thu nhập của người dân nông thôn tại các xã được công nhận đạt chuẩn phải tăng khoảng 3 triệu đồng/năm. Hay tiêu chí số 17, cụ thể là chỉ tiêu về tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch theo quy chuẩn, yêu cầu phải có ít nhất 10% hộ sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung, trong khi đó hầu hết các xã chưa có công trình cấp nước tập trung hoặc người dân không có nhu cầu dùng dẫn đến khó có thể thực hiện.
Trong báo cáo Khảo sát việc duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn của Hội đồng nhân dân tỉnh vừa thực hiện trong tháng 6 nêu rõ: Không thể phủ nhận các tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2021 - 2025 tăng cao cả về số lượng và nâng cao về chất lượng khiến nhiều địa phương gặp khó khăn. Thế nhưng, một số xã công tác lãnh đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo, Ban quản lý, Ban phát triển nông thôn tập trung cao ở thời điểm xã phấn đấu đạt chuẩn NTM, khi đã được công nhận NTM có biểu hiện thoả mãn, thiếu quan tâm, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí.
Thực tế cho thấy tại nhiều xã, sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM, không còn không khí sôi nổi của phong trào xây dựng NTM, xây dựng nếp sống văn hóa như thời điểm phấn đấu về đích. Cũng không còn nhiều người dân quan tâm hay tự hào về danh hiệu xã NTM. Theo ghi nhận của phóng viên, tại một số xã việc thực hiện vệ sinh môi trường, trong đó có vấn đề thu gom rác thải đã bị lơi lỏng.
Chưa kể một bộ phận người dân còn trông chờ, ỷ lại, băn khoăn khi được công nhận xã NTM sẽ không còn được thụ hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước dẫn tới chưa tích cực, chưa chủ động xây dựng NTM. Điển hình như chính sách cấp thẻ bảo hiểm y tế. Trên thực tế hiện nay tại một số địa phương ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn khi chưa đạt chuẩn, Nhà nước hỗ trợ toàn phần đóng bảo hiểm y tế. Nhưng nếu xã đã đạt chuẩn NTM, chỉ người dân là đồng bào dân tộc thiểu số được hưởng chính sách này còn lại là phải tự chi trả. Đây là lý do khiến nhiều người dân chưa tích cực, tham gia xây dựng NTM.
Các chuyên gia cho rằng, xã hội phát triển yêu cầu của tiêu chí NTM cũng sẽ cao hơn trước. Nếu địa phương nào chủ quan, xem nhẹ nhiệm vụ duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM sẽ có nguy cơ “rớt hạng”.
Ngày 26-8, tại Hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh lần thứ 19 (mở rộng), đồng chí Nguyễn Đại Thành, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Cơ quan thường trực Ban điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tỉnh khẳng định: Hiện tại một số xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nhưng không duy trì được 19/19 tiêu chí thì chưa bị thu hồi quyết định. Tuy nhiên, nếu không tập trung củng cố, mà tiếp tục để giảm từ 6 tiêu chí trở lên sẽ bị thu hồi quyết định đạt chuẩn NTM theo đúng quy định.
Củng cố, nâng cao chất lượng từng tiêu chí
Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh cũng đã đánh giá thực chất quá trình xây dựng NTM, từ đó điều chỉnh mục tiêu phấn đấu cho từng năm và cả giai đoạn 2021 - 2025. Cụ thể năm 2023, tỉnh phấn đấu có thêm 25 xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, trong đó có 5 xã nằm trong kế hoạch đạt chuẩn NTM nâng cao 2022 chuyển sang thực hiện năm 2023.
Điều chỉnh kế hoạch sẽ phù hợp với thực tế, tạo điều kiện cho các địa phương củng cố các tiêu chí đảm bảo làm đến đâu, chắc đến đó, hướng đến sự phát triển bền vững. Đồng chí Lê Thiệu Tân, Trưởng bộ phận tổng hợp Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh cho biết: Hiện đã có 5 xã NTM nâng cao và 7 xã NTM mới được công nhận. Những xã còn lại sẽ được đánh giá cụ thể và tổ chức công nhận trong tháng 7 nếu đạt.
Riêng với 19 xã xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trong năm 2024, tỉnh sẽ tập trung đầu tư mọi nguồn lực đồng thời khơi dậy sức dân trong thực hiện xây dựng NTM đảm bảo hiệu quả, bền vững.
Tổng hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, tổng nhu cầu vốn xây dựng NTM trong năm 2024 của tỉnh là trên 570 tỷ đồng, trong đó bao gồm nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, của tỉnh, vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, vốn giảm nghèo bền vững, vốn phát triển kinh tế - xã hội đồng bào dân tộc thiểu số…
Số vốn này được bố trí vốn cho các xã nằm trong kế hoạch xây dựng NTM trong năm 2024 và các xã đã đạt chuẩn nhưng chưa đảm bảo để hoàn thiện và khắc phục những tiêu chí chưa đạt. Ngoài ra, tỉnh cũng tích cực, chủ động huy động các nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh chung tay hỗ trợ các địa phương xây dựng NTM.
Tại huyện Sơn Dương, đã có 15 cơ quan, đơn vị của Trung ương cam kết tài trợ, hỗ trợ cho huyện để xây dựng NTM, với tổng kinh phí 802,2 tỷ đồng. Tính đến giữa tháng 6, huyện đã tiếp nhận 512 tỷ đồng của các tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ. Nguồn lực hỗ trợ đang được huyện đầu tư xây dựng trường học, đường giao thông nông thôn và xóa nhà tạm cho hộ nghèo… tại các xã bị rớt chuẩn và các xã nằm trong lộ trình về đích nông thôn mới trong năm 2024 và 2025.
Trên địa bàn huyện Chiêm Hóa, ngoài nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu Quốc gia, huyện cũng chỉ đạo các địa phương khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế; liên kết với các doanh nghiệp tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn.
Đồng chí Chủ tịch UBND xã Kiên Đài (Chiêm Hóa) Ma Văn Tôn khẳng định: Giải bài toán giảm tỷ lệ hộ nghèo, xã đã phối hợp với Trung tâm giới thiệu việc làm của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội mời gọi các doanh nghiệp về xã tư vấn, tuyển dụng lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp và xuất khẩu lao động. Từ năm 2023 đến nay đã có 500 lao động của xã đi làm việc tại các khu, cụm công nghiệp trong và ngoài tỉnh, xuất khẩu lao động.
Chủ tịch xã Kiên Đài Ma Văn Tôn tin với giải pháp tìm kiếm việc làm cho lao động tại các khu, cụm công nghiệp, người dân trong xã sẽ có việc làm và thu nhập ổn định, từ đó đời sống sẽ dần nâng cao, có điều kiện tham gia vào công cuộc xây dựng NTM. Riêng với tiêu chí giao thông, xã sẽ tiếp tục thực hiện phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, trên cơ sở phân kỳ thực hiện theo từng năm nhằm giảm bớt gánh nặng cho người dân.
Theo đồng chí Nguyễn Đại Thành, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các giải pháp của các địa phương hiện nay là cần thiết để củng cố các tiêu chí không duy trì được theo chuẩn mới. Tuy nhiên đó chỉ là giải pháp trước mắt, tránh “nước đến chân mới nhảy”, các địa phương cần có chiến lược dài hơi, kết hợp lồng ghép nhiều chương trình và có giải pháp đồng bộ, công cuộc xây dựng NTM có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Do đó, cần huy động tối đa nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực trong dân, lôi cuốn, khích lệ, động viên Nhân dân tham gia tích cực, chủ động mọi mặt trong việc duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí, bởi không ai khác chính Nhân dân là chủ thể và là người hưởng lợi trong công cuộc xây dựng NTM.