image banner
Tháng Ba về lại thương nhớ sông quê
Lượt xem: 448
Cứ mỗi độ tháng Ba về trong tôi lại trào dâng niềm thương nhớ dòng sông quê hương - nơi tuổi thơ tôi đã một thời gắn bó.

 

…“Trong tim ai cũng có một dòng sông riêng mình     

Tim tôi luôn gắn bó với dòng sông tuổi thơ    

Con sông tôi tắm mát, con sông tôi đã hát     

Con sông cho tôi đậm một tình yêu nước non quê nhà”…

(Trở về dòng sông tuổi thơ - Hoàng Hiệp)

 

Mỗi lần nghe những giai điệu da diết chứa chan tình quê của người nhạc sĩ tài hoa Hoàng Hiệp, trong tôi lại trào dâng niềm thương nhớ dòng sông tuổi thơ quê mình. Đúng là trong trái tim mỗi người, ai cũng có một dòng sông để thương để nhớ. Dòng sông đó còn là hình bóng của làng quê yêu dấu, nơi ta đã đi qua, đã gắn bó. Với tôi dòng sông quê nhà là sâu nặng nhất, đã chảy suốt một đời, trĩu nặng những ân tình, chưa bao giờ cạn vơi nỗi nhớ. Tháng Ba về đã làm thức dậy cả một bầu trời kí ức về dòng sông mang nhiều hoài niệm…

 

Thủa nhỏ, nhà tôi may mắn ở cạnh sông nên không phải đào ao. Mọi sinh hoạt, giặt giũ, rửa ráy, nước ăn uống, tắm táp đều ra sông. Tiện lợi đủ thứ! Sông đã gắn bó với tôi cả một thời thơ ấu đầy nhọc nhằn, lam lũ, vất vả.

 

Thế hệ đầu 7X của chúng tôi ngày ấy đều như vậy. Có biết bao nhiêu kỉ niệm buồn vui bên dòng sông quê mẹ đã in đậm trong tâm trí. Vẫn vẹn nguyên hình ảnh con sông như một phần máu thịt của mình. Sông chạy dọc dài theo ngôi làng nhỏ, cũng chẳng có tên gọi. Chỉ biết rằng sông có từ rất lâu rồi để tưới tiêu cho ruộng đồng, làm nên những mùa vụ nuôi sống con người đi qua những năm tháng một thời đói khổ.

 

Nguồn nước trong lành ấy đã tưới tắm cho cây cối được xanh cành tốt trái, cho hoa thơm quả ngọt. Sông còn là nơi mưu sinh của bao phận đời cơ cực khốn khó. Sông hào phóng và bao dung như lòng mẹ, chở che, ôm ấp vỗ về những đứa con yêu. Sông quả là món quà ân tình ân nghĩa đối với người dân quê tôi mà không ngôn từ nào có thể kể hết được.

 

Anh-tin-bai

Bến sông quê

 

Với tôi, sông đẹp nhất vẫn là vào tháng Ba khi mùa xuân đang độ viên mãn và căng tràn nhựa sống. Vạn vật như được hồi sinh, dòng sông cũng thay màu áo mới. Mặt nước không còn ngầu đục và u trầm như mùa hè với những trận mưa ầm ào xối xả hay mùa đông lạnh lẽo giá băng mà trở nên xanh trong êm đềm soi bóng đôi bờ. Dòng nước lững lờ trôi đi trong gió nhẹ, nắng đào. Làn sương buổi sớm mỏng manh giăng mắc như tấm khăn voan dịu dàng e ấp của cô dâu trong ngày cưới làm cho sông thêm thơ mộng hữu tình. Những khóm lục bình xanh non nở hoa tím biếc, dập dềnh trên mặt nước. Trên sông, tiếng gõ nhịp đều đều của những chiếc thuyền câu thả lưới là âm thanh quen thuộc mỗi ngày. Cuộc sống tuy nghèo nhưng rất đỗi thanh bình, nên thơ, ấm áp tình quê mà dòng sông tháng Ba đã góp phần mang lại.

 

Song cái đẹp của dòng sông mùa xuân còn gắn với vẻ đẹp của cỏ cây, hoa lá hai bên bờ. Sau những ngày mùa đông khô cằn lạnh lẽo, cây cối đã trút bỏ tấm áo già nua xù xì cũ kĩ để khoác lên mình màu áo non tơ xanh biếc mỡ màng. Các loại hoa trong vườn cũng đua nhau khoe sắc toả hương, chả loài nào kém cạnh loài nào. Hồng nhung đỏ thắm kiêu sa; hoa dành dành trắng muốt tinh khôi; hoa bưởi trắng ngà ngan ngát hương thơm; hoa xoan từng chùm biêng biếc tím; hoa gạo bên sông cũng rừng rực đỏ… Tất cả lung linh in bóng xuống dòng nước trong xanh thơ mộng làm cho cảnh sắc quê hương thêm tươi đẹp rạng ngời.

 

Nay trở về đứng trước dòng sông tháng Ba nơi miền quê yêu dấu, lòng tôi có nhiều buồn vui lẫn lộn. Vui bởi được nhìn thấy sông như một người bạn cố tri đã gắn bó suốt những năm tháng tuổi trẻ. Một người tình thuỷ chung, không bao giờ phản bội. Những lúc chênh chao sóng gió lại tìm về “úp mặt vào sông quê” cho vơi bớt nỗi niềm.

 

Sông còn là ân nhân đã dưỡng nuôi bao phận đời; gắn kết tình làng nghĩa xóm; tắm mát và nâng đỡ cho bao tâm hồn; là nơi lưu lại những kỉ niệm đẹp nhất, hồn nhiên vô tư nhất của tuổi hoa niên, là chứng nhân cho những mối tình đầu…

 

Cả cuộc đời biết ơn dòng sông như tình mẹ mà thế hệ chúng tôi đã lớn lên và trưởng thành ở đó. Song cũng không khỏi buồn thương tiếc nhớ khi giờ đây sông dường như đã bị thu hẹp hơn bởi sự xây dựng, phát triển của người dân ở hai bên bờ. Sông có phần vắng lặng, hiu hắt. Không còn những cầu ao mà nhà nhà, người người đông vui sớm tối chuyện trò nói cười vang vọng từ bên này sang bên kia. Cũng không còn những đứa trẻ thi nhau bơi lặn, sải mình tăm tắp trên mặt nước, huyên náo vang động cả xóm như chúng tôi ngày xưa.

 

Còn đâu những tiếng giặt chiếu bồm bộp trên sông. Cũng không còn nghe tiếng gõ nhịp đều đều của những chiếc thuyền con thả lưới buông câu. Hết rồi những tiếng vó bè răng rắc kéo. Màu nước tháng Ba trong xanh soi bóng thủa nào nay đã lờ lờ một màu xám đục. Cá tôm trai ốc vốn nhiều vô kể thì bây giờ còn rất ít do nguồn nước đã bị ô nhiễm. Có loài đã bị tận diệt. Sông lặng lẽ thu mình, âm thầm gánh chịu nỗi đau đang tàn phá dần cơ thể. Sông sầu muộn, héo hắt và kiệt quệ, phải oằn mình chở đầy những nước bẩn cùng rác thải mà con người xả ra. Nhìn mà quặn thắt tâm can… Tiếc nuối và xót xa! Dẫu biết hiện đại hoá, đô thị hoá là cần thiết nhưng trong sâu thẳm lòng người vẫn hoài nhớ dòng sông xưa xanh trong soi bóng như những vần thơ của Tế Hanh:

 

“Quê hương tôi có con sông xanh biếc

 Nước gương trong soi tóc những hàng tre

 Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè

 Tỏa nắng xuống lòng sông lấp loáng”…

 

Sông muôn đời vẫn là hồn cốt quê hương, gắn bó máu thịt với con người, là nơi neo đậu của bao tâm hồn. Cho dù thời gian có chảy trôi, dòng đời có đổi thay thì trong tôi vẫn đau đáu một nỗi niềm thương nhớ sông quê - một dòng xanh trong chảy mãi tới khôn cùng.

Nguồn bài viết: nongnghiep.vn
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 66
  • Hôm nay: 3538
  • Trong tuần: 43 609
  • Tất cả: 22529797