image banner
Trồng lạc đen xuất xứ Nam Phi, giâm cây sâm Bố Chính, nông dân Quảng Trị "rời bến nghèo" sang "bờ khá giả"
Lượt xem: 498
Ông Trần Văn Cường, nông dân thôn Xuân Lâm, xã Triệu Nguyên (huyện Đakrông) là người đầu tiên ở tỉnh Quảng Trị trồng lạc đen xuất xứ từ Nam Phi, giá bán lạc đen gấp 4 lần lạc thường. Cùng với trồng tràm, trồng sâm Bố Chính, gia đình ông Cường đã "rời bến nghèo" sang "bờ khá giả". 
Anh-tin-bai

Vợ chồng ông Trần Văn Cường, nông dân thôn Xuân Lâm, xã Triệu Nguyên (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) có thu nhập từ trồng lạc đen Nam Phi. Ảnh: Ngọc Vũ

Tiên phong trồng lạc đen xuất xứ Nam Phi

Dưới tiết trời oi ả của mùa hè tháng 5, ông Trần Văn Cường (SN 1966) cùng vợ Nguyễn Thị Lan (SN 1968) tất bật thu hoạch 5 sào (2.500m2) lạc đen Nam Phi.

Tranh thủ phút giải lao, ông Cường cho biết, tháng 12/2022, con trai đầu của ông lên mạng tìm hiểu thì biết đến giống lạc đen Nam Phi, giá bán cao, đắt khách.

Theo nhiều trang mạng và báo chí đưa tin, ở một số nước như Mỹ, Nhật Bản…hạt lạc đen được coi là một trong những thực phẩm quan trọng.

Hạt lạc đen chứa nhiều nguyên tố kẽm và selen nhiều hơn lạc thường (lạc hồng, lạc đỏ) tới 48% đến 101%, nên còn được gọi là lạc selen.

Selen được coi là một chất giải độc kỳ diệu giúp thải trừ các kim loại nặng ra khỏi cơ thể. Chính vì công dụng tuyệt vời này, lạc đen được nhiều người săn đón.

Nhận thấy cơ hội tăng thu nhập, gia đình ông Cường quyết định tìm mua 7kg giống lạc đen Nam Phi đã bóc vỏ trồng thử nghiệm trên 2 sào đất.

2 sào đất ấy nằm bên con sông Đakrông huyền thoại, được phù sa bồi đắp, cộng với sử dụng phân chuồng để chăm bón, lạc đen ông Cường phát triển tốt. Tháng 4/2023, ông Cường thu hoạch được 3 tạ lạc đen.

Năm tiếp theo, ông Cường thuê thêm đất, trồng 9,4 sào lạc đen. Sau khi thu hoạch, bóc vỏ bán được 100 triệu đồng.

Từ năm 2024, ông Cường chuyển đổi 4,4 sào lạc đen sang trồng cây gai dệt vải để thử nghiệm.

Đây là cây trồng hứa hẹn cho thu nhập cao, trồng một lần, thu hoạch 10 năm, được công ty liên kết bao tiêu sản phẩm. Với 5 sào lạc đen, năm nay ông Cường dự kiến bán được 50 triệu đồng.

“Nếu có đất đai rộng lớn, tôi sẽ mở rộng diện tích trồng lạc đen” – ông Cường khẳng định.

Về quy trình trồng lạc đen, ông Cường cho biết, gia đình hướng đến làm ra nông sản sạch, nên chỉ dùng phân chuồng để bón cho cây lạc đen.

Tháng 12 hàng năm, sau khi làm đất, bón lót phân chuồng, ông Cường gieo hạt giống lạc đen đã qua ngâm, ủ nảy mầm với khoảng cách 20cm mỗi hạt. Trải qua 2 lần làm sạch cỏ, 1 lần vun gốc, đến tháng 4 năm sau, ông Cường thu hoạch lạc đen.

Khác với lạc trắng, lạc đen có lớp vỏ lụa màu đen tím, ruột bên trong màu trắng sữa. Hiện nay, mỗi kg lạc trắng khô, đã bóc vỏ, người dân xã Triệu Nguyên bán với giá 50.000 đồng/kg, trong khi lạc đen có giá 200.000 đồng/kg.

“Quy trình chăm sóc cơ bản giống nhau nhưng lạc đen có giá bán cao hơn lạc trắng. Nếu hình thành được vùng trồng quy mô lớn, gắn với chế biến sâu, lạc đen sẽ là cơ hội làm giàu của bà con nơi đây” – ông Cường nêu ý tưởng.

Nông dân nghèo làm giàu ở chiến khu xưa

Không chỉ tăng thu nhập từ trồng lạc đen, gia đình ông Cường còn trồng rừng tràm keo, sâm bố chính để làm giàu. 

Hướng đôi mắt về phía rừng tràm xanh tít tắp của gia đình nằm bên kia sông Đakrông, ông Cường cho biết, xã Triệu Nguyên được thành lập vào ngày 17/9/1981 từ chiến khu Ba Lòng xưa.

3 năm sau khi rời quân ngũ, năm 1989 ông Cường lập gia đình. 3 người con trai cũng lần lượt ra đời trong căn nhà bằng tre nứa.

Thời điểm đó, xã Triệu Nguyên thiếu thốn từ điện, đường, trường, trạm, không có hệ thống thuỷ lợi. Để có cái ăn, người dân xã Triệu Nguyên phá, đốt rừng để trỉa lúa, nhưng năng suất thấp, thiếu đói. Cũng như bao người dân khác trong xã, ông Cường vào rừng làm “lâm tặc”, chặt hạ gỗ lớn, dùng sức trâu kéo về nhà, bán lấy tiền mua gạo.

Thế nhưng, nhận thức được tác hại của việc phá rừng, năm 2004 ông Cường từ bỏ làm “lâm tặc”, bắt đầu khai hoang đất trống, đồi núi trọc để trồng rừng tràm keo.

Sinh ra, lớn lên trên vùng chiến khu, ông Cường học được tinh thần kiên cường, chịu thương chịu khó của lớp lớp ông, cha. Trải qua nhiều năm kiên trì, nhờ chính sách của Đảng, Nhà nước hỗ trợ cây giống, vay vốn ưu đãi lãi suất thấp, ông Cường đã trồng được 12ha tràm keo. Học được kỹ thuật trồng, chăm sóc từ các lớp tập huấn do chính quyền địa phương tổ chức, ông Cường trồng tràm keo rất hiệu quả. Với giá như hiện nay, sau 5 năm trồng, 12ha tràm keo của ông Cường mang về nguồn thu gần 500 triệu đồng.

Ngoài ra, từ năm 2021, ông Cường còn trồng gần 1ha sâm Bố Chính, cho thu nhập từ 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng/năm.

Để phục vụ người dân 3 xã Ba Lòng, Triệu Nguyên, Mò Ó, ông Cường sắm thêm 1 bộ máy bóc – lọc – ép dầu lạc, mỗi năm thu nhập 50 triệu đồng. 

Bà Nguyễn Thị Hạnh – Chủ tịch UBND xã Triệu Nguyên, cho biết hộ ông Trần Văn Cường luôn tiên phong trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Vừa qua, ông Cường là 1 trong 40 cá nhân vinh dự được UBND tỉnh Quảng Trị tặng Bằng khen vì có thành tích trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025.

Ông Trần Văn Bến – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị, cho biết từ phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, những năm qua nhiều hộ nông dân trên địa bàn đã từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, tạo ra sản phẩm đặc trưng có giá trị cao.

Các mô hình kinh tế ra đời từ phong trào đã giúp hội viên nông dân thoát nghèo bền vững và làm giàu. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến với tinh thần bền bỉ vượt khó, không cam chịu đói nghèo như hộ ông Trần Văn Cường.  

Nguồn bài viết: Danviet.vn
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1