Báo chí, truyền thông nông nghiệp hữu cơ: Vì sức khỏe con người, môi trường và xã hội
(Cổng ĐT HND) – Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến thực phẩm an toàn, không hóa chất, giữ được hương vị, tươi ngon từ cánh đồng về bàn ăn. Thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản có nhu cầu lớn nhập khẩu nông sản hữu cơ Việt Nam. Trong cơ hội ấy, báo chí truyền thông cần chuyển từ vai trò người quan sát sang vai trò người trực tiếp tham gia vào quá trình kiến tạo môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh, công bằng và phát triển bền vững.
Đến nay, sản xuất NNHC đã có bước trưởng thành vượt bậc
Dấu ấn
Ngược về 25 năm trước, nông nghiệp hữu cơ (NNHC) ở Việt Nam gần như chưa có khái niệm rõ ràng. Một số mô hình canh tác tự nhiên, không dùng hóa chất vẫn tồn tại rải rác ở bản, làng miền núi, nhưng chưa được gọi là “hữu cơ” theo tiêu chuẩn quốc tế. Năm 2006, Việt Nam bắt đầu tiếp cận khái niệm NNHC một cách có hệ thống hơn. Được sự hỗ trợ của một số tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ ADDA (Đan Mạch), Helvetas (Thụy Sĩ) - Việt Nam đã triển khai các dự án NNHC tại các tỉnh: Lào Cai, Hòa Bình, Bến Tre, Trà Vinh... đạt được kết quả lớn. Sản xuất NNHC tuy chưa trở thành phong trào nhưng tầm ảnh hưởng, sức thu hút khá rộng rãi các nhà khoa học, chính sách, người dân trong sản xuất kinh doanh.
Năm 2011, Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam được thành lập, nhằm tập hợp các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu, chứng nhận, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam. Thời kỳ đó, Hiệp hội rất khó khăn bởi 3 không: Không trụ sở, không tài chính, không tài liệu kỹ thuật. Nhưng, bằng cả tình yêu, nỗ lực và những bước đi dẻo dai đầy mồ hôi, nước mắt của cán bộ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, đến những cơ sở có dự án, địa bàn có điều kiện sản xuất NNHC đã làm nên kết quả rực rỡ.
Để rồi, năm 2017, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Liên đoàn các phong trào Nông nghiệp Hữu cơ quốc tế (IFOAM); Chính phủ Việt Nam ban hành Quyết định số 150/QĐ về Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, nhấn mạnh phát triển NNHC là hướng đi quan trọng để nâng cao giá trị và tính bền vững của ngành nông nghiệp. Cao hơn nữa là Văn kiện Đại hội Đảng XIII, ghi rõ: “Phát triển nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, bền vững; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ sinh học, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn...”.
Đến nay, người khó tính đến đâu cũng nhận thấy rằng sản xuất NNHC, truyền thông, báo chí về NNHC đã có bước trưởng thành vượt bậc, đi từ không đến có, từ giản đơn đến sản xuất có quy trình, tiêu chuẩn, từ nhóm hộ đơn lẻ đến HTX, doanh nghiệp và phong trào. Nông sản hữu cơ từ tiêu thụ ở chợ dân sinh đã vươn ra thế giới, viết tiếp nên câu chuyện về mình.
Song, do thiếu chiến lược truyền thông tổng thể, dài hạn giữa tuyên truyền và hoạt động thực tiễn. Hình thức truyền thông vẫn dựa vào “lối cũ” như tờ rơi, loa phường, hội nghị. Các thông tin về NNHC chưa phù hợp với trình độ nhận thức của từng nhóm nông dân; chưa tạo dựng với người tiêu dùng trong phân biệt NNHC với nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao. Doanh nghiệp NNHC chưa chú trọng xây dựng thương hiệu, truyền thông sản phẩm, tạo niềm tin với người tiêu dùng để tạo nên sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà nước – doanh nghiệp – nông dân trong xây dựng chiến dịch truyền thông hiệu quả.
Vươn mình đổi mới sáng tạo
Người tiêu dùng trong nước ngày càng quan tâm đến thực phẩm an toàn, không hóa chất, giữ được hương vị, tươi ngon từ cánh đồng về bàn ăn. Thị trường có giá trị sinh lời cao như châu Âu, Mỹ và Nhật Bản có nhu cầu lớn nhập khẩu nông sản hữu cơ Việt Nam. Trong cơ hội ấy, báo chí truyền thông đóng vai trò then chốt từ nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi đến tạo dựng thị trường và kết nối hệ sinh thái hỗ trợ để phát triển NNHC trở thành một xu hướng chủ đạo trong phát triển nông nghiệp bền vững, với vai trò:
Nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy từ sản xuất truyền thống sang canh tác hữu cơ bền vững để bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường, tăng giá trị sản phẩm.
Truyền tải kiến thức, kỹ thuật và mô hình trong chuyển giao tri thức khoa học, kỹ thuật canh tác hữu cơ, quản lý dịch hại sinh học, sử dụng phân bón hữu cơ, quy trình chứng nhận và giới thiệu các mô hình sản xuất thành công, tạo động lực học tập và áp dụng thực tiễn.
Kết nối thị trường và xây dựng thương hiệu giúp người tiêu dùng hiểu, tin tưởng sản phẩm hữu cơ. Từ đó, tạo cầu thị trường ổn định cho sản xuất, kinh doanh. Hỗ trợ xây dựng quy trình, tiêu chuẩn, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu nông sản hữu cơ, thúc đẩy tiêu thụ, gia tăng giá trị và lợi nhuận cho các bên tham gia.
Tạo áp lực chính sách và huy động hỗ trợ thông qua việc nắm, phản ánh tiếng nói của nông dân, doanh nghiệp về nhu cầu thực tiễn. Từ đó, góp phần thúc đẩy xây dựng chính sách hỗ trợ NNHC phát triển theo hệ sinh thái và lợi thế vùng miền. Đồng thời, gây dựng sự quan tâm của cộng đồng, tổ chức xã hội và các nhà tài trợ để huy động nguồn lực đầu tư.
Gắn kết các bên liên quan thông qua tổ chức các sự kiện, tạo diễn đàn đối thoại giữa nông dân, nhà khoa học, doanh nghiệp, chính quyền và người tiêu dùng. Thúc đẩy chuỗi giá trị NNHC hoạt động hiệu quả và minh bạch.
Truyền thông, báo chí là một thành tố quan trọng trong hệ sinh thái NNHC bước vào quỹ đạo phát triển mới. Trong nghĩa rộng, báo chí cần chuyển dần từ vai trò người quan sát sang vai trò người trực tiếp tham gia vào quá trình kiến tạo môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh, công bằng và phát triển bền vững.
- Diện tích canh tác hữu cơ
- Tỷ lệ so với tổng diện tích đất nông nghiệp
- Số lượng nhà sản xuất hữu cơ
- Giá trị xuất khẩu sản phẩm hữu cơ
- Thị trường tiêu thụ chính
|
~174.000 ha
Khoảng 1,5%
Trên 17.000 hộ/cơ sở
Trên 335 triệu USD/năm
Nhật Bản, EU, Mỹ, Hàn Quốc, Singapore
|
(Nguồn: VOAA, TCTK, IFoam Asia- 2024)