image banner
Không cần tha hương, bà con ngôi làng này ở Bình Định vẫn sống tốt nhờ nghề "cha truyền con nối"
Lượt xem: 904
Về thôn Phú Hiệp, xã Cát Tài (huyện Phù Cát, Bình Định), giữa nhịp sống hiện đại đang len lỏi vào từng ngõ xóm, tiếng chẻ tre, đan nan vẫn đều tay vang lên trong từng nếp nhà. Làng nghề đan đát truyền thống nơi đây không chỉ là sinh kế mà còn là một phần hồn cốt văn hóa được bao thế hệ gìn giữ, trao truyền. 

Giữ nghề như giữ hồn làng

Với tuổi đời hàng trăm năm, nghề đan đát ở Phú Hiệp được xem là nghề bản địa độc đáo. Tre, nứa – những vật liệu sẵn có từ núi rừng quê hương – qua đôi tay tài hoa của người thợ nơi đây đã biến thành những sản phẩm quen thuộc, gắn bó với đời sống người Việt: từ thúng, nong, nia, rổ, sàng… đến những vật dụng đặc biệt như lồng sen, cơi trầu, xiểng đám cưới.

Ngày 11-1-2024, UBND tỉnh Bình Định đã công nhận đây là làng nghề truyền thống theo Quyết định số 135. Theo ông Nguyễn Công Định – trưởng thôn Phú Hiệp, quyết định này không chỉ là niềm vui mà còn là cú hích để người dân gắn bó hơn với nghề, lan tỏa giá trị văn hóa của làng nghề ra bên ngoài.

Anh-tin-bai
Làng nghề truyền thống đan đát Phú Hiệp tạo ra những sản phẩm mang bản sắc văn hóa đại diện vùng miền
 

"Gia đình tôi đã có 3 đời làm nghề đan đát. Tôi làm không chỉ để kiếm sống mà để giữ lại cái nghề của ông bà để lại, giữ cái hồn của làng", bà Ngô Thị Thu Hà (64 tuổi, xóm Phú Hậu) chia sẻ.

Hiện toàn thôn Phú Hiệp có 187 hộ làm nghề, với 291 lao động đang tham gia – trong đó gần một nửa là lao động chuyên nghiệp. Dù mức thu nhập chưa cao, khoảng 1,2 triệu đồng/người/tháng, nhưng nghề đan đát vẫn được bà con gìn giữ nhờ tính linh hoạt: có thể tranh thủ làm lúc nông nhàn, từ trẻ nhỏ 12 tuổi đến người già đều có thể tham gia.

"Không cần vốn lớn, nguyên liệu có sẵn, quy trình đơn giản, lại gắn bó với đời sống người dân từ bao đời. Đó là lý do nghề này không bị mai một", bà Hà nói thêm. 

Đan tay, giữ nghề – đan tình, giữ hồn

Theo Phó chủ tịch UBND xã Cát Tài – ông Trần Công Thành, mỗi sản phẩm đan đát đều mang dấu ấn riêng của Phú Hiệp. Cùng là thúng, nong, nia… nhưng người tinh mắt có thể nhận ra sự khác biệt ở kiểu dáng, độ bền và kỹ thuật đan so với các vùng khác.

Những sản phẩm này không chỉ phục vụ sản xuất nông nghiệp mà còn xuất hiện trong các lễ hội, sinh hoạt văn hóa dân gian – như đạo cụ múa, vẽ mặt nạ, trang trí đình chùa, câu đối… 

"Chúng tôi đã xây dựng nhà trưng bày làng nghề để giới thiệu sản phẩm, kết nối du khách, đồng thời góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống", ông Nguyễn Công Định nói.

Ngoài sản phẩm truyền thống, nhiều hộ dân hiện nay còn kết hợp đan thêm ghế nhựa, giỏ công nghiệp – tăng thêm thu nhập khoảng 100.000 đồng/ngày. Dù vẫn làm thủ công, nhưng người dân đang chủ động kết nối với doanh nghiệp để đưa sản phẩm ra thị trường xa hơn. 

Chủ tịch UBND xã Cát Tài – ông Nguyễn Bá Quang, cho biết: “Sản phẩm đan đát Phú Hiệp không chỉ phục vụ trong tỉnh mà còn tiêu thụ tại Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum, các tỉnh miền Đông, Tây Nam bộ. Thời gian tới, xã sẽ hỗ trợ mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa mẫu mã”. 

Ở Phú Hiệp, mỗi chiếc nong, nia là kết tinh từ bàn tay khéo léo và tâm hồn cần mẫn của người thợ. Mỗi đường đan không chỉ là kỹ thuật, mà còn là sự bền bỉ, chịu khó, là tình yêu với nghề truyền thống. Những người dân nơi đây đã và đang giữ nghề như giữ lấy một phần hồn của làng, của quê hương.

Giữa dòng chảy đô thị hóa, Phú Hiệp vẫn vang tiếng chẻ tre, đều tay đan từng nan nhỏ, như lời nhắn nhủ rằng: Có những giá trị không nên để mất, và nghề truyền thống chính là một trong số đó.

Nguồn bài viết: Danviet.vn
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1