image banner
Lào Cai: Hơn 16.500 hộ đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp
Lượt xem: 1049
(Cổng ĐT HND)- Thời gian qua, phong trào nông dân SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã tạo việc làm tại chỗ cho hàng nghìn lao động địa phương; nhiều hội viên nông dân được hỗ trợ vốn, giống cây, con và chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, giúp đỡ hơn 550 hộ thoát nghèo. Đến nay trên địa bàn tỉnh có hơn 16.500 hộ đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, trong đó, có hơn 9.730 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi là người dân tộc thiểu số, chiếm 61,5% tổng số hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn tỉnh.
Từ phong trào SXKD giỏi, các cơ sở Hội đã thành lập 193 chi Hội nghề nghiệp, 310 tổ hội nghề nghiệp theo hướng liên kết giúp đỡ nhau phát triển sản xuất kinh doanh.


Chỉ tính riêng năm 2022, toàn tỉnh đã suy tôn 15.802 hộ đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi các cấp, chiếm 12,8% tống số hộ nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, có 100 hộ đạt tiêu chuẩn SXKD giỏi cấp Trung ương với mức thu nhập bình quân 22,5 triệu đồng/người/tháng trở lên; có 1.094 hộ nông dân SXKD giỏi cấp tỉnh với mức thu nhập 11,25 triệu đồng/ người/tháng trở lên; hộ nông dân SXKD giỏi cấp huyện với mức thu nhập 5,625 triệu đồng/ người/tháng trở lên đạt 3.645 hộ; hộ nông dân SXKD giỏi cấp xã với mức thu nhập 3,75 triệu đồng/người/tháng trở lên đạt có 10.963 hộ. Trong số hộ SXKD giỏi, toàn tỉnh có 9.731 hộ là người dân tộc thiểu số, chiếm 61,5% tổng số hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn tỉnh.
 
 
Đặc biệt, phong trào đã khuyến khích, động viên nông dân, phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp nhau xoá đói giảm nghèo, thi đua làm giàu. Thông qua phong trào, các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp chia sẻ kinh nghiệm sản xuất kinh doanh cho trên 5.000 lượt hộ, tạo việc làm cho 3.000 lao động nông thôn, giúp đỡ 1.500 hộ có hoàn cảnh khó khăn về cây, con giống, vật tư nông nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm.
 
 
Với sự vào cuộc của các cấp Hội và hội viên trong toàn tỉnh đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo chung của toàn tỉnh với tỷ lệ hộ nghèo năm 2022 chiếm 19,37% so với tổng số hộ toàn tỉnh; hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 12,17% so với tổng sổ hộ trên địa bàn.
 
 
Tiêu biểu như: Hộ ông Thào Dìn (xã Bản Lầu, huyện Mường Khương) với mô hình trồng dứa, chuối, cho thu nhập 1,5 tỷ đồng/năm; hộ ông Nguyễn Phúc Minh (phường Ô Quý Hồ, thị xã Sa Pa) với mô hình trồng trồng hoa công nghệ cao, cho thu nhập 1,4 tỷ đồng/năm; hộ ông Nguyễn Văn Lũy (xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa) nuôi cá hồi, cá Tầm bán thương phẩm không chế biến, thu nhập bình quân 2 tỷ đồng/năm; mô hình sản xuất thu mua và chế biến quế của hộ ông Triệu Phúc Lý (xã Nậm Đét, huyện Bắc Hà) tổng thu nhập 1,2 tỷ đồng/năm; hộ ông Nguyễn Văn Tuynh (xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng) trồng, thu mua và chế biến lâm sản, cho thu nhập 1,8 tỷ đồng/năm...
 
 
Thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng vật nuôi, gia đình bà Hoàng Thị Chắp, thôn Luổng Đơ, xã Cốc San (thành phố Lào Cai) đã nhận thầu lại khu ruộng khoán trồng lúa kém hiệu quả để cải tạo thành ao nuôi cá. Ban đầu, gia đình bà Chắp nuôi các loại cá: mè, trắm cỏ, chép, trôi, và rô phi nhưng cho hiệu quả không cao.
 
 
Qua các buổi tham quan, học tập trao đổi kinh nghiệm tại các hộ nuôi cá từ các tỉnh Hải Phòng, Hà Nội bà quyết định nuôi ghép cá bỗng với cá trắm đen, chép lai và rô phi đơn tính. Đặc biệt tập trung sản xuất cá chép giống. Giống cá chép do gia đình bà lai tạo được lấy nguồn từ giống cá chép Trung Quốc và cá chép sông Hồng. Sản phẩm tạo ra con cá chép lai giống to, khỏe, kháng dịch bệnh tốt, mẫu mã đẹp.        
 
 
Được cán bộ khuyến nông tư vấn, hướng dẫn bà đã xây dựng hệ thống ao nuôi có bờ bao kiên cố bằng bê tông cốt thép, hệ thống lọc nước tuần hoàn giúp cho các ao cá an toàn khi có mưa bão, lũ quét. Bên cạnh đó, gia đình bà cũng chủ động thiết kế che chắn mặt ao chống rét, đảm bảo giữ ấm cho cá luôn khỏe mạnh, phát triển tốt trong mùa đông.
 
 
Qua 20 năm đầu tư và phát triển mô hình nuôi cá giống, hiện gia đình bà thu nhập 1,2 – 1,8 tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho từ 6 - 7 lao động tại địa phương với mức thu nhập 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Bà cũng thường xuyên giúp đỡ các hộ trong thôn, xã có hoàn cảnh khó khăn về vốn, giống và kỹ thuật để phát triển sản xuất, có nguồn thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo.
 
 
Hay anh Sền Pờ Diu, dân tộc Pa Dí, thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương) hiện đang sở hữu 6 ha quýt sen đặc sản, trong số này có 3 ha đã cho thu hoạch, thu nhập trung bình hàng trăm triệu đồng/năm. Anh còn chia sẻ kinh nghiệm, giống, hướng dẫn bà con chăm sóc để xóa đói, giảm nghèo.
 
 
Từ sau khi huyện Si Ma Cai có đề án phát triển cây ăn quả ôn đới, ông Cư Seo Vần, thôn Lao Chải, xã Quan Hồ Thẩn là người đầu tiên của xã tiên phong trồng 1ha cây lê Tai Nung và mận Tả Van. Đến nay vườn cây ăn quả ôn đới của gia đình ông đã cho thu hoạch được 10 năm.
 
 
Được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật do Hội tổ chức và áp dụng đúng quy trình kỹ thuật mà vườn mận, lê của gia đình ông năm nào cũng sai quả, được mùa, được giá. Nắm bắt thị trường, nhu cầu tham quan, du lịch trải nghiệm, ông đã kết hợp trồng cây ăn quả ôn đới và chăn nuôi thêm gà thả vườn với số lượng ban đầu 100 con, nuôi thêm ngan và lợn đen bản địa. Mỗi năm bán ra thị trường trên 5,7 tấn lê và mận, 60kg thịt lợn đen, 100 con gà, ngan. Trừ mọi chi phí, lợi nhuận thu được hàng năm của gia đình ông trên 200 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương.
 
 
Bên cạnh đó, ông còn tích cực hướng dẫn, giúp đỡ chia sẻ kỹ thuật trồng cây ăn quả cho 20 hộ hội viên nông dân trong thôn, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn quả cho 05 hội viên ở các thôn khác trên địa bàn xã để cùng phát triển kinh tế, hỗ trợ cho 01 con lợn nái cho 01 hội viên nghèo nhân giống, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi.
 
 
Hàng năm ông tích cực ủng hộ cho các quỹ phúc lợi như: Khuyến học, xây dựng nông thôn mới, quỹ vì người nghèo… trên 1,5 triệu đồng. Ông còn đóng góp, ủng hộ tham gia xây dựng nông thôn mới với tổng trị giá trên 10 triệu đồng.
 
 
Từ phong trào trên, các cơ sở Hội đã thành lập 193 chi Hội nghề nghiệp, 310 tổ hội nghề nghiệp theo hướng liên kết giúp đỡ nhau phát triển sản xuất kinh doanh; phối hợp hỗ trợ giúp đỡ củng cố 473 loại hình HTX, với gần 9.000 thành viên tham gia.
 
 
Các mô hình kinh tế tập thể cơ bản đã hoạt động theo hướng liên kết, đem lại hiệu quả sản xuất - kinh doanh, tăng thu nhập cho các thành viên. Nhiều dự án phát huy tốt hiệu quả và được địa phương quan tâm nhân rộng như dự án: Nuôi gà thả đồi tại huyện Bảo Thắng; vịt bầu tại xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên; dự án chăn nuôi đại gia súc tại các huyện Văn Bàn, Bảo Yên, Bảo Thắng, Bát Xát… đã phát huy được lợi thế nguồn thức ăn cho gia súc phong phú, phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu nên đàn gia súc phát triển rất tốt, đem lại giá trị kinh tế cao có sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn tỉnh.
 
 
Hội còn phối hợp với ngân hàng CSXH và Agribank Lào Cai thực hiện ủy thác cho gần 28.000 hộ nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, với tổng dư nợ do hơn 2.500 tỷ đồng. Nguồn vốn Quỹ HTND tỉnh đạt 39,771 tỷ đồng, cho 646 lượt hộ vay thực hiện 58 lượt dự án, giải quyết việc làm cho hơn 1.500 lao động; 100% các cấp Hội sử dụng có hiệu quả Quỹ HTND.
 
 
Thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng hoạt động của các chi Hội cơ sở; đẩy mạnh thực hiện hiệu quả phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng; vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia xây dựng hạ tầng cơ sở nông thôn, đặc biệt là hạ tầng giao thông và các công trình phúc lợi xã hội… Qua đó, cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện thắng lợi Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 18
  • Hôm nay: 2450
  • Trong tuần: 42 521
  • Tất cả: 22528709