image banner
Đà Nẵng: Hơn 5.000 hộ/năm đạt danh hiệu SXKD giỏi các cấp
Lượt xem: 1150
(Cổng ĐT HND)- Năm năm qua (2019-2023), phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” trở thành tâm điểm trong đời sống kinh tế - xã hội địa phương, tạo sức lan tỏa trên nhiều lĩnh vực…
Các “Câu lạc bộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” đã hỗ trợ về cây, con giống, vật tư nông nghiệp cho 4.000 lượt hộ nghèo với giá trị 53 tỷ đồng.


Toàn thành phố đã có 26.500 lượt hộ nông dân đăng ký hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Qua bình xét, trung bình mỗi năm có hơn 5.000 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.
 
 
Hội Nông dân thành phố đã đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hỗ trợ dịch vụ, dạy nghề cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, hỗ trợ thực hiện có hiệu quả các mô hình kinh tế nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Điển hình như: 4 mô hình sản xuất hoa ứng dụng công nghệ cao cho các hộ trồng hoa huyện Hòa Vang; các mô hình sản xuất nấm dược liệu, nấm ăn, nấm đông trùng hạ thảo tại xã Hòa Phong; 12 mô hình tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm cho cây rau, cây ăn quả; 10 mô hình sản xuất lúa và rau theo hướng hữu cơ; 2 mô hình nông nghiệp gắn với phục vụ du lịch và các mô hình sản xuất gắn với liên kết chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chuỗi liên kết sản phẩm OCOP….
 
 
Tổng nguồn Quỹ HTND thành phố đạt 45,489 tỷ đồng, doanh số cho vay hơn 79,9 tỷ đồng, xây dựng được 349 dự án với 2.809 hộ vay tại các chi, tổ hội nghề nghiệp phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo phương pháp hữu cơ, gắn với chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị và phát triển bền vững.
 
 
Các cấp Hội phối hợp vận động thành lập 48 tổ hợp tác, 11 hợp tác xã trên các lĩnh vực trồng trọt, kinh doanh dịch vụ, sản xuất, chế biến hàng nông sản. Các Tổ hợp tác, Hợp tác xã đã góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho hội viên, nông dân và thu hút nông dân vào các tổ chức kinh tế tập thể.
 
 
Đặc biệt, lĩnh vực hỗ trợ nông dân giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm được các cấp Hội đẩy mạnh, tổ chức 102 hoạt động hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm thông qua các Phiên chợ nông sản, Hội chợ xúc tiến thương mại, các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm trong và ngoài thành phố….
 
 
Ngoài ra, Hội phối hợp với các ban, ngành mở hơn 306 lớp dạy nghề, giải quyết việc làm cho hơn 4.000 nông dân, hơn 1.000 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, tổ chức cho 921 nông dân đi lao động tại Hàn Quốc.
 
 
Các “Câu lạc bộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” đã hỗ trợ về cây, con giống, vật tư nông nghiệp cho 4.000 lượt hộ nghèo với giá trị 53 tỷ đồng; giúp 1.800 hộ nông dân thoát nghèo, có thu nhập, việc làm ổn định.
 
 
Từ phong trào, hội viên, nông dân đã hiến 23.500m2 đất, 22.690 ngày công lao động để sửa chữa, làm mới 18km đường giao thông, hẻm; kiên cố hóa 23,97km mương thủy lợi, sửa chữa 50 ngôi nhà cho hộ hội viên, nông dân khó khăn.
 
 
Nhiều năm liền đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, anh Bùi Thanh Phú (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) luôn tâm huyết đưa làng nghề làm nước mắm truyền thống Nam Ô phát triển mạnh mẽ, tạo điều kiện cho bà con ổn định sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Vì lẽ đó, thương hiệu nước mắm nhĩ Nam Ô “Hương Làng Cổ” của anh luôn chăm chút tỉ mỉ bằng kinh nghiệm, niềm tự hào từ văn hóa nghề truyền thống của cha ông.
 
 
Mỗi năm, tổng doanh thu của cơ sở đạt khoảng 3 tỷ đồng, lợi nhuận trung bình 1 tỷ đồng/năm; giải quyết việc làm cho 10 lao động thường xuyên và mùa vụ tại địa phương với mức thu nhập 6 triệu đồng/tháng. Bên cạnh sản xuất, anh còn có nhiều sáng kiến, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề nước mắm Nam Ô.
 
 
Trong đó, sử dụng công nghệ vào quá trình sản xuất, kiểm tra chất lượng, tạo ra sản phẩm sạch, hữu cơ, tốt cho sức khỏe, đáp ứng yêu cầu, thị hiếu của khách hàng hiện nay; kết hợp với ứng dụng công nghệ thông tin, nền tảng số nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại cho sản phẩm truyền thống của bà con địa phương, đặc biệt là vấn đề xây dựng và bảo hộ thương hiệu của làng nghề.
 
 
Bên cạnh đó, anh đã mua lại tên miền nuocmamnamo.vn và huonglangco.vn để giới thiệu và bán sản phẩm trên website; đồng thời, thường xuyên tổ chức các chương trình quảng bá, phối hợp các trường tổ chức cho học sinh, sinh viên trên địa bàn và du khách quốc tế đến tham quan trải nghiệm, thực tập, góp phần giới thiệu, quảng bá sản phẩm nước mắm truyền thống, văn hóa và lịch sử của làng Nam Ô. “Chúng tôi luôn mong muốn các cấp thành phố tạo điều kiện để người dân địa phương có khu sản xuất tập trung, đưa sản phẩm phát triển ra thị trường bền vững và hỗ trợ tuyên truyền, nâng cao nhận thức để bà con địa phương thấy được giá trị của văn hóa bản địa làng nghề, tạo hành lang pháp lý bảo vệ thương hiệu nước mắm Nam Ô”, anh Phú chia sẻ thêm.
 
 
Cùng với anh Phú, ông Lê Dũng (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) là một trong 100 nông dân tiêu biểu toàn quốc được vinh danh năm 2023. Với hoạt động khai thác hải sản xa bờ, mỗi năm, doanh thu của ông Dũng đạt khoảng 2,2 tỷ đồng/năm, lợi nhuận trung bình hơn 1 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 9 lao động với mức thu nhập bình quân 7 triệu đồng/tháng. Trong quá trình khai thác hải sản, tàu của ông Dũng đã trang bị các loại máy móc hiện đại như: pin năng lượng mặt trời, máy icom 710, máy nhắn tin vx 1700, máy giám sát hành trình Vifish-18…
 
 
Ngoài ra, ông được chọn thực hiện mô hình sử dụng máy tầm ngư dò đứng do Trung tâm Khuyến ngư nông lâm thành phố lắp đặt, nhờ vậy, sản lượng khai thác trong các chuyến biển khả quan hơn, thu nhập của ông và các thuyền viên đều được nâng cao. Bên cạnh hoạt động khai thác đánh bắt, ông còn là Tiểu đội trưởng Dân quân biển tập trung được cơ quan quân sự các cấp giao nhiệm vụ trao đổi, cung cấp thông tin trên biển và báo cáo về đất liền những tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam. Với những nỗ lực trên, nhiều lần, ông nhận được giấy khen với thành tích tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới.
 
 
Còn nhiều nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tại Đà Nẵng từng được vinh danh nông dân Việt Nam xuất sắc trong chương trình “Tự hào Nông dân Việt Nam” như: Ông Nguyễn Văn Nhi, Giám đốc Hợp tác xã nấm Nhơn Phước (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) vinh danh năm 2020; năm 2021 có ông Đặng Hòa (phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) với hoạt động sản xuất bao bì, ballet gỗ và kinh doanh dịch vụ đường thủy trên sông Hàn; ông Lê Văn Chiến (quận Thanh Thê) với hoạt động đánh bắt xa bờ, bảo vệ chủ quyền biển, đảo…
 
 
Có thể khẳng định, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” do Hội Nông dân phát động tạo động lực lôi cuốn, khích lệ hội viên, nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, đổi mới sáng tạo, vươn lên làm giàu và giúp đỡ hộ nông dân thoát nghèo bền vững.
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 22
  • Hôm nay: 2303
  • Trong tuần: 42 374
  • Tất cả: 22528562