image banner
Bình Dương: Trên 35.000 hộ nông dân đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp
Lượt xem: 1019
(Cổng ĐT HND)- Thời gian qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững được các cấp Hội triển khai thực hiện hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Hàng năm, số lượng hộ hội viên, nông dân đăng ký danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp đạt 38.680 lượt hộ, chiếm 87% so với tổng số hộ hội viên nông dân toàn tỉnh. Trong đó, số hộ nông dân đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp bình quân hàng năm là 35.005 lượt hộ, chiếm 91,8% so với số hộ đăng ký.
Phong trào đã góp phần đẩy mạnh việc thành lập các loại hình trang trại, gia trại hiệu quả kinh tế cao.


Phong trào đã góp phần đẩy mạnh việc thành lập các loại hình trang trại, gia trại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, toàn tỉnh có 643 trang trại, với tổng diện tích đất sản xuất trên 3.450 ha, hơn 2.400 lao động thường xuyên, có nhiều trang trại đạt doanh thu bình quân hàng tỷ đồng mỗi năm.
 
 
Từ phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu cho ý chí, nghị lực vượt khó vươn lên làm giàu trở thành những gương SXKD giỏi, như: Mô hình nuôi gà trại lạnh của ông Đinh Ngọc Khương (huyện Phú Giáo), ông Nguyễn Hồng Quyết với mô hình trồng dưa lưới (huyện Phú Giáo), bà Nguyễn Thanh Thủy (huyện Bàu Bàng) trồng bưởi da xanh, ông Lê Minh Sang (huyện Bắc Tân Uyên) với mô hình trồng bưởi da xanh theo chuẩn VietGAP, đã liên kết với doanh nghiệp logistics xuất khẩu bưởi ra thị trường nước ngoài…
 
 
Điển hình như mô hình nuôi chim yến của bà Tăng Thị Hằng ở xã An Long (huyện Phú Giáo), đến nay, bà đã phát triển lên 6 căn nhà nuôi chim yến. Ngoài ra, bà còn mở rộng mô hình nuôi thỏ thả vườn, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào chăm sóc vườn sầu riêng. Với tổng diện tích đất hơn 10 ha, trong đó có 7 ha cao su đang khai thác, 2 ha đang trồng mới, còn lại hơn 1 ha trồng các loại cây trồng khác, kết hợp nuôi thỏ thả vườn, trừ mọi chi phí, gia đình bà thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm. Bà Hằng còn sẵn sàng giúp đỡ cho các hộ dân, hội viên nông dân để vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
 
 
Ngoài ra, nhiều hộ nông dân SXKD giỏi đã thành lập các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc làm sáng lập viên thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm liên kết, mở rộng quy mô, tăng hiệu quả SXKD. Tiêu biểu như ông Lê Minh Sang – Giám đốc HTX Cây ăn quả Tân Mỹ ( xã Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên). Đến nay HTX cây ăn quả Tân Mỹ có 22 thành viên với tổng diện tích 62ha, tổng vốn điều lệ 4 tỷ đồng. HTX đang trồng các loại bưởi da xanh, bưởi đường lá cam, các loại cam và dưa lưới. Lợi nhuận bình quân của HTX đạt 3,8 tỷ đồng/năm, trên tất cả các sản phẩm.
 
 
Hay anh Nguyễn Văn Sơn khởi nghiệp làm nông nghiệp sạch năm 2014 với trang trại rau, heo sạch Nam An Farm tại huyện Dầu Tiếng với quy mô hơn 30.000m2 chuyên cung cấp những loại thực phẩm hữu cơ, không sử dụng hóa chất.
 
 
Trang trại của anh sản xuất theo qui trình khép kín từ khâu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi đến chủ động con giống đảm bảo chất lượng, cung cấp gần 50 sản phẩm từ thịt lợn, rau củ quả sạch canh tác theo hướng hữu cơ, không sử dụng chất hóa học. Trong đó, lợn rừng lai được chăn nuôi theo với phương pháp truyền thống với thời gian nuôi lên đến 10-12 tháng giúp lợn đạt chất lượng thịt cao nhất.
 
 
Các sản phẩm từ trang trại Nam An cung cấp rộng trên thị trường qua hệ thống cửa hàng “Nông sản Nhà quê”; cửa hàng thực phẩm sạch tại vườn “Tuta market”,… phân phối tại các hệ thống bán lẻ trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương.
 
 
Ông Lê Minh Sang và Anh Nguyễn Văn Sơn là các thành viên của Chi hội nông dân tỷ phú tỉnh Bình Dương với 65 thành viên. Trong đó, có 3 doanh nghiệp, 2 nhà khoa học, 4 cán bộ Hội Nông dân và hơn 30 nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu tại các địa phương.
 
 
Chi hội có tổng diện tích cây ăn trái có múi, cây ăn trái đặc sản trên 1.000ha; diện tích sản xuất dưa lưới ứng dụng công nghệ cao đạt hơn 50ha; tổng đàn chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao đạt hơn 1 triệu con. Cùng với đó là các doanh nghiệp hỗ trợ, cung ứng dịch vụ đầu vào sản xuất nông nghiệp như: phân bón, máy móc, thiết bị phục vụ nông nghiệp.
 
 
Từ khi thành lập (tháng 4-2021) đến nay, Chi hội nông dân tỷ phú tỉnh đã tổ chức được trên 8 kỳ sinh hoạt. Các buổi sinh hoạt được tổ chức lồng ghép với học tập kinh nghiệm các mô hình hiệu quả ngoài tỉnh như: Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Hưng Yên, Hà Nội, Ninh Bình…
 
 
Nét nổi bật của Chi hội là hàng năm, thành viên Chi hội đăng ký tham gia phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững tại các cơ sở Hội. Kết quả bình xét hàng năm tất cả hội viên đều đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi cấp tỉnh trở lên.
 
 
Bên cạnh đó, nhiều hội viên cũng đã mạnh dạn liên kết mở rộng sản xuất ra ngoài tỉnh. Điển hình như hộ bà Đặng Thị Nhân xã Thanh An (huyện Dầu Tiếng) đã hợp tác trồng 100ha sầu riêng tại tỉnh ĐắK LắK hơn 5 năm nay, hiện đã bắt đầu cho trái chín. Hay như ông Nguyễn Hồng Quyết – Giám đốc HTX nông nghiệp công nghệ cao Kim Long ở xã An Bình (huyện Phú Giáo) đã liên kết mở rộng quy mô sản xuất sang tỉnh Bình Phước, Đắk Lắk, Bình Thuận, Cần Thơ. Hiện ông đang quản lý hơn 20ha dưa lưới với sản lượng hàng năm trên 1.500 tấn dưa/năm.
 
 
Từ phong trào, Hội ND tỉnh đã tuyên truyền vận động, hướng dẫn thành lập được 315 tổ hợp tác (tổ liên kết sản xuất) với 3.435 thành viên; 45 hợp tác xã nông nghiệp với 435 thành viên, nâng tổng số HTX nông nghiệp cả tỉnh lên 78 hợp tác xã với 1.097 thành viên.
 
 
Các cấp Hội còn tích cực tuyên truyền vận động phát triển nguồn vốn Quỹ HTND được 43,3 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh đến nay đạt  154,59 tỷ đồng, cho 2.918 hội viên, nông dân vay thực hiện 288 dự án trồng trọt, chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp, trong đó có trên 90% dự án đạt hiệu quả rất tốt.
 
 
Tại huyện Dầu Tiếng, qua phong trào đã xuất hiện nhiều mô hình, gương nông dân điển hình trong SXKD giỏi như: Mô hình trang trại tổng hợp của ông Tống Văn Hướng (xã Minh Hòa); nuôi chim yến của bà Vũ Thị Tuất (xã Minh Tân); trang trại tổng hợp của ông Lê Quang Minh (xã An Lập); trại gà, vịt lạnh của ông Nguyễn Tiến Hiếu (xã Long Tân)... Các mô hình trên đã thật sự phát huy hiệu quả, mang lại thu nhập cao cho hội viên, nông dân, trong đó có những hộ đạt từ 2-4 tỷ đồng/năm.
 
 
Cùng với đó, các cấp Hội đã vận động tương trợ giúp hội viên, nông dân làm giàu chính đáng bằng nhiều hình thức như: Hỗ trợ vốn vay không lãi suất, hỗ trợ cây, con giống... Đến nay, các cấp Hội ND huyện đã vận động được trên 31 tỷ đồng giúp cho 3.103 hộ hội viên, nông dân. Nhờ đó, nhiều hộ nông dân đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
 
 
Ngoài ra, Hội ND huyện còn chú trọng xây dựng Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); từ đó hình thành sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, tạo ra sản phẩm thế mạnh của địa phương. Đến nay, huyện đã có 3 sản phẩm OCOP, gồm rượu gạo nếp năng lượng (xã Long Hòa); dưa lưới (xã An Lập); bưởi da xanh (xã Minh Thạnh) đã được UBND tỉnh phê duyệt đánh giá, phân hạng OCOP chứng nhận tiêu chuẩn 3 sao cấp tỉnh. Hiện huyện đang tiếp tục trình Hội đồng đánh giá OCOP cấp tỉnh đánh giá và phân hạng cho 4 sản phẩm, gồm: Cam sành, quýt đường, bưởi da xanh của Hợp tác xã Minh Hòa Phát (xã Minh Hòa); sản phẩm yến sào của Hợp tác xã Yến sào Dầu Tiếng (xã Minh Tân) theo tiêu chuẩn 3 sao.
 
 
Có thể khẳng định, phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi đã góp phần hình thành nên những mô hình sản xuất, phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cùng với nhiều tấm gương nông dân cần cù, nghiên cứu sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, từng bước vươn lên làm giàu chính đáng. Qua đó, góp phần đưa nền nông nghiệp của tỉnh phát triển toàn diện, cả về trồng trọt và chăn nuôi, nhất là hình thành các mô hình SXKD mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân.
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 20
  • Hôm nay: 1027
  • Trong tuần: 41 098
  • Tất cả: 22527286