image banner
Hiệu quả kinh tế cao từ mô hình trồng đào, quất cảnh
Lượt xem: 225
Những năm gần đây, một số hộ nông dân trên địa bàn xã Yên Thọ, huyện Như Thanh (Thanh Hóa) chuyển đổi nhiều diện tích vườn tạp, đất lúa kém năng suất sang trồng đào, quất cảnh phục vụ thị trường Tết. Mô hình này hiện mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm/hộ.

Yên Thọ là một xã thuần nông, cách trung tâm huyện Như Thanh khoảng 6km, đây được xem là địa phương đi đầu trong phong trào phát triển nông nghiệp của huyện. Những năm qua, nắm bắt nhu cầu thị trường chơi đào, quất cảnh dịp Tết, một số hộ nông dân trên địa bàn xã đi tham quan thực tế tại một số mô hình trồng quất, đào trong và ngoài tỉnh để chuyển đổi diện tích vườn tạp, đất lúa kém hiệu quả sang mô hình này. Mặc dù đây là mô hình mới nhưng bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, diện tích chuyển đổi ngày càng được mở rộng.

Gia đình anh Trịnh Văn Thọ (thôn Tân Thọ, xã Yên Thọ) là hộ đầu tiên trên địa bàn xã chuyển đổi 500m2 từ vườn tạp sang trồng đào, quất cảnh. Sau 1 năm thực hiện, nhận thấy cây quất mang lại giá trị kinh tế cao hơn so với cây trồng khác, anh quyết định thuê thêm diện tích đất của xã và người dân xung quanh để đầu tư trồng quất và  đào. Đến nay, mô hình của gia đình được mở rộng lên hơn 1ha,cho  thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm.

Anh-tin-bai

Anh Trịnh Văn Thọ chăm sóc vườn quất cảnh sau Tết

Anh Thọ chia sẻ, bước đầu đưa cây quất về trồng tử nghiệm, anh nhận thấy phù hợp với đồng đất, thị trường rộng mở khi nhu cầu của người dân trong vùng rất cao. Anh đi tham quan một số mô hình trồng quất, đào ở Hưng Yên và huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) để học hỏi kinh nghiệm chăm sóc, tạo dáng.

Hiện nay, mô hình của anh có khoảng 300 cây đào thế trồng trên diện tích hơn 2.000m2 và 100 cây đào bonsai trồng trong chậu, diện tích còn lại anh trồng hơn 700 gốc quất (vừa quất phôi, vừa quất cảnh). Theo anh Thọ tính toán,  quất với giá trung bình 1 triệu đồng/cây, đào trung bình 1,5 triệu đồng/cây, mỗi năm mô hình cho  thu nhập gần 1 tỷ đồng, trừ chi phí, lợi nhuận khoảng 30%.

Theo anh Thọ, so với cây trồng khác cây đào, cây quất cho thu gấp nhiều lần, tuy nhiên, người trồng cần phải có kỹ thuật chăm sóc, tạo thế... 

Anh Hoàng Ngọc Dinh (thôn Xuân Mới, xã Yên Thọ) sau nhiều năm đi làm ăn xa, nhận thấy nhu cầu về cây quất, cây đào cảnh dịp Tết tăng cao, năm 2022, anh quyết định chuyển đổi diện tích trồng hoa màu của gia đình sang trồng thử nghiệm 230 cây quất cảnh. Vụ đầu tiên anh thu về khoảng 240 triệu đồng/sào, trừ chi phí, lợi nhuận hơn 50 triệu đồng.

Anh Dinh chia sẻ, nhận thấy đây là cây trồng có giá trị, đem lại thu nhập cao, sau đó anh thuê hơn 5.000m2 đất canh tác hoa màu của người dân trong xóm để trồng thêm cây đào thế và tăng số lượng cây quất cảnh. Năm vừa qua, với 900 cây quất anh đã thu hoạch được hơn 500 cây; 300 cây đào anh đã bán được hơn 100 cây với giá dao động trung bình từ 1,2 triệu đồng/cây, có cây có giá trị lên đến 25 triệu đồng.

“Vụ vừa rồi tôi thu về hơn 400 triệu đồng, trừ chi phí thuê công thu hoạch, đầu tư ban đầu…lợi nhuận đạt gần 200 triệu đồng. Để phục vụ nhu cầu chơi quất cổ thụ, năm vừa qua tôi đã thuê thêm diện tích trồng thử nghiệm gần 30 gốc bưởi ghép quất, bước đầu mắt ghép đã phát triển mầm…nếu thành công đây sẽ là sản phẩm có giá trị cao” – anh Dinh cho biết thêm.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế nông thôn, ông Bùi Ngọc Tuân, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Thọ cho biết, những năm trước, trên địa bàn xã có nhiều mô hình nông nghiệp tập trung như: trồng bí xanh, cây ớt, rau sạch…Tuy nhiên, hiện nay người dân đang gặp nhiều khó khăn, loay hoay trong tìm kiếm cây trồng mới do đất đai bị chai cứng, cây trồng kém phát triển. Ngoài ra, do không ổn định đầu ra nên gặp tình trạng “được mùa mất giá”.

Những năm gần đây, cây đào và cây quất cảnh xuất hiện manh nha ở một số hộ, thế nhưng bước đầu đã cho giá trị kinh tế gấp nhiều lần so với các cây trồng khác. Hiện trên địa bàn toàn xã có 7 hộ trồng cây đào, quất cảnh. Ban đầu diện tích nhỏ lẻ từ 1 -2 sào/hộ, đến nay mô hình này đang được các hộ tiếp tục mở rộng diện tích, có hộ phát triển mở rộng lên đến 1ha và cho thu nhập trung bình khoảng 300 triệu đồng/năm.

Ông Tuân cho biết thêm, đây là cây trồng mới, có giá trị kinh tế, tuy nhiên, để mở rộng diện tích, đòi hỏi chủ mô hình phải có kiến thức chuyên môn kỹ thuật lai tạo, cắt ghép, chăm sóc. Để hỗ trợ người dân học hỏi kinh nghiệm, nâng cao kỹ thuật chăm sóc, trong thời gian tới, xã sẽ xây dựng kế hoạch, tổ chức các chuyến tham quan thực tế. Cùng với đó, khai thác tiềm năng lợi thế của khu du lịch Bến En khuyến khích người dân phát triển mở rộng mô hình trồng đào, quất và cây cảnh gắn với du lịch, qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Nguồn bài viết: kinhtenongthon.vn
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 56
  • Hôm nay: 13,271
  • Trong tuần: 108,631
  • Tất cả: 27,457,118