Gia đình ông Lê Vân Văn rất thành công với mô hình nuôi rắn ráo trâu. Ảnh: Tuấn Anh
Vật nuôi ăn ít, dễ chăm sóc
Hơn 10 năm qua, gia đình ông Vân đã mạnh dạn nuôi rắn ráo trâu - loài vật nhắc đến ai cũng sợ nhưng mang lại cho ông rất nhiều thành công.
Chuyện bắt đầu từ năm 1996, gia đình ông Vân rời quê hương Vĩnh Phúc vào vùng đất núi rừng tỉnh Kon Tum lập nghiệp. Tại đây, ông Vân chọn trồng cà phê, cao su để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống gia đình. Sau này, già đình ông Vân tiếp tục mở rộng đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi dê, bò. Tuy nhiên nuôi dê, bò tốn nhiều công chăm sóc và cũng không mang lại hiệu quả kinh tế như kỳ vọng.
Đang loay hoay với bài toàn tìm con gì để nuôi thay thế thì tình cờ trong lần về quê chơi, ông Vân thấy mô hình nuôi rắn ráo trâu ở đây rất phổ biến. Hơn nữa, gia đình ông cũng quen người bạn bên Đắk Lắk đang phát triển mô hình này rất hiệu quả, cho thu nhập cao. Từ đó ông suy nghĩ mô hình nuôi rắn ráo trâu cũng rất hay, con vật chỉ nằm một chỗ nên dễ chăm sóc hơn so với dê, bò.
Nghĩ là làm, năm 2014, gia đình ông Vân quyết định đầu tư 20 triệu đồng mua khoảng 200 con giống rắn ráo trâu về nuôi. Chưa dừng lại, sau đó ông tiếp tục qua Đắk Lắk mua rắn ráo trâu các loại từ con giống, trứng, rắn trưởng thành… về nuôi.
Ông Vân cho biết, ban đầu do chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên những con rắn giống thường xuyên mắc bệnh, chết rất nhiều. Sau khi tìm hiểu và biết được nguyên nhân, gia đình ông đã sử dụng đệm lót sinh học vào chuồng nuôi, kể từ đó rắn khỏe mạnh hơn.
Theo ông Vân, loài rắn này không có độc, khá dễ nuôi lại ít bệnh nhưng phải hết sức lưu ý đến môi trường sống.
“Trước đây tôi xây dựng chuồng khoảng 80 m2 và rắn được nuôi chung, không phân biệt lớn nhỏ. Sau này tôi xây dựng chuồng theo dạng ô vuông (rộng 60 cm, cao 70 cm) và xếp thành tầng. Xây dựng kiểu này vừa đỡ tốn diện tích vừa dễ kiểm soát hơn”, ông Vân nói và cho biết gia đình hiện có 400 chuồng nuôi rắn lớn nhỏ.
Về chế độ chăm sóc, lúc rắn còn nhỏ thì 2 ngày cho ăn một lần, thức ăn chủ yếu là nhái. Đối với rắn lớn, 1 tuần cho ăn một lần, thức ăn chủ yếu là ếch, vịt con, gà con... Mỗi năm, cả trang trại rắn của ông Vân chỉ phải bỏ ra khoảng hơn 10 triệu đồng tiền mua thức ăn.
Mỗi năm thu nhập gần 300 triệu đồng
Ông Vân cho biết, không giống như các vật nuôi khác, rắn ráo trâu tiêu thụ được quanh năm. Nếu ai có nhu cầu mua rắn giống, gia đình bán 150 nghìn đồng/con, trứng có giá 70 nghìn đồng/quả. Trung bình mỗi năm rắn đẻ 2 lứa, mỗi con đẻ được khoảng từ 15 - 25 quả trứng. Riêng tiền bán trứng mỗi năm gia đình ông thu về khoảng gần 100 triệu đồng.
Đối với rắn thương phẩm, sau khi nuôi khoảng gần 1 năm sẽ đạt trọng lượng khoảng 2 kg là có thể xuất bán hoặc dưỡng để rắn đẻ trứng. Giá bán rắn thịt từ 400 - 700 nghìn đồng/kg. Hiện gia đình ông Vân thường xuyên duy trì nuôi khoảng 450 rắn thịt, 200 rắn sinh sản, tổng thu nhập khoảng gần 300 triệu đồng mỗi năm.
Ông Vân cũng cho biết, nuôi rắn ráo trâu không lo về thị trường tiêu thụ, hiện có rất nhiều thương lái đến thu mua để xuất bán ra các tỉnh phía Bắc và xuất sang thị trường Trung Quốc.
“Thời gian qua, sau khi mô hình nuôi rắn của gia đình được đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng, rất nhiều người từ các tỉnh thành trong cả nước đã tìm đến thu mua. Chính vì vậy chỉ sợ không có rắn cung cấp cho thị trường”, ông Vân nói. Thời gian tới, gia đình ông sẽ tiếp tục xây khoảng 200 chuồng để nuôi thêm vài trăm con rắn.
Ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Lập (huyện Kon Rẫy) cho biết, mô hình nuôi rắn ráo trâu của gia đình ông Vân phát triển rất ổn định, đem lại thu nhập cao. Thời gian qua, Hội Nông dân xã Tân Lập đã làm cầu nối đưa rất nhiều đoàn tham quan trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm. |