Kinh tế tuần hoàn trong sản xuất ca cao, lời giải cho bài toán sinh kế lẫn môi trường
Sau thời kỳ phát triển nóng, ca cao dần mai một khỏi bản đồ cây công nghiệp Việt Nam vì sản xuất tuyến tính, lệ thuộc vào hạt. Nhưng trong mô hình kinh tế tuần hoàn, những phần tưởng chừng vô dụng như vỏ, cơm và dịch nhầy trái ca cao lại hé lộ tiềm năng lớn - từ thức ăn chăn nuôi, phân hữu cơ, than sinh học đến nguyên liệu đồ uống. Sự tái cấu trúc chuỗi giá trị ca cao, nếu được tổ chức bài bản, có thể trở thành lời giải cho cả bài toán sinh kế lẫn môi trường.
Nông dân Đắk Lắk thu hoạch trái ca cao
Từng được kỳ vọng là cây công nghiệp chiến lược, ca cao Việt Nam đã trải qua giai đoạn phát triển mạnh mẽ đầu những năm 2000. Tuy nhiên, do giá cả bấp bênh, mô hình sản xuất manh mún và thiếu giá trị gia tăng, diện tích ca cao nhanh chóng suy giảm. Tại Đắk Lắk - nơi từng là “thủ phủ” ca cao, diện tích hiện chỉ còn khoảng 1.400 ha, giảm gần một nửa so với thời kỳ cao điểm.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính nằm ở tư duy sản xuất tuyến tính - chỉ tập trung trồng, thu hoạch và bán hạt. Trong khi đó, 70% trọng lượng trái ca cao bị bỏ lại ngoài vườn, gồm vỏ, cơm và dịch nhầy - những phụ phẩm chứa nhiều giá trị dinh dưỡng và sinh học.
Gần đây, hướng đi mới đã được mở ra từ dự án “Kinh tế tuần hoàn trong sản xuất ca cao: Từ hạt ca cao đến thanh socola” do Liên minh châu Âu và Tổ chức Helvetas tài trợ. Kết quả thực nghiệm tại Đắk Lắk cho thấy, vỏ ca cao sau khi được ủ chua sinh học có thể thay thế 10 - 35% khẩu phần ăn cho vật nuôi như heo, bò, dê… mà không ảnh hưởng đến tăng trọng hay sức khỏe. Đặc biệt, khẩu phần heo thịt sử dụng đến 60% vỏ ca cao ủ chua giúp giảm từ 10 - 20% chi phí thức ăn tinh - một lợi ích kinh tế đáng kể với nông dân.
Không chỉ phục vụ chăn nuôi, phụ phẩm từ trái ca cao còn đang trở thành nguyên liệu cho nhiều chuỗi sản xuất khác: vỏ có thể phối trộn làm phân hữu cơ vi sinh, đệm lót sinh học hoặc than sinh học; dịch nhầy lên men để sản xuất rượu, giấm; cơm ca cao có thể chế biến thành đồ uống dinh dưỡng.
Tiến sĩ Đặng Bá Đàn, Trưởng Văn phòng đại diện Trung tâm Khuyến nông quốc gia tại Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, cho biết: “Nếu biết tổ chức lại sản xuất, không chỉ hạt, mà toàn bộ trái ca cao đều có thể tham gia chuỗi giá trị tuần hoàn, vừa gia tăng lợi ích kinh tế, vừa giải bài toán môi trường”.
Mô hình kinh tế tuần hoàn với ca cao hiện được triển khai thí điểm theo hướng liên kết đa ngành - trong đó hợp tác xã, doanh nghiệp, nông hộ và các tổ chức hỗ trợ giữ vai trò trung tâm. Tuy nhiên, rào cản không nhỏ vẫn là tập quán canh tác cũ, thiếu thiết bị ủ - phối trộn - bảo quản phụ phẩm, và thị trường tiêu thụ sản phẩm tuần hoàn chưa ổn định. Do đó, kinh tế tuần hoàn cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương và doanh nghiệp, với chiến lược dài hạn, chính sách rõ ràng.
Theo ông Nguyễn Hắc Hiển, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk, đây là thời điểm “vàng” để tái cơ cấu ngành ca cao theo hướng kinh tế tuần hoàn. Từ cây ca cao, có thể hình thành hệ sinh thái sản xuất tích hợp: liên kết trồng trọt - chăn nuôi - chế biến, tạo thành chu trình khép kín. Các sản phẩm từ ca cao không chỉ phục vụ tiêu dùng mà còn ứng dụng trong sản xuất vật liệu dân dụng, chế phẩm sinh học và các ngành công nghiệp xanh.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là ca cao chưa được định danh là cây công nghiệp ưu tiên trong các chương trình trọng điểm của Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Quy mô nhỏ lẻ, chưa hình thành vùng nguyên liệu tập trung khiến ca cao chưa nhận được chính sách hỗ trợ riêng biệt, chủ yếu lồng ghép và thiếu hệ thống. Trong khi đó, theo Helvetas Việt Nam, hiện chỉ có chưa đến 30% nhu cầu chế biến ca cao trong nước được đáp ứng bằng nguồn nội địa, các doanh nghiệp sẵn sàng trả giá cao nếu hạt đạt chuẩn lên men, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật và có truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
Vì vậy, cần có định hướng phát triển ngành hàng ca cao một cách bài bản: quy hoạch vùng trồng, hỗ trợ tín dụng - kỹ thuật cho nông dân, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ xử lý phụ phẩm và xây dựng thị trường sản phẩm tuần hoàn.
Theo ông Phạm Văn Lương, Giám đốc Helvetas Việt Nam, nếu có chính sách đủ mạnh và sự dẫn dắt từ các cơ quan quản lý, ngành ca cao có thể trở lại đầy sức sống - không chỉ với hạt mà là toàn bộ chuỗi giá trị được tái sinh trong một hệ sinh thái tuần hoàn./.