Thác Bản Giốc ở Cao Bằng được một người Đồng Nai đưa về Long Khánh kiểu gì mà cả làng phục lăn?
Nghệ nhân làm thác nước Phạm Viết Đệ (phường Bàu Sen, TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) bộc bạch, chỉ có “điên rồ” ông mới có thể “đưa” một quần thể thác Bản Giốc hùng vĩ ở tỉnh Cao Bằng về Nam bộ...
Nghệ nhân làm thác nước Viết Đệ chia sẻ, trong một lần đến thác Bản Giốc chơi ông đã cảm vẽ đẹp hùng vĩ của thác Bản Giốc và quyết tâm sẽ "đưa" thác nước này về nhà chơi.
Thác Bản Giốc là thác nước được xem là đẹp nhất Việt Nam, nằm trên đường biên giới Việt – Trung, thuộc xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Thác cao hơn 60m với chỗ dốc dài nhất 30m.
Khi nghệ nhân làm thác nước "đưa" thác Bản Giốc về nhà chơi
Bản sao quần thể thác Bản Giốc (một thác nước hùng vỹ tại vùng biên giới huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng của Việt Nam) tại nhà Nghệ nhân làm thác nước Viết Đệ. Ảnh: T.Đ
Hiện, tại nhà Nghệ nhân làm thác nước Viết Đệ đã hình thành một quần thể thác nước Bản Giuốc cao, to đến lạ thường.
Ông Đệ cho biết, đây là bản sao của thác Bản Giốc được ông thiết kế và thực hiện từ năm 2018 đến nay mới cơ bản hoàn thành.
Để hoàn thành bản sao thác Bản Giốc, ông Đệ phải bán 1 công đất phố làm vốn đầu tư.
Nghệ nhân làm thác nước Viết Đệ tính, để làm thác Bản Giốc, ông đã bưng bê, sắp đặt khoảng 3.000m3 đá núi lửa. Hiện, tại phiên bản thác Bản Giốc có 7 cái thác nước nằm gối lên nhau.
Cái thác nước này vay cái thác nước kia một sườn đồi, nhưng vẫn độc lập, không cái nào giống cái nào, rất sống động. Thác cao nhất hơn 5 mét.
Ngồi đây có thể nghe được tiếng nước kêu ùn ục khi nước thác rơi thẳng và đập đế thác sôi bọt; hay tiếng kêu róc rách khi nước thác tràn mô đá len lõi qua nhiều tầng đá khác nhau…
Sau này tôi mới biết, những "tiếng kêu của nước" này đều được ông Đệ thiết kế bằng sự ghi nhận tự nhiên và tinh tế sáng tạo.
Theo ông Đệ, mất hàng năm trời tự tay thiết kế và thực hiện bản sao thác Bản Giốc là một sự điên rồ.
Ông phải moi đá núi lửa và phân loại đá theo kích thước, dáng thế, đánh dấu để riêng những cục đá "biết nói", "có hồn"; phải chẻ đá núi lửa nằm trong lòng đất để làm hồ và nhấc từng cục đá nặng hàng tấn để làm núi…
"Có tảng đá nặng vài tấn đã cẩu lên đặt vào đúng vị trí, đã đẹp rồi, nhưng thấy "chưa đẹp nhất" nên tôi lại hạ xuống.
Có tảng đá đặt đúng góc này nhìn đẹp, nhưng đứng góc khác thấy chưa đã hoặc phải kê lên 20 – 30cm mới được, nên phải đưa xuống điều chỉnh…
Mỗi lần làm như thế tốn rất nhiều công sức, tiền của. Tôi trau chuốt tác phẩm đến từng chi tiết nhỏ", Nghệ nhân làm thác nước Viết Đệ tâm sự.
Trong bản sao quần thể thác Bản Giốc của ông hiện nay, ngoài những cây rừng cổ thụ, còn có những cây ăn trái lâu năm, như sơri, vú sữa, nhãn, siro, bưởi, cam…
Nhiều cây rất "thần thế" giá hàng chục triệu đồng/cây. Những cây này được ông Đệ bố trí trồng rất tinh tế nhằm toát lên vẽ đẹp hùng vĩ cho quần thể thác nước.
Nghệ nhân làm thác nước theo trường phái nghệ thuật tự nhiên
Nghệ nhân làm thác nước Viết Đệ bộc bạch, trước đây ông là nông dân rặc, cũng trồng rau, nuôi cá, trồng cà phê, tiêu…
Chọn nghề làm thác nước bởi ông yêu thích bộ môn này và luôn đeo đuổi trường phái tự nhiên. Với trường phái này nghệ nhân làm thác nước cần sự tỉ mỉ và có "cái cảm" nghệ thuật cực tốt.
Hiện, ngoài bản sao thác nước Bản Giốc tại nhà, Nghệ nhân làm thác nước Viết Đệ tâm đắc nhất là thác nước nhân tạo theo trường phái nghệ thuật thiên nhiên ở Đà Lạt mà ông đã làm. Thác nước này cao 6,5m, dài 49m, sâu 12m.
Hỏi ông vì sao chỉ nhận làm với những thác nước to lớn? Ông Đệ cười vui: "Bản tính tôi ngông, cái gì khó người ta làm không được thì tôi nhận làm".
Theo Nghệ nhân làm thác nước Viết Đệ, nhận làm thác nước lớn không phải vì giá trị kinh tế cao, nếu gia chủ chấp nhận để ông thỏa chí tang bồng, thể hiện cái tôi, trường phái nghệ thuật tự nhiên với tác phẩm, ông sẵn lòng lấy giá phải chăng, chỉ mong để lại giá trị nghệ thuật cho đời.