image banner
Huyện Lai Vung (Đồng Tháp): Gần 600 hội viên, nông dân tham gia thành viên Hội quán nông dân
Lượt xem: 570
(Cổng ĐT HND) – Đến nay, Hội quán là “Mái nhà chung” phát huy giá trị cộng đồng, tập hợp thành viên nông dân để các ngành chuyên môn, quản lý nhà nước kịp thời nắm bắt những nguyện vọng cần thiết, giải quyết những nhu cầu, bức xúc của nông dân trong sản xuất, tiêu thụ và đời sống, cũng như tiếp thu những kiến nghị chính đáng đến cấp trên về chính sách, cơ chế… Đặc biệt, là đầu mối của các Công ty, nhà phân phối khi đến giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm với các thành viên, hội viên, nông dân.

 

Anh-tin-bai

Đoàn cán bộ Hội ND tỉnh Bình Dương đến tham quan thực tế mô hình Hội quán nông dân tại xã Phong Hòa, huyện Lai Vung

 

Huyện Lai Vung hiện có 12 Hội quán nông dân đã được thành lập, đi vào hoạt động ổn định, với tổng số 577 thành viên tham gia; trong đó, có 05 Hợp tác xã (HTX) được thành lập từ mô hình Hội quán. Toàn huyện có tổng số 15 HTX; có 14 HTX chuyên về nông – lâm – ngư – diêm nghiệp ở các xã: Long Thắng, Tân Hòa, Phong Hòa, Vĩnh Thới, Tân Phước, Hòa Thành, Vĩnh Thới… với 615 thành viên tham gia; hoạt động chủ yếu trao đổi kinh nghiệm trồng và cung ứng, tiêu thụ cây ăn trái, hoa kiểng, muối... khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, liên quan đến các vấn đề kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, kinh tế, văn hóa - xã hội.

 

Đặc biệt, có 02 Hội quán gồm: Bình Tâm hội quán (xã Hòa Long), diện tích 32,53 ha và Hội quán Thanh Tâm (xã Định Hòa), diện tích 10,9 ha được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu trái cây sang thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ; có 02 HTX có liên kết tiêu thụ nông sản với doanh nghiệp là: HTX thanh long VietGAP Phong Hòa và HTX nông sản sạch Vĩnh Thới.

 

Các Hội quán đều đảm bảo các chức danh Chủ nhiệm và Phó Chủ nhiệm, xây dựng quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên trong Ban Chủ nhiệm. Hầu hết Hội quán được thành lập đều gắn ít nhất một mặt hàng nông sản đặc trưng của địa phương như: Cây có múi, thanh long ruột đỏ, mận, hoa kiểng… Từ đó, hoạt động của từng Hội quán đều mang tính đặc thù, là hạt nhân để phát triển chuỗi liên kết sản phẩm tiêu biểu trong sản xuất nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế tập thể (KTTT), xây dựng nông thôn mới.

 

Chủ tịch Hội ND huyện Trịnh Văn Trọng chia sẻ: “Hội quán nông dân là mô hình đang hoạt động hiệu quả, làm cầu nối cho nông dân tham gia các hội thảo, hội nghị, truyền thông do các ngành các cấp, các doanh nghiệp tổ chức để tiếp nhận thông tin, trao đổi với thành viên những vấn đề mới có liên quan đến sản xuất, pháp luật, thông tin giá cả, thị trường. Thông qua các hội nghị trực tuyến do tỉnh, huyện tổ chức có liên quan đến nông dân, các thành viên Hội quán luôn được mời đến để trao đổi, trình bày tâm tư nguyện vọng của mình với cấp ủy, chính quyền. Từ đó, tuyên truyền những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, giúp hội viên, nông dân nắm bắt và ủng hộ”.

 

Mô hình Hội quán đã phát triển rộng khắp trên địa bàn 12 xã, thị trấn của huyện, phát huy sức mạnh cộng đồng tham gia xây dựng nông thôn mới và tăng cường hợp tác cùng có lợi, liên kết trên tinh thần tự nguyện; là tiền đề quan trọng để hình thành nên HTX.

 

Nhằm giúp cho nông dân dần tiếp cận với cuộc cách mạng 4.0 một cách hiệu quả, Hội ND huyện phối hợp Phòng nông nghiệp, Đoàn Thanh niên và Hội làm vườn xây dựng chương trình, kế hoạch thành lập Đội hỗ trợ công nghệ thông tin cho Hội quán; tổ chức tập huấn, hội thảo, tọa đàm, trình diễn chuyên đề về chăn nuôi, sản xuất trồng trọt để áp dụng kỹ thuật tiên tiến, nâng cao kiến thức vi tính, trình độ sử dụng Internet cho nông dân tại điểm sinh hoạt của Hội quán. Đây được xem là một trong những giải pháp đã và đang có hiệu quả nhất, giúp nông dân đoàn kết chia sẻ kinh nghiệm, liên kết sản xuất để đưa chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh và của huyện phát triển bền vững, giúp sản phẩm nông sản của nông dân đủ sức cạnh tranh trên một số thị trường khó tính như: Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản...

 

Mô hình Hội quán đã phát huy hiệu quả tích cực trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại huyện Lai Vung. Đặc biệt, giúp nông dân thay đổi tập quán sản xuất truyền thống, nhỏ lẻ, hướng đến xây dựng hình ảnh sản phẩm có thương hiệu, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, mã vùng trồng. Việc tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm làm tăng giá trị sản phẩm, nông sản của Hội quán, góp phần phát triển các thành viên cũng như vận động hội viên, nông dân mạnh dạn tham gia liên kết sản xuất, kinh doanh với quy mô lớn. Với sự quan tâm của cấp ủy Đảng, UBND các xã, thị trấn cùng sự tích cực tham gia của cán bộ, hội viên, nông dân, Hội ND huyện sẽ tiên phong duy trì và phát triển mới mô hình Hội quán nông dân khi có đủ điều kiện. 

 

Hội quán ra đời phần nào đáp ứng được nguyện vọng của hội viên, nông dân, đặc biệt là những hộ có hoạt động sản xuất nông nghiệp nhằm mục đích giúp cho người nông dân thuận lợi trong việc trao đổi, cập nhật mới các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, thông tin về thị trường, tiêu thụ sản phẩm; các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước về phát triển nông nghiệp.

 

Việc ra mắt các chi, tổ Hội ND nghề nghiệp hay thành lập Hội quán hoặc hình thành các Tổ hợp tác, HTX trong các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, làm nghề… sẽ giúp hội viên, nông dân tiếp cận phương thức làm ăn tập thể theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Hội ND tỉnh; đồng thời, cũng là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhằm thực hiện tốt Quyết định số 182/QĐ-TTg, ngày 20/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển KTTT trong nông nghiệp đến năm 2030” mà Ban Thường vụ Hội ND huyện xác định cần tập trung triể khai trong thời gian tới.

Tạ Văn Phùng
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1