Bình Định: Các phòng trào thi đua góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại địa phương
(Cổng ĐT HND) - Phát huy vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng Nông thôn mới, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh tích cực đẩy mạnh Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”.
Trồng xoài tượng giúp nhiều hộ nông dân Bình Định thu nhập khá, làm giàu trên mảnh đất quê hương
Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” tiếp tục được đẩy mạnh và nâng cao về chất,
các cấp Hội đã tổ chức phát động, hướng dẫn cho nông dân đăng ký danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi các cấp; hộ hội viên nông dân SXKD nông sản, thực phẩm đăng ký, cam kết đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm năm 2025.
Kết quả có 125.054 hộ đăng ký danh hiệu SXKD giỏi các cấp, đạt 104,21% chỉ tiêu giao; có 173.193 hộ đăng ký cam kết “Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”, đạt 93,62% chỉ tiêu giao; xét, công nhận hộ nông dân SXKD giỏi cấp tỉnh năm 2023 và năm 2024.
Nông dân SXKD giỏi các cấp đã chủ động vượt khó vươn lên, sáng tạo, mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các hộ nông dân SXKD giỏi vừa làm giàu cho gia đình vừa giúp đỡ các hộ nông dân nghèo, khó khăn ở địa phương về vốn, ngày công, vật tư để vươn lên thoát nghèo.
Bên cạnh đó, các cấp Hội còn tích cực vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Các cấp Hội tích cực triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, giai đoạn 2021 - 2025, năm 2025; tích cực Hưởng ứng Phong trào “Tỉnh Bình Định chung sức xây dựng nông thôn mới”, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; vận động hội viên, nông dân đóng góp ngày công, kinh phí, hiến đất mở đường, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nông dân thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí bền vững để xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu,...
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/HNDTW ngày 21/7/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về “Nâng cao trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam tham gia bảo vệ môi trường nông thôn và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu”, Kế hoạch số 168/KH-UBND ngày 19/9/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường và dự toán kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường 03 năm (2025 - 2027), Hội Nông dân tỉnh ban hành Hướng dẫn thành lập, tổ chức và hoạt động Câu lạc bộ “Nông dân bảo vệ môi trường”; tổ chức nghiệm thu 02 mô hình Tuyến đường tự quản “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp” tại phường Tam Quan Nam, thị xã Hoài Nhơn và xã Tây Bình, huyện Tây Sơn, 01 mô hình “Trồng ổi an toàn trong nhà lưới” tại xã Ân Phong, huyện Hoài Ân. Hội Nông dân cơ sở đã hướng dẫn xây dựng 44 mô hình Hội Nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn, đạt 57,89% chỉ tiêu giao.
Thời gian qua, các cấp Hội chủ động hỗ trợ, hướng dẫn hội viên, nông dân phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp mới, các mô hình liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị; các mô hình kinh tế hiệu quả trong nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, các cấp Hội tích cực vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp mới làm hình mẫu, như: nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh, tiết kiệm tài nguyên và giảm thải; nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, thông minh, công nghệ cao…
Kết quả, các cấp Hội đã hỗ trợ, hướng dẫn hội viên, nông dân xây dựng 26 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Hội Nông dân tỉnh tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng lập và triển khai Dự án sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị cho hơn 160 cán bộ, hội viên nông dân gắn với tham quan, học tập mô hình tại xã Canh Vinh, huyện Vân Canh.
Nhằm đẩy mạnh hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển các mô hình liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị, Hội Nông dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Đề án “Hỗ trợ nông dân xây dựng và phát triển mô hình kinh tế hộ sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị, giai đoạn 2021 - 2025”, năm 2025; tích cực hỗ trợ, hướng dẫn hội viên nông dân tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP; đến nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ nông dân xây dựng được 506 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh (trong đó: có 47 sản phẩm hạng 4 sao, 459 sản phẩm hạng 3 sao), góp phần thúc đẩy phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao chất lượng nông sản, thúc đẩy phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân.
Nhận thức được tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, các cấp Hội chú trọng hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn; tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số.
Các cấp Hội tiếp tục tuyên truyền, triển khai thực hiện Quyết định số 182/QĐ-TTg ngày 20/02/2024 của Thủ tướng chính phủ về phê duyệt Đề án “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030”; Kế hoạch số 16-KH/HNDTW ngày 08/3/2024 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về thực hiện Quyết định số 182/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tích cực triển khai thực hiện các nghị quyết, đề án của Trung ương Hội và của tỉnh về phát triển kinh tế tập thể.
Hội Nông dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh năm 2025; phối hợp Ban Kinh tế - Xã hội - Môi trường Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức lớp tập huấn về "Nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã" cho 300 cán bộ, hội viên nông dân tại các huyện, thị xã thành phố.
Thường xuyên đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, chú trọng xây dựng chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp theo phương thức “5 tự, 5 cùng”, góp phần đẩy mạnh quá trình tham gia kinh tế tập thể. Kết quả, đã vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân thành lập mới 02 hợp tác xã, đạt 100% chỉ tiêu Trung ương Hội giao; 22 tổ hợp tác, đạt 28,95% chỉ tiêu giao. Tổng số thành viên tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã hiện có 17.534 người, đạt 134,88% chỉ tiêu giao.
Các cấp Hội thường xuyên cập nhật, thông tin cho hội viên, nông dân về thị trường nông sản; tư vấn, hướng dẫn hội viên, nông dân về thị trường giá cả nông sản, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất, các sản phẩm công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Hoạt động quảng bá giới thiệu sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xúc tiến thương mại để tiêu thụ nông sản cho nông dân được các cấp Hội quan tâm đẩy mạnh; hỗ trợ, hướng dẫn hội viên, nông dân kết nối, tiêu thụ nông sản cho hội viên, nông dân qua sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart; hỗ trợ 5.123 hộ nông dân có tài khoản giao dịch trên sàn thương mại điện tử, đạt 256,15% chỉ tiêu giao.
Hội Nông dân tỉnh tổ chức 04 lớp tập huấn kỹ năng kinh doanh trên môi trường trực tuyến, kết nối tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử, tại các huyện: Tuy Phước, Vĩnh Thạnh, Tây Sơn và thành phố Quy Nhơn; 04 lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng về xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, tại các huyện: Tuy Phước, Tây Sơn, Hoài Ân và Phù Cát.
Các cấp Hội tăng cường phối hợp, liên kết với các doanh nghiệp bảo lãnh cung ứng giống, vật tư đầu vào có chất lượng tốt cho nông dân theo hình thức trả chậm không tính lãi, gắn với tập huấn chuyển giao kỹ thuật, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, giúp nông dân có điều kiện đầu tư, mở rộng phát triển sản xuất, kinh doanh. Phối hợp với các doanh nghiệp giới thiệu, hướng dẫn nông dân những thiết bị nông nghiệp cần thiết nhằm giảm bớt sức lao động, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi.
Kết quả, đã cung ứng 1.139,05 tấn phân bón các loại, 499,6 tấn giống cây trồng, vật nuôi, 16,05 tấn thuốc bảo vệ thực vật, 160 tấn thức ăn chăn nuôi và 03 máy nông nghiệp,… với tổng số tiền trị giá 25,86 tỷ đồng cho nông dân.
Các cấp Hội đã chủ động khảo sát, nắm bắt nhu cầu và các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nghề cho hội viên, nông dân gắn với giải quyết việc làm, nhu cầu lao động của thị trường, doanh nghiệp, hợp tác xã, đáp ứng chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế nông thôn ở địa phương. Chủ động liên kết, phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp đào tạo, bồi dưỡng nghề gắn với giải quyết việc làm cho nông dân sau học nghề. Kết quả, đã phối hợp mở 34 lớp đào tạo, bồi dưỡng nghề cho 1.297 nông dân, đạt 25,94% chỉ tiêu giao.
Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, thúc đẩy phong trào có bước phát triển mới, thu hút đông đảo hội viên, nông dân tham gia, tăng cường đầu tư xây dựng mô hình hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, nâng cao chất lượng sản phẩm và chế biến, tiêu thụ nông sản theo hướng hàng hoá, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường; có khả năng cạnh tranh trên thị trường và hội nhập quốc tế.