image banner
Ngư dân Phú Yên trúng mùa cá cơm, làng biển nhộn nhịp chế biến xuất khẩu
Lượt xem: 957
Mỗi năm có hai mùa khai thác cá cơm, ngư dân Phú Yên sử dụng thuyền lưới vây ven bờ để đánh bắt. Năm nay, thời tiết thuận lợi, cá cơm xuất hiện dày đặc cách bờ 2 - 5 hải lý, sản lượng cao, giá bán ổn định từ 7.000 - 10.000 đồng/kg.

 

Anh-tin-bai

Ngư dân được mùa cá cơm

 

Nhiều tàu nhỏ chỉ sau một đêm đánh bắt cũng có thể thu về 2 - 3 tấn cá, cho thu nhập 1 - 2 triệu đồng/ngư dân/chuyến.

Cá về đầy khoang, thương lái tranh mua ngay bãi

Từ tháng Giêng đến tháng 4 âm lịch, ngư dân Phú Yên bước vào mùa khai thác cá cơm đầu tiên trong năm. Năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi với gió bấc kéo dài, cá cơm tập trung gần bờ, sản lượng khai thác cao, giá bán ổn định nên bà con phấn khởi ra khơi mỗi ngày.

Ngư dân Nguyễn Văn Sơn (xã An Phú, TP. Tuy Hòa) chia sẻ: “Mỗi chuyến biển chỉ trong một đêm, thuyền tôi đánh bắt được 2 - 3 tấn cá cơm. Có thuyền lớn trúng đến 5 - 7 tấn. Cá bán tại bến từ 160.000 - 200.000 đồng/giỏ 20kg, trừ chi phí, mỗi người cũng thu được 1 - 2 triệu đồng/chuyến".

Cá cơm năm nay xuất hiện nhiều tại vùng biển cách bờ 2 - 5 hải lý, thường được đánh bắt từ đêm đến sáng hoặc từ sáng đến tối.

Tiểu thương Lê Thị Hoa (xã An Phú) cho biết: “Tôi theo nghề thu mua cá cơm nhiều năm, năm nay trúng mùa, mỗi sáng đều có mặt từ sớm ở bãi để gom hàng. Giá mua dao động 7.000 - 10.000 đồng/kg, hàng đi đâu cũng dễ bán".

Không chỉ bán cá tươi tại chợ, nhiều tàu còn được thương lái mua tận biển nhờ có tàu trung chuyển, giúp giảm chi phí bảo quản và kéo dài thời gian đánh bắt.

Chế biến cá cơm sôi động, mở rộng xuất khẩu và giữ hương vị truyền thống

Nhờ sản lượng đánh bắt dồi dào, các làng biển ở Phú Yên như An Chấn, An Hòa Hải, Long Thủy, Gành Đỏ... đang vào mùa sản xuất rộn ràng. Ngư dân không chỉ bán cá tươi mà còn cung ứng cho các cơ sở chế biến khô, nước mắm và xuất khẩu.

Tại xã An Hòa Hải, xưởng chế biến của chị Đinh Thị Bích Phương đỏ lửa suốt ngày đêm. “Tôi mua cá cơm từ ngư dân rồi thuê người hấp, phơi qua một nắng, phân loại. Cá ngần loại nhỏ bán cho công ty xuất khẩu với giá 90.000 - 100.000 đồng/kg. Loại trung và lớn được hấp, phơi khô để làm nước mắm hoặc bán khô", chị Phương cho biết.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Tuyết Nga (xã An Chấn, huyện Tuy An) cho hay, mỗi ngày cơ sở của chị xuất khoảng 1 - 1,5 tấn cá khô. Những con cá cơm lớn, thịt chắc, thơm ngon đặc biệt phù hợp để sản xuất nước mắm truyền thống.

Thống kê của huyện Tuy An cho thấy, trên địa bàn có 7 cơ sở chế biến cá cơm khô quy mô lớn, chủ yếu tập trung ở An Chấn và An Hòa Hải. Từ đầu năm đến nay, lượng cá cơm khô xuất khẩu sang Đài Loan, Hàn Quốc đạt trên 300 tấn, tăng 15% so với cùng kỳ.

Bên cạnh xuất khẩu, các làng nghề làm nước mắm truyền thống như Mỹ Quang, Long Thủy, Gành Đỏ cũng hoạt động nhộn nhịp. Mỗi ngày, cơ sở Hồng Gia Phúc (xã An Phú) của chị Nguyễn Thị Hương bán ra khoảng 300 lít nước mắm. “Từ đầu mùa đến nay, tôi đã mua khoảng 70 tấn cá để muối làm nước mắm. Cá cơm vùng này rất thơm ngon, làm mắm hương vị đặc trưng nên khách ưa chuộng", chị Hương chia sẻ.

Theo ông Đào Quang Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Yên, nhờ thời tiết thuận lợi và cá cơm trúng mùa, ngư dân ven biển các địa phương như: huyện Tuy An, TX.Sông Cầu, TX.Đông Hòa và TP.Tuy Hòa khai thác đạt sản lượng cao. Điều này không chỉ giúp tăng thu nhập mà còn đảm bảo nguồn nguyên liệu cho các làng nghề chế biến, góp phần phát triển kinh tế biển một cách bền vững./.

 

 
Nguồn bài viết: kinhtenongthon.vn
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1