image banner
Hà Nội thúc đẩy phát triển sản phẩm nông sản sử dụng địa danh đăng ký nhãn hiệu tập thể
Lượt xem: 426
Thời gian qua, thành phố Hà Nội cho phép nhiều HTX sản xuất nông nghiệp được sử dụng địa danh để đăng ký nhãn hiệu tập thể đối với những sản phẩm nông sản, trái cây, thực phẩm chế biến… Qua đó, những sản phẩm được sản xuất, chế biến tại đây được người tiêu dùng tin tưởng.
Anh-tin-bai

Bưởi Vạn Phúc của HTX nông nghiệp và dịch vụ thương mại Vạn Phúc được sử dụng địa danh “Vạn Phúc - Thanh Trì” để đăng ký nhãn hiệu tập thể.

Địa danh đã có từ lâu, nhưng làm thế nào để các sản phẩm “sống lâu” với địa danh đó cũng cần các HTX nông nghiệp quan tâm.

Những sản phẩm gắn với địa danh trong tiềm thức người Hà Nội

Hà Nội là một địa phương có rất nhiều làng nghề và làng có nghề, những làng nghề và làng có nghề này đã ăn sâu vào trong tiềm thức của người dân, không chỉ của người Hà Nội mà các tỉnh thành khác. Bởi thế, khi nhắc đến tên địa danh đó, người ta sẽ nghĩ ngay đến những sản phẩm đặc sản ở đây.

Khi những cơn gió heo may bắt đầu tràn về, để báo hiệu cho một mùa đông sắp đến, trên những con phố nhỏ của Hà Nội, mùi hoa sữa nồng nàn toả hương len lỏi vào từng căn nhà làm nên nét đặc trưng thời tiết của Hà Nội. Mỗi buổi sáng se se lạnh đó được ăn một quả chuối tiêu chấm với cốm non của làng Vòng, sẽ cho ta một cảm giác khó quên.

Làng Vòng - trước đây có tên là thôn Hậu, thuộc xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, nay thuộc phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Nghề làm cốm ở làng Vòng được truyền qua bao đời. Bậc cao niên kể lại rằng vào một mùa thu cách đây cả ngàn năm, khi lúa bắt đầu uốn câu, trời đổ mưa to. Mất mùa, người làng đành cắt những bông lúa còn non đem về rang khô, ăn dần để chống đói. Càng về sau, tay nghề làm cốm càng khéo, hạt cốm ngày càng xanh, mỏng, dẻo và thơm, trở thành thức quà ăn chơi quen thuộc mỗi mùa thu, Từ đó trở thành đặc sản quý tiến vua các triều Lý (1009-1225). Cốm Vòng được nhiều người yêu thích, trở thành món ăn tao nhã nổi tiếng của người Hà thành sau này.

Những ai sống ở Hà Nội thập niên 1980 - 1990 đều nhớ tới hương vị phở vô cùng độc đáo, đó là phở bò có rau húng Láng, mà giờ đây đã không còn nữa. Làng Láng ngày xưa có tên nôm là xã Yên Lãng. Là một làng cổ thuộc 61 phường của đất kinh kỳ. Sử sách còn ghi năm Đại Tự thứ năm (1362), vua Trần Dụ Tông đã đưa gia nô ra Láng khai khẩn đất đai bên bờ sông Tô Lịch, trồng rau thơm hành tỏi để dùng trong cung cấm và đặt tên nơi đây là Vườn tỏi. Từ đó các loại rau thơm của Láng đã trở thành một thức tinh tuý trong văn hóa ăn uống của cả vùng Bắc bộ.

Trong dân gian vẫn truyền tụng câu ca xưa: “Dưa La, húng Láng, ngổ Đầm. Cá rô đầm Sét, sâm cầm hồ Tây”. Rồi lại tiếp: “Cốm Vòng, gạo Tám Mễ Trì. Tương Bần, húng Láng còn gì ngon hơn?”. Làng Láng xưa có ba thôn: Láng Thượng, Láng Trung và Láng Hạ, nổi tiếng là vùng đất rau gia vị đệ nhất đất kinh kỳ. Trước giải phóng Thủ đô, dãy ven sông từ Cầu Giấy đến Ngã Tư Sở là mướt mát rau xanh.

Mặc dù, trước đây chưa được định danh, nhưng những sản phẩm nông sản này đã ăn sâu vào tiềm thức của mọi người, để mỗi khi nhắc đến địa danh đó không thể không nhắc đến những sản phẩm nổi tiếng ở đây.

Nhiều địa danh được Hà Nội cho phép sử dụng để đăng ký nhãn hiệu tập thể

Theo thống kê, Hà Nội hiện có 1.350 làng có nghề, trong đó 337 làng nghề và làng nghề truyền thống đã được công nhận. Những làng nghề này không chỉ tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động, mà còn là kho tàng giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể quý báu của Thủ đô.

Mới đây, thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều Quyết định cho phép các HTX nông nghiệp được sử dụng địa danh để đăng ký nhãn hiệu tập thể.

Ngày 23/5 vừa qua, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 2550/QĐ-UBND về việc cho phép Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bạch Trữ sử dụng địa danh “Tiến Thắng” để đăng ký nhãn hiệu tập thể “Rau gia vị Tiến Thắng” cho sản phẩm và dịch vụ mua bán rau gia vị tươi ở xã Tiến Thắng.

Theo Quyết định, cho phép Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bạch Trữ được sử dụng địa danh “Tiến Thắng” kèm theo bản đồ địa lý tương ứng đã được UBND huyện Mê Linh xác nhận để đăng ký nhãn hiệu tập thể “Rau gia vị Tiến Thắng”. Nhãn hiệu được gắn với sản phẩm và dịch vụ mua bán rau gia vị tươi thuộc các nhóm hàng hóa, dịch vụ: 31 và 35 của bảng phân loại quốc tế các hàng hóa, dịch vụ theo Thỏa ước Nice ở xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh.

Trước đó, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn đã ký ban hành Quyết định số 701/QĐ-UBND về việc cho phép Hợp tác xã nông nghiệp An Phú sử dụng địa danh “An Phú - Mỹ Đức” để đăng ký nhãn hiệu tập thể “Sen An Phú - Mỹ Đức” cho các sản phẩm từ sen và liên quan đến sen; dịch vụ mua bán các sản phẩm từ sen và liên quan đến sen; dịch vụ du lịch liên quan đến sen ở xã An Phú, huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội.

Phó chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn cũng đã ký ban hành Quyết định số 674/QĐ-UBND về việc cho phép HTX nông nghiệp và dịch vụ thương mại Vạn Phúc sử dụng địa danh “Vạn Phúc - Thanh Trì” để đăng ký 2 nhãn hiệu tập thể “Bưởi quả Vạn Phúc - Thanh Trì” cho quả bưởi tươi và “Quất chum Vạn Phúc - Thanh Trì” cho cây quất cảnh (quất chum) ở xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội.

Quyết định cho phép HTX nông nghiệp và dịch vụ thương mại Vạn Phúc được sử dụng địa danh "Vạn Phúc - Thanh Trì", kèm theo bản đồ địa lý tương ứng đã được UBND huyện Thanh Trì xác nhận để đăng ký nhãn hiệu tập thể "Bưởi quả Vạn Phúc - Thanh Trì" cho quả bưởi tươi và nhãn hiệu tập thể "Quất chum Vạn Phúc - Thanh Trì" cho cây quất cảnh (quất chum) ở xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội.

Để những sản phẩm nông sản sử dụng địa danh đăng ký nhãn hiệu tập thể phát triển

Trải qua biết bao nhiêu thăng trầm, biến cố, các làng nghề ở Hà Nội vẫn giữ tên tuổi và những sản phẩm đặc sắc ở đây. Với bề dày lịch sử cùng câu chuyện ý nghĩa ẩn giấu trong từng sản phẩm, những làng nghề này đã thành công mang những giá trị văn hóa đẹp đẽ nhất khắc sâu trong tâm hồn của mỗi người con đất Việt. Không những thế, mỗi khi nhắc đến địa danh làng nghề, mọi người sẽ không thể không nhớ đến những sản phẩm đặc sản nổi tiếng ở đây.

Làng nghề và các làng có nghề đều mang trên mình một sứ mệnh, đó là gìn giữ, phát triển sản phẩm truyền thống. Các làng nghề tồn tại được đến ngày hôm nay đều biết phát huy và nâng cao giá trị sản phẩm của làng nghề mình, biết giữ chữ “tín” với khách hàng. Chính vì thế, địa danh ở các làng nghề và sản phẩm ở đây không những bay cao, bay xa, mang lại nhiều lợi ích kinh tế, xã hội cho bà con nông dân.

Nhưng làm thế nào để sản phẩm nông sản được đăng ký nhãn hiệu tập thể mang tên địa danh, trường tồn với thời gian là một điều không hề dễ. Bởi nếu các HTX không giữ được chữ “tín” đối với khách hàng, sản xuất hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo được vệ sinh an toàn thực phẩm, thì không những sản phẩm ấy “chết” mà địa danh đó cũng dần đi vào quên lãng.

Vì thế, đối với những sản phẩm đã được sử dụng địa danh để đăng ký nahnx hiệu tập thể, đòi hỏi các chủ thể sản xuất ở đây phải tuân thủ theo các quy định của nhà nước về nguồn gốc xuất xứ, phải canh tác theo phương pháp hữu cơ, phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm phải có chất lượng… và rất nhiều những qui định khác phải tuân thủ.

Ngoài ra, phải có sự kiểm tra, kiểm soát thường xuyên của các cơ quan chức năng, để bảo đảm rằng, sản phẩm được sử dụng địa danh để đăng ký nhãn hiệu tập thể, luôn đúng với những yêu cầu của cơ quan chủ quản đề ra. Có như vậy sản phẩm nông sản sử dụng địa danh đăng ký nhãn hiệu tập thể mới phát triển, nông dân mới có công ăn việc làm thường xuyên, kinh tế phát triển, đời sống được nâng cao, nông thôn mới sẽ phát triển.

Nguồn bài viết: kinhtenongthon.vn
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1