image banner
Vận động, hướng dẫn nông dân áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ sinh học vào sản xuất
Lượt xem: 633
(Cổng ĐT HND)- Thời gian qua, các cấp Hội đã vận động, hướng dẫn nông dân tiếp cận với sản xuất nông nghiệp áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ sinh học vào sản xuất để nâng cao chất lượng nông sản, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh xuất khẩu.
Hội viên, nông dân tỉnh Sơn La đã ứng dụng công nghệ vi sinh, công nghệ enzym và protein, chế phẩm vi sinh, công nghệ sinh học trong phòng, trừ sâu bệnh hại cây trồng.


Tại Sơn La, Hội ND tỉnh đã triển khai các mô hình ứng dụng công nghệ sinh học, như: Xây dựng mô hình điểm thu gom, xử lý vỏ nhãn bằng chế phẩm sinh học thành phân bón hữu cơ, tại xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã; xây dựng mô hình thu gom, xử lý phụ phẩm nông nghiệp, chất thải chăn nuôi tại nguồn bằng chế phẩm sinh học thành phân bón hữu cơ, tại xã Tà Lại, huyện Mộc Châu...
 
 
Trong trồng trọt, hội viên, nông dân đã ứng dụng công nghệ vi sinh, công nghệ enzym và protein, chế phẩm vi sinh, công nghệ sinh học trong phòng, trừ sâu bệnh hại cây trồng. Đến nay, đã đưa vào sản xuất bộ giống có thời gian sinh trưởng khác nhau nhằm kéo dài thời gian thu hoạch, nâng cao năng suất chất lượng gồm: 4 giống mía; 19 giống ngô; 5 giống lúa; 20 giống cây ăn quả các loại; 02 giống chè; 01 giống cà phê THA1,.... Ứng dụng ghép cà chua trên gốc cà tím, nhập nội và nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô một số giống hoa như: Hồng, Lan, Tuy líp từ Hà Lan, Đài Loan; ứng dụng công nghệ mô, hom trong chọn, tạo, nhân giống các giống cây lâm nghiệp như xoan, tếch, giổi… Năm 2021 các nhà vườn ước tính đã sử dụng trên 40 triệu túi bao quả cho diện tích trên 3.000 ha.…
 
 
Đối với chăn nuôi, bà con đã ứng dụng công nghệ cấy chuyển phôi giống bò sữa thuần chủng tại Mộc Châu, phối giống nhân tạo cho bò cái có kết quả bằng tinh của giống bò chất lượng cao (Brahman); ứng dụng công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi nhằm giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, sử dụng men vi sinh hoạt tính trong ủ, chế biến thức ăn chăn nuôi quy mô hộ gia đình.
 
 
Đối với nuôi trồng thủy sản, hội viên, nông dân đã triển khai ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn lọc đàn cá bố mẹ; công nghệ sản xuất cá giống bằng phương pháp đẻ vuốt và ấp trứng bằng bình vây, ứng dụng phương pháp lai xa hoặc sử dụng hóa chất để tạo giống đơn tính trong sản xuất cá giống, nhằm tạo ra con giống có năng suất, chất lượng cao. Năm 2021 tiếp tục thực hiện mô hình nuôi trai lấy ngọc trên địa bàn 3 huyện (Quỳnh Nhai, Mai Sơn, Phù Yên) và thành phố Sơn La.
 
 
Các cấp Hội đã tổ chức các lớp tập huấn về ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả tích cực. Điển hình như chị Ma Thị Chú ở huyện Mường Khương (tỉnh Lào Cai), hơn 2 năm qua, đã tập trung xây dựng fanpage, trang Facebook cá nhân để bán các loại quýt của gia đình. Hiện nay, fanpage chuyên bán hàng của Ma Thị Chú có hơn 17.000 lượt người thích, hơn 32.000 lượt người theo dõi. Mỗi lần livestream bán quýt, chị Chú đều "chốt đơn" và bán được 5 - 8 tạ quýt/ngày mà không phải vất vả mang hàng xuống chợ hoặc phụ thuộc vào thương lái như trước đây.
 
 
Là người tiên phong trong ứng dụng công nghệ vào sản xuất chè ở xã La Bằng, huyện Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên), anh Lương Văn Đức đã ứng dụng hệ thống tưới tự động tiết kiệm cho hơn 2 ha chè của gia đình, vận hành thông qua điện thoại di động. Trước đây, với diện tích này, anh Đức phải thuê 4 lao động; hiện nay, chỉ cần một mình anh điều khiển từ xa cũng có thể hoàn thành trong chưa đầy 1 giờ đồng hồ. Đặc biệt, hệ thống tưới này không chỉ giúp cung cấp nước cho vùng chè, mà toàn bộ phân bón sử dụng là phân chuồng, phân xanh và các loại phân hữu cơ khác cũng được hòa qua hệ thống tưới tự động để bón cho cây… Ngoài ra, anh Đức cũng tranh thủ lên mạng Internet để tìm kiếm thị trường. Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, anh đã khai thác tối đa tính hữu dụng của điện thoại thông minh để livestream trực tiếp, tiếp thị và bán sản phẩm trên mạng Internet.
 
 
Tại Bến Tre, HTX nông nghiệp Thắng Lợi tại ấp Long Huê, xã Long Thới, huyện Chợ Lách do anh Phạm Hồng Khánh làm Giám đốc chuyên sản xuất, kinh doanh cây giống đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, các website để giới thiệu, liên kết tiêu thụ cây giống trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, trong sản xuất đã ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của công nghệ sinh học, sử dụng sản phẩm giá thể sạch và túi tự phân hủy để ươm, chiết cây giống. Anh Khánh còn chủ động hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm, khuyến khích thành viên HTX, hội viên, nông dân cùng thực hiện, góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa, phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế nông nghiệp xanh và bền vững. Từ 67 thành viên, 10 lao động với vốn điều lệ 01 tỷ đồng khi mới được thành lập, hiện HTX đã tăng lên hơn 100 thành viên, 20 lao động.
 
 
Bên cạnh đó, anh Khánh hiện còn là Chủ nhiệm “Câu lạc bộ Nông dân tỷ phú” huyện Chợ Lách với 25 thành viên, định kỳ sinh hoạt mỗi quý một lần, nội dung tập trung vào việc triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn; chia sẻ cách làm mới, sáng tạo, mô hình hay, giải pháp hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, trồng trọt, chăn nuôi để cán bộ, hội viên, nông dân trong và ngoài Câu lạc bộ nghiên cứu, học tập, ứng dụng; hỗ trợ cây, con giống, kỹ thuật cho hội viên, nông dân khó khăn trên địa bàn có điều kiện thoát nghèo,...
 
 
Anh còn kiêm Giám đốc doanh nghiệp Thắng Lợi chuyên sản xuất kinh doanh cây giống với diện tích canh tác 04 ha, năng suất 400.000 cây giống/năm, lợi nhuận sau khi trừ chi phí khoảng 2,5 tỷ đồng/năm. Hàng năm doanh nghiệp của anh đã đóng góp cho công tác phúc lợi xã hội khoảng 300 triệu đồng để thực hiện các công trình giao thông nông thôn và chính sách an sinh xã hội tại địa phương.
 
 
Anh vinh dự được Trung ương Hội NDVN công nhận danh hiệu “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương năm 2020”, Hội ND tỉnh công nhận danh hiệu “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh, giai đoạn 2014 - 2019”, Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, giai đoạn 2016 - 2019”; Danh hiệu “Nông dân Bến Tre xuất sắc” giai đoạn 2018 - 2020, cùng nhiều giấy khen, giấy biểu dương của địa phương.
 
 
Hay HTX nông nghiệp Tân Phú, xã Tân Phú, huyện Châu Thành do bà Nguyễn Thị Thinh làm Giám đốc đã biết sử dụng thành thạo các kênh mạng xã hội để mua bán sầu riêng và điều hành công việc của HTX. Hiện bà Thinh chỉ cần chụp hình hoặc quay clip sản phẩm, trao đổi với thương lái, người mua trực tiếp qua Zalo hoặc Facebook, rất tiện cho đổi trả, bù hàng. HTX có 253 thành viên thì 2/3 nông dân tham gia cũng thành thạo mua bán nông sản qua mạng.
 
 
Bên cạnh đó, thông qua mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, các thành viên HTX quảng bá rộng rãi hàng hóa nông sản, cập nhật kịp thời về giá cả thị trường giúp nông sản bán được giá hơn. Các thành viên HTX và nhóm tư vấn kỹ thuật còn tạo nhóm Zalo giúp cho việc trao đổi thông tin, công việc của tổ hợp tác, HTX cũng như hướng dẫn kỹ thuật được nhanh chóng, tiện lợi. Ngoài ra, các thành viên HTX còn sử dụng thanh toán trực tuyến, không dùng tiền mặt rất tiện lợi thông qua ứng dụng ngân hàng trong điện thoại.
 
 
HTX hiện có tổng diện tích 1.450ha cây ăn trái, trong đó 700ha sầu riêng, 350ha chôm chôm, còn lại các loại cây ăn trái khác như bưởi, chuối, chanh, tắc. Trái cây tiêu thụ theo đường tiểu ngạch, xuất khẩu đi Trung Quốc 70%, còn lại 30% tiêu thụ tại thị trường trong nước. HTX có 45 hộ tham gia VietGAP, sản lượng 516 tấn sầu riêng VietGAP/năm.
 
 
Có thế thấy, việc ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ sinh học trong sản xuất đã giúp hội viên, nông dân nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, hiệu quả quản lý sản xuất, mở rộng thị trường, góp phần phát triển nông nghiệp và hình thành lớp nông dân thế hệ mới - thế hệ 4.0, năng động, sáng tạo, làm giàu từ nông nghiệp, nông thôn.

Tin cùng chuyên mục
1 2 3 4 5  ... 
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 19
  • Hôm nay: 1026
  • Trong tuần: 41 097
  • Tất cả: 22527285