Từ những con ong rừng cần mẫn đi hút mật hoa đến những tổ ong treo kín đầu hồi nhà, hàng ngàn hộ dân Minh Hóa đã khá giả lên nhờ nuôi ong...
Ông Cao Xuân Khách (xã Yên Hóa), đang kiểm tra chất lượng đàn ong nuôi của gia đình. Ảnh: TP
Nhờ khí hậu rất trong lành, huyện Minh Hóa có điều kiện tự nhiên rất lý tưởng để phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Người nuôi ong ở Minh Hóa thường thuần hóa giống ong rừng và nhân đàn để nuôi. Vì vậy, chất lượng mật ong nuôi ở Minh Hóa cũng không hề thua kém mật ong lấy từ rừng tự nhiên nên được người tiêu dùng rất ưa chuộng.
Ông Đinh Long, Chủ tịch Hội Nuôi ong huyện Minh Hóa cho hay: “Năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Mật ong Minh Hóa” cho Hội Nuôi ong huyện Minh Hóa”.
Từ nuôi ong để thoát nghèo...
Ở huyện miền núi Minh Hóa, ngoài những vụ mật chính kéo dài từ tháng 3 đến tháng 8 hàng năm. Những người thợ nuôi lành nghề còn sáng tạo ra cách để đàn ong làm mật từ nguồn hoa rừng nở vào mùa đông.
Ở núi rừng Minh Hóa, có hai loài hoa nở vào mùa đông đem về cho người nuôi ong một nguồn mật rất có giá trị là hoa tría và hoa ngũ gia bì. Ông Đinh Long cho biết: “Đây được xem là đặc sản mật ong mùa đông của người dân Minh Hóa, bởi hai loài hoa rừng này còn có tác dụng như một vị thuốc nam”.
Tại vùng rẻo cao, bà con dân tộc Mày, Khùa (xã Dân Hóa), dù tiếp cận với nghề nuôi ong lấy mật muộn hơn, nhưng nhờ được tập huấn kỹ càng nên nắm vững kỹ thuật nuôi và nhân giống đàn ong mật.
Gia đình Hồ Koi (bản Dân Hóa), vốn đông người nên cuộc sống khó khăn, thiếu thốn. Trước đây, Hồ Koi và con trai lớn chỉ biết đi vào rừng tìm mật ong, bắt ốc đá, bẫy thú nhỏ…mang về bán mua gạo và thực phẩm. Bây giờ, Hồ Koi có công việc chăm nuôi gần chục tổ ong trogn vườn nhà. Ngoài những lúc vào bắt ốc rừng thì Hồ Koi cùng con kiểm tra đàn ong, quan sát xem có gì là làm ảnh hưởng đến đàn ong không.
Hồ Koi phấn khởi cho hay: “Mấy năm nay, nhờ có nuôi thêm ong nên có thu nhập từ bán mật. Dù nhà vẫn chưa tích lũy được gì nhiều, nhưng gạo, thực phẩm lúc nào cũng có trong nhà, không còn lo đói nữa. Mấy đứa con nít cũng có áo quần, sách vở để đến trường đi học đó”.
Mô hình nuôi ong lấy mật cũng được xem là bước tiến dài của đồng bào ở đây. Qua đó, góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy lộ trình giảm nghèo bền vững của các địa phương vùng biên giới.
Xã Xuân Hóa được xem là địa phương có nhiều gia đình muôi ong và có số lượng đàn ong lớn của huyện Minh Hóa. Gia đình ông Đinh Xuân Khách là điển hình trong nghề nuôi ong ở địa phương này Minh Hóa.
Ông Khách bắt đầu bén duyên với nghề nuôi ong lấy mật hàng chục năm nay. Ban đầu, ông Khách mua về một tổ ong, nghĩ nuôi cho vui nhưng thấy tổ ong của mình phát triển tốt, cho mật đều đặn, ông đã tìm hiểu, nghiên cứu thêm kỹ thuật nuôi, nhân giống đàn ong. Đến nay, ông Khách đã có trên 250 đàn ong, cho mật quanh năm, thu nhập trên 150 triệu đồng/năm.
Dù vào nghề nuôi ong lấy mật không sớm, nhưng ông Đinh Văn Thiên (xã Yên Hóa), cũng đã gây dựng được hơn 50 đàn ong đẻ, mỗi năm cũng tăng thêm thu nhập hàng chục triệu đồng. Ông Thiên chia sẻ, tận dụng lợi thế vùng đồi núi với nhiều loại hoa rừng và đất vườn rộng nên gia đình nuôi ong ngay trong vườn nhà.
Với nghề nuôi ong, người nuôi chỉ một lần làm tổ cho đàn với chi phí thấp, lại ít tốn công sức, song đòi hỏi kỹ thuật cao, chỉn chu trong từng công đoạn. “Hằng ngày, người nuôi ong cần đi kiểm tra, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong việc chăm sóc các đàn ong, từ đó, con ong mới khỏe và thu về nhiều mật”, ông Thiên cho hay.
Gia đình anh Đinh Văn Hồng (xã Yên Hóa), vào nghề nuôi ong lấy mật muộn hơn, nhưng cũng đã có thu nhập ổn định mấy năm qua. Anh Hồng cũng cũng nghiên cứu kỹ thuật nuôi để chăm sóc đàn ong mỗi khi chuyển mùa, do đó, ong ít khi bị bệnh.
Bình quân mỗi năm, anh thu về 400-500 chai mật ong, mỗi chai thương lái đến nhập với giá 100.000 đồng, như vậy, chỉ cần bỏ công chăm sóc, mỗi năm, gia đình anh thu về gần 50 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn bán giống và hướng dẫn kỹ thuật nuôi ong cho bà con quanh vùng.
“Để tạo môi trường tốt cho đàn ông nuôi, quanh vườn nhà, tôi trồng thêm các loại cây ăn quả. Sắp tới, gia đình tôi sẽ nhân đàn ong lên 100 đàn để tăng thêm thu nhập”, anh Hồng nói.
...Đến doanh nghiệp cùng liên kết
Theo kinh nghiệm của nhiều người nuôi ong ở huyện Minh Hóa, từ cuối tháng 2 dương lịch, đàn ong bắt đầu bay vào rừng và các vườn hoa để tìm các loài hoa lấy mật. Con ong ưa sự yên tĩnh, không khí trong lành, đặc biệt khi nhận thấy không khí bị ô nhiễm, các loài hoa, cây trồng có phun các loại hóa chất, thuốc trừ sâu, đàn ong sẽ bay đi nơi khác.
Thời gian người nuôi thu hoạch mật là từ tháng 4 đến cuối tháng 6 dương lịch. Mỗi chu kỳ khai thác mật ong thường kéo dài 18 đến 22 ngày. Anh Đinh Công Hải, cho hay: “ Khi các tầng ong đã đầy mật, các hộ nuôi dùng thùng quay ly tâm để lấy mật Mỗi vụ, trung bình mỗi tổ ong cho thu từ 5 - 7 lít mật ngon”…
Trò chuyện với chúng tôi, ông Đinh Long cũng mang nhiều trăn trở với nghề nuôi ong của bà con trong huyện lắm. Gần bảy năm nay kể từ khi Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Mật ong Minh Hóa” cho Hội Nuôi ong huyện Minh Hóa Hội cũng đã phát triển lên trên 120 thành viên.
Nhiều người nuôi ong trên địa bàn đã liên kết lại, thành lập các hợp tác xã nuôi ong để giúp nhau tư vấn kỹ thuật nuôi ong và tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm mật ong, phấn ong, sáp ong và giống ong…
“Tuy nhiên, trên thực tế, do nhiều nguyên nhân mà mật ong và các sản phẩm từ ong nuôi Minh Hóa vẫn chưa được nhiều người biết đến, thị trường tiêu thụ vẫn bó hẹp trong huyện và chủ yếu là khách hàng đến tận nơi để mua”, ông Đinh Long nói như tâm sự.
Cũng như ông Đinh Long, ông Đinh Xuân Khách cũng nhìn nhận rằng, tấm giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Mật ong Minh Hóa” chưa phát huy được hiệu quả. Nhãn hiệu đã có, nhưng tạo được thương hiệu để đưa được mật ong Minh Hóa vươn ra thị trường, quả thật là một nhiệm vụ rất khó khăn.
“Ngoài sự nỗ lực của người nuôi ong, Hội Nuôi ong huyện rất cần sự quan tâm hỗ trợ của UBND huyện và các doanh nghiệp trong việc đầu tư nhà xưởng chế biến, thiết bị đóng chai, quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, liên kết tiêu thụ với các siêu thị lớn”, ông Khách trăn trở nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Văn Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cho biết, huyện đang định hướng phát triển nghề nuôi ong thành một sản phẩm chất lượng cao, gắn liền với sự phát triển du lịch của huyện.
Những năm qua, từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện hỗ trợ người dân nhiều dự án nuôi ong nội lấy mật. “Cụ thể trong những năm gần đây, chúng tôi đã hỗ trợ 2 dự án nuôi ong nội lấy mật với tổng số gần 360 đàn. Huyện cũng đã có chủ trương kêu gọi các doanh nghiệp có điều kiện liên kết sản xuất để hỗ trợ người nuôi ong”, ông Đinh Văn Hương nói.
Hiện, trên địa bàn huyện Minh Hóa, Công ty đầu tư và phát triển Vân Anh (Công ty Vân Anh), đang phối hợp với Hội nuôi ong để phát triển thương hiệu “Mật ong Minh Hóa”. Công ty sẽ đứng ra thu mua sản phẩm cho người nuôi ong trên địa bàn huyện Minh Hóa, chế biến thành những sản phẩm an toàn, chất lượng cao để đưa ra thị trường.
Bà Trần Thị Hải Sâm, Giám đốc Công ty Vân Anh cho biết, doanh nghiệp phối hợp với Hội Nuôi ong huyện tổ chức tập huấn về kỹ thuật nuôi ong, định hướng cho người nuôi ong theo hướng công nghệ cao, an toàn thực phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn VietGAP, tiêu chuẩn GMP (thực hành sản xuất tốt), nhằm hướng tới xây dựng và đưa thương hiệu “Mật ong Minh Hóa” vươn xa đến các thị trường lớn trong toàn quốc.
“Chúng trôi thu mua sản phẩm và phát triển thương hiệu. Nhưng để hương mật Minh Hóa thật sự bay xa, những người nuôi ong cần đến sự hỗ trợ, giúp đỡ thêm từ nhiều phía”, bà Hải Sâm, Giám đốc Công ty Vân Anh chia sẻ.