image banner
Bình Định: Làm giàu từ nghề ép dầu
Lượt xem: 261
(Cổng ĐT HND) – Nhận thấy nhu cầu sử dụng dầu ăn nguyên chất của người dân ngày càng tăng,  ông Nguyễn Thanh Bình (49 tuổi), ở thôn Hóa Lạc – xã Cát Thành – huyện Phù Cát đã mở cơ sở sản xuất dầu lạc, dầu mè bán cho khách hàng; đồng thời, làm dịch vụ ép dầu cho người dân ở địa phương, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho gia đình.

 

Trước đây, ông làm nhiều nghề, đi nhiều nơi và nhận thấy nguồn nguyên liệu để sản xuất dầu thực vật ở địa phương khá dồi dào. Lạc và mè sau khi thu hoạch ở xã Cát Thành và các địa phương khác trong huyện chủ yếu được phơi khô, bán theo dạng nguyên liệu thô, đáp ứng nhu cầu sử dụng tại chỗ và xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc. Vào mùa thu hoạch đồng loạt, người dân thường bị tiểu thương ép giá; trong khi đó người dân ở nhiều tỉnh, thành ngày càng có xu hướng sử dụng các loại dầu ăn thực vật nguyên chất.

 

Sau thời gian tìm tòi, học hỏi cách sản xuất cũng như nghiên cứu thị trường tiêu thụ, từ nguồn tích cóp được và vay mượn thêm, gia đình ông đầu tư hơn 300 triệu đồng để mua sắm dây chuyền ép dầu hiện đại như: Máy bóc vỏ, máy xay nhân, máy ép dầu, máy lọc dầu; xây dựng nhà xưởng mở cơ sở ép dầu với thương hiệu Chín Thao.

 

Anh-tin-bai

Ông Bình đang vận hành máy xay nhân để ép dầu

 

Ông Bình chia sẻ: Thời gian đầu, cơ sở cũng gặp nhiều khó khăn như đầu ra sản phẩm chưa ổn định, máy móc mới nên vận hành chưa quen, hay xảy ra lỗi…  Rút kinh nghiệm qua thực tế sản xuất, tìm hiểu thêm sách báo, Internet và học hỏi những cơ sở khác… ông dần tạo được bí quyết riêng trong việc vận hành máy ép cũng như chọn nguyên liệu sản xuất. Đến nay, cơ sở đã có chỗ đứng ổn định trên thị trường.

 

Xác định khâu nguyên liệu đầu vào quyết định toàn bộ chất lượng sản phẩm và lấy tiêu chí sản phẩm sạch là hàng đầu, ông đã liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với nhiều hộ trồng lạc, mè ở địa phương và các vùng trồng lớn trong huyện như: Cát Hiệp, Cát Hải, Cát Trinh. Đồng thời, thực hiện cam kết sản xuất đúng quy trình an toàn để nhập nguyên liệu sạch ép lấy dầu. 

 

Theo kinh nghiệm ép dầu của gia đình ông, muốn có sản phẩm dầu tinh chất thơm ngon, đúng vị tự nhiên, phải lựa chọn những loại hạt không bị mốc, hỏng; điều chỉnh nhiệt độ máy ép hợp lý…Nhờ đó, các loại dầu của cơ sở Chín Thao sản xuất ra trong, thơm và có màu đẹp, được nhiều người ưa chuộng cũng như tín nhiệm sử dụng dịch vụ ép dầu.

 

Hiện tại, bình quân mỗi tháng cơ sở ép dầu của gia đình ông sản xuất và bán ra thị trường khoảng 100 lít dầu lạc (giá 100.000 đồng/lít) và 100 lít dầu mè (giá 160.000 đồng/lít), thu lãi khoảng 10 triệu đồng; đồng thời, thực hiện ép dịch vụ khoảng 20 tấn lạc, với giá 2.500 đồng/kg đem lại thu nhập khoảng 50 triệu đồng. Bên cạnh đó, phụ phẩm bánh dầu sau khi ép còn được nhiều người ưa chuộng, thu mua để làm thức ăn chăn nuôi, bón cây trồng. Ngoài ra, ông Bình còn sắm thêm máy xay vỏ dừa và thu mua vỏ dừa để xay thành phân (bột dừa) đem bán cho các cơ sở trồng cây, tạo thêm nguồn thu nhập.

 

Tổng thu nhập từ cơ sở ép dầu và xay vỏ dừa của gia đình ông đạt hơn 700 triệu đồng/năm. Nhờ đó, ông có điều kiện trả hết nợ, có điều kiện cho các con ăn học đầy đủ.

 

Ông Nguyễn Đức Chiêu – Chủ tịch  UBND xã Cát Thành cho biết: Cơ sở ép dầu Chín Thao không chỉ góp phần tiêu thụ nguồn nguyên liệu sẵn mà còn thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả kinh tế cho sản xuất nông nghiệp của địa phương. Vì thế, UBND xã đã lập danh mục đăng ký sản phẩm dầu lạc và dầu mè của cơ sở sản xuất Chín Thao đề nghị tỉnh công nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao. Hy vọng sau khi được chứng nhận sản phẩm OCOP, dầu lạc và dầu mè Chín Thao sẽ tạo được chỗ đứng trên thị trường, được nhiều người ưa chuộng, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, nâng cao giá trị cây lạc và mè ở địa phương.

Trường Giang
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 23
  • Hôm nay: 1804
  • Trong tuần: 12 163
  • Tất cả: 21739222