image banner
Kế hoạch: Phát động cán bộ, hội viên nông dân ủng hộ kinh phí tôn tạo, tu sửa di tích lịch sử Hội Nông dân Việt Nam
Lượt xem: 10521

HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG

*

Số 01 KH/HNDTW

 

Hà Nội, ngày 12 tháng 01 năm 2015

 

 KẾ HOẠCH

Phát động cán bộ, hội viên nông dân ủng hộ kinh phí

tôn tạo, tu sửa di tích lịch sử Hội Nông dân Việt Nam

 

Lịch sử phong trào nông dân và Hội Nông dân Việt Nam hiện có 6 điểm di tích được ghi nhận ở bốn tỉnh, thành phố: Tuyên Quang, Thái Nguyên, Quảng Nam và Tây Ninh. Vừa qua, Trung ương Hội và các tỉnh, thành Hội có di tích đã tiến hành xem xét rà soát các di tích lịch sử của Hội, thực trạng cho thấy:

 

1- Tại Tuyên Quang, trên địa bàn tỉnh có 3 điểm di tích. Di tíchtại xóm 7, thôn Phong Vân, xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn là nơi tổ chức Hội nghị cán bộ nông dân toàn quốc lần thứ nhất. Di tích tại thôn Đồng Quắc, xã Bình Nhân, huyện Chiêm Hóalà nơi tổ chức Hội nghị cán bộ nông dân toàn quốc lần thứ hai. Hai di tích này được xác thực vào năm 2005 nhưng từ đó đến nay chưa được xây dựng. Hiện 2 điểm di tích chỉ là 2 tấm biển làm bằng bê tông cắm trên các mảnh đất vườn, đất ruộng của các hộ nông dân, không phải là Nhà Bia và di tích tại thôn Đồng Quắc, xã Bình Nhân, huyện Chiêm Hóa hiện chưa có đường đi vào.

 

Di tích trụ sở Ban Nông vận Trung ương (thời kỳ 1952 – 1954) tại thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương. Công trình được xây dựng năm 2005 trên diện tích 1.024 m2 (mỗi chiều 32m x 32m) và có tường xây bao quanh. Hiện tại Nhà Bia còn tốt nhưng gạch lát nền vỡ nát nhiều, tường bao nứt, bong tróc, rêu mốc, chưa được tu bổ lần nào. Công trình chưa có đường chính thức đi vào di tích. Để đi vào di tích, một là lội qua suối (hiện suối khá sâu và rộng không thể đi được), hai là đi bộ vòng qua các bờ ruộng của các hộ nông dân.

 

2- Tại Thái Nguyên, nơi đây có di tích Trụ sở Ban Nông vận Trung ương (thời kỳ đầu sau khi thành lập Ban Nông vận Trung ương) tại xóm Đồng Lá 3, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa. Đây là di tích lịch sử chính của phong trào nông dân và Hội Nông dân Việt Nam. Công trình được xây dựng và khánh thành năm 2006, bao gồm Nhà Bia và nhà làm việc của Ban Nông vận Trung ương (thời kỳ 1949 – 1952) được phục hồi nguyên trạng trên diện tích 2.500 m2. Nhà làm việc hiện đang trưng bày một số hình ảnh, hiện vật lịch sử của Hội Nông dân Việt Nam và làm nơi sinh hoạt, hội họp của thôn; Nhà Bia hiện vẫn tốt. Công trình hiện không có tường bao khuôn viên, không có cổng bảo vệ, không có nhà vệ sinh và nước sinh hoạt; người dân, trâu bò vẫn thường xuyên đi lại qua sân di tích. Lối đi vào di tích qua con đường đất dài khoảng 300m, trời mưa thì đường rất khó đi.

 

3- Tại Quảng Nam, tỉnh có di tích nơi làm việc của Hội Nông dân giải phóng miền Trung - Tây Nguyên tại khu căn cứ Nước Oa, xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My. Công trình được xây dựng và khánh thành năm 2006 trên diện tích 15.000m2, bao gồm diện tích khuôn viên Nhà Bia 11,1 m2, Nhà Truyền thống 55m2. Di tích hiện tường rào, cổng ngõ bị mục nát; các khung cửa Nhà Bia bị mối mọt làm hư hỏng nặng; la phông, trần nhà bị thấm nước mục nát; màu sơn phai mờ và bị rêu bao phủ; hệ thống điện, nước, công trình vệ sinh chưa có. Tỉnh Hội đã hai lần đề nghị cho tu sửa nhưng chưa có kinh phí.

 

4- Tại Tây Ninh, tỉnh có di tích nơi làm việc của Hội Nông dân giải phóng miền Nam tại ấp Tân Lâm, xã Tân Lập, huyện Tân Biên. Công trình được xây dựng và khánh thành năm 2006 trên diện tích 2.000m2, có Nhà Bia, tường bao, cổng sắt khóa ra, vào nhưng hiện cũng đã xuống cấp rất nhiều hạng mục. Hội Nông dân tỉnh Tây Ninh đã có Tờ trình số 49, ngày 14/11/2014 đề nghị Ban Thường vụ Trung ương Hội cho sửa chữa 7 hạng mục: san lấp mặt bằng và tráng bê tông phía trước Nhà Bia; sơn bê hàng rào và toàn bộ Nhà Bia; sửa chữa toàn bộ hệ thống đèn chiếu sáng, ống nước; thay lư hương vị trí cột cờ; sửa cổng và nhà vệ sinh; lát nền trong khuôn viên Nhà Bia; trồng cây xanh vào các bồn hoa trong khuôn viên Nhà Bia. Nhưng đến nay chưa có kinh phí để tu bổ.

 

Năm 2015 là năm đất nước diễn ra nhiều sự kiện kỷ niệm có ý nghĩa quan trọng: kỷ niệm 85 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 40 năm Ngày giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước, Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh,…kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 – 14/10/2015).

 

Thiết thực hưởng ứng các sự kiện kỷ niệm trên, Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam thống nhất chủ trương tổ chức tôn tạo, tu sửa các di tích lịch sử của Hội hiện đang xuống cấp. Để có kinh phí thực hiện, Ban Thường vụ Trung ương Hội ban hành Kế hoạch phát động cán bộ, hội viên nông dân cả nước ủng hộ kinh phí tôn tạo, tu sửa di tích lịch sử Hội Nông dân Việt Nam (sau đây gọi là Cuộc vận động).

 

I- MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Phát động cán bộ, hội viên nông dân cả nước ủng hộ kinh phí tôn tạo, tu sửa các di tích lịch sử Hội Nông dân Việt Nam trong năm 2015, là hoạt động lớn nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng Kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 – 14/10/2015) và thiết thực chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

 

- Cuộc vận động không chỉ nhằm mục đích có nguồn lực để tôn tạo, tu sửa, bảo tồn lâu dài các di tích lịch sử của Hội, mà còn nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cán bộ, hội viên, nông dân về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong bảo tồn, phát huy, phát triển các di tích lịch sử; là dịp tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong cán bộ, hội viên, nông dân và các giai tầng trong xã hội về truyền thống “uống nước nhớ nguồn” và truyền thống cách mạng của giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam.

 

- Tôn tạo, tu sửa các di tích lịch sử Hội là trách nhiệm của các cấp Hội và hội viên nông dân. Cuộc vận động cần được tổ chức với tinh thần trách nhiệm cao, khẩn trương, hiệu quả. Các ban, đơn vị Trung ương Hội và các cấp Hội nghiêm túc thực hiện.

 

II- NỘI DUNG VẬN ĐỘNG ĐÓNG GÓP, ỦNG HỘ

1- Đối tượng và mức huy động đóng góp

- Cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống Hội từ trung ương tới cơ sở mỗi người đóng góp tối thiểu 01 ngày lương cơ bản.

- Hội viên nông dân (trừ hộ nghèo và cận nghèo) ủng hộ tối thiểu 1.000 đồng/ hội viên.

- Vận động các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi và các doanh nghiệp có liên quan đến nông nghiệp, nông dân trên địa bàn các tỉnh, nhất là các tỉnh có di tích của Hội.

 

2- Thời gian, hình thức thực hiện

a- Thời gian:

Phát động từ ngày 15/01/2015 đến ngày 30/6/2015.

b- Hình thức:

Ban Thường vụ Trung ương Hội ban hành Kế hoạch Cuộc vận động gửi các ban, đơn vị trực thuộc Trung ương Hội và các tỉnh, thành Hội thực hiện; ký công văn vận động các doanh nghiệp có liên quan tài trợ khi các cá nhân, đơn vị và các tỉnh, thành Hội thấy cần thiết.

Số tiền vận động được gửi về Ban Tuyên huấn - Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.

- Tên tài khoản: Trung tâm Thông tin tuyên truyền - Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, số 9 phố Tôn Thất Thuyết, phường Mỹ Đình II, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

- Số tài khoản: 1305201008102, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi nhánh Tràng An.

 

3- Sử dụng kinh phí

- Kinh phí Cuộc vận động được sử dụng để tôn tạo và tu sửa các di tích lịch sử của Hội.

- Trên cơ sở số tiền vận động được, sau khi chi phí tôn tạo và tu bổ các di tích nếu còn sẽ để lại dự phòng cho các kỳ tu bổ trong những năm tiếp theo.

 

4- Tổng kết, khen thưởng

Cuộc vận động sẽ tổng kết vào dịp cuối năm 2015 tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội.

Ban Chấp hành Trung ương Hội khen thưởng tỉnh, thành Hội có số tiền vận động được đạt tăng thêm từ 50% trở lên so với chỉ tiêu số tiền vận động được giao (chỉ tiêu được giao thống nhất tính bằng: số hội viên của tỉnh, thành Hội x 1.000 đ).

 

III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

- Ban Thường vụ Trung ương Hội ban hành Kế hoạch và chỉ đạo việc triển khai thực hiện Cuộc vận động.

- Giao ban Tuyên huấn Trung ương Hội trực tiếp triển khai Cuộc vận động; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, các tỉnh, thành Hội tổ chức thực hiện việc tôn tạo, tu sửa các di tích của Hội, báo cáo Ban Thường vụ Trung ương Hội.

Cuộc vận động cán bộ, hội viên nông dân ủng hộ kinh phí tôn tạo, tu sửa di tích lịch sử Hội trong năm 2015 là hoạt động có ý nghĩa chính trị, văn hóa sâu sắc. Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam kêu gọi cán bộ, hội viên nông dân và các doanh nghiệp liên quan đến nông nghiệp, nông dân trong cả nước hãy chia sẻ với Hội Nông dân Việt Nam, tích cực đóng góp và tham gia thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:

- Các đ/c Ủy viên Ban Thường vụ TW Hội;

- Các tỉnh, thành Hội;

- Các ban, đơn vị TW Hội;

- Lưu VT, TH.

T/M BAN THƯỜNG VỤ

 CHỦ TỊCH

 

 

(Đã ký)

 

 

Nguyễn Quốc Cường

 

image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 57
  • Hôm nay: 2281
  • Trong tuần: 42 352
  • Tất cả: 22528540