Toàn cảnh cuộc họp báo tháng 11 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Bộ Thông tin và Truyền thông tiên phong định danh số điện thoại
Trong thời gian gần đây, một số đối tượng đã sử dụng số thuê bao cố định, di động giả mạo xưng danh là Bộ Thông tin và Truyền thông, Công an, Viện kiểm sát, Ngân hàng, Nhà mạng viễn thông … gọi điện đến số điện thoại cố định, di động của người dân. Mục đích của các đối tượng là để thu thập thông tin nhằm hù dọa, lừa đảo để từ đó chiếm đoạt tài sản của người dân. Hiện tượng này đang có xu hướng gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân.
Để phòng chống hình thức lừa đảo qua các cuộc gọi mạo danh, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo triển khai cấp tên định danh (Voice brandname) cho các số điện thoại là các số đường dây nóng của các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, cấp tên định danh cho các nhà mạng viễn thông di động, cố định như VNPT, Viettel, MobiFone, FPT… Giải pháp này cũng sẽ giúp người dân nâng cao cảnh giác trước các phương thức, thủ đoạn mà các đối tượng thường sử dụng để lừa đảo.
Tại buổi họp báo tháng 10/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố thực hiện định danh cuộc gọi của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và đã được các cơ quan báo chí thông tin đến độc giả cả nước, đồng thời nhận được nhiều phản hồi tích cực.
Cũng trong tháng 10, Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra thông báo, kể từ ngày 27/10, tất cả các số điện thoại của các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông gọi đến người dân sẽ đều hiển thị tên định danh “BO TTTT”. Tương tự, cuộc gọi của doanh nghiệp viễn thông tới khách hàng cũng hiển thị tên định danh của nhà mạng.
Bộ Thông tin và Truyền thông báo tới các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân được biết, kể từ ngày 27/10, tất cả các số điện thoại gọi đến người dân của các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông là Văn phòng Bộ, Cục Báo chí, Cục An toàn thông tin, Cục Viễn thông, Cục Tần số Vô tuyến điện sẽ có hiển thị tên định danh “BO TTTT”. Việc này đã được các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn thành từ ngày 20/10.
Cũng từ ngày 27/10, các số điện thoại của doanh nghiệp viễn thông khi gọi đến khách hàng sử dụng dịch vụ cũng đều hiển thị tên định danh. Chẳng hạn như VNPT, VinaPhone (nhà mạng Vinaphone), VIETTELCSKH (nhà mạng Viettel); FPT SHOP (nhà mạng FPT), LOCAL (nhà mạng ASIM)…
Các số điện thoại gọi đến người dân mà xưng danh là đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông gồm Văn phòng Bộ, Cục Báo chí, Cục Viễn thông, Cục An toàn thông tin, Cục Tần số Vô tuyến điện; xưng danh là doanh nghiệp viễn thông (Vinaphone, Viettel, FPT..), nhưng không hiển thị tên định danh kèm theo đều là các số điện thoại giả mạo, có dấu hiệu lừa đảo.
Mặc dù có nhiều động thái để giảm các cuộc gọi, tin nhắn lừa đảo, tuy nhiên, tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 11 vào chiều 6/11, Bộ Thông tin và Truyền thông cho cũng có nhiều ý kiến cho rằng, nếu chỉ số ít các đơn vị thực hiện thì vẫn chưa thể giải quyết được triệt để vấn đề, do hiện nay các cuộc gọi lừa đảo mạo danh rất nhiều, từ mạo danh cơ quan nhà nước, các tổ chức tín dụng, đến các doanh nghiệp thương mại điện tử mời “việc nhẹ lương cao”, hay mời chào bất động sản, kêu gọi đầu tư...
Nếu như tất cả các cơ quan, ban, ngành, tổ chức hay doanh nghiệp cùng định danh số điện thoại sẽ hạn chế được tình trạng này.
Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các cơ quan báo chí tiếp tục hỗ trợ thông tin, tạo sự đồng thuận từ dư luận xã hội để các cơ quan, ban, ngành và tổ chức, doanh nghiệp cùng thống nhất triển khai, mang lại hiệu quả tốt nhất trong việc hạn chế các cuộc gọi mạo danh, lừa đảo làm phiền người dân.
Liên quan đến câu chuyện phát triển sim ở các đại lý, chia sẻ tại họp báo tháng 11, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, các nhà mạng đã rà soát, yêu cầu đại lý thực hiện đúng quy định về việc phát triển sim.
Ông Nhã cho biết, theo báo cáo của các doanh nghiệp, số thuê bao phát triển mới trung bình của tháng 9 đã giảm 35% so với trung bình tháng 8, từ 1,5 triệu thuê bao xuống còn khoảng gần 1 triệu thuê bao/tháng”.
Trước tình trạng người dân tiếp tục mua được sim rác tại các đại lý ủy quyền, Cục Viễn thông đang tiếp tục phối hợp cùng các nhà mạng rà soát, kiểm tra, đánh giá, làm rõ các trường hợp này để yêu cầu thực hiện nghiêm việc phát triển thuê bao mới.
Về việc xử lý các cuộc gọi rác, ông Nguyễn Phong Nhã cho biết, hơn 1 năm nay, Cục đã thực hiện nhiều giải pháp để ngăn chặn cuộc gọi rác, từ chuẩn hóa thông tin thuê bao tới việc yêu cầu nhà mạng phát triển thuê bao có thông tin trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, rà soát thuê bao sở hữu nhiều SIM, xây dựng brandname để định danh cuộc gọi,...
Lý giải cho việc tình trạng cuộc gọi rác vẫn còn tồn tại, theo ông Nhã, quá trình giải quyết phải được thực hiện từng bước. Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các doanh nghiệp đã liên tục có các giải pháp tháo gỡ, khi xây dựng các giải pháp đó cũng cần phải có các hành lang pháp lý song hành.
“Để giải quyết triệt để tình trạng cuộc gọi rác, cần liên tục có các giải pháp mới, áp dụng công nghệ, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Trong quá trình xây dựng Luật Viễn thông sửa đổi, chúng tôi cũng có đề xuất các chính sách, quy định chặt chẽ hơn, bảo đảm việc giảm thiểu tình trạng các cuộc gọi không mong muốn”, ông Nhã nói.
Đại diện Cục Viễn thông cũng cho biết, hiện chưa có quy định về việc đăng ký SIM dưới hình thức trực tuyến (online), mặc dù đây là hình thức thuận tiện cho người dùng.
Đối với việc phát triển thuê bao bằng hình thức trực tuyến, Cục Viễn thông đang nghiên cứu đề xuất của các doanh nghiệp viễn thông di động, đồng thời xây dựng phương án, chính sách để có thể đưa vào các hướng dẫn của văn bản quy phạm pháp luật sau khi Luật Viễn thông sửa đổi ban hành.
Về lộ trình tắt sóng 2G, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có công văn thông báo về quy hoạch băng tần 900MHz, 1.800MHz và 2.100MHz. Trong đó, có đề cập tới việc duy trì mạng 2G, 3G, 4G trên nguyên tắc bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, yêu cầu các nhà mạng tổ chức duy trì chất lượng mạng lưới, phát triển vùng phủ sóng 4G thay thế dần vùng phủ sóng 2G, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ để người dân có cơ hội chuyển sang thuê bao 4G.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu doanh nghiệp xây dựng đề án cụ thể về việc chuyển đổi thuê bao 2G sang 4G. Một số doanh nghiệp đã xây dựng đề án cụ thể và gửi lên Bộ, một số đơn vị khác đang tiếp tục xây dựng. Bộ sẽ tổng hợp và xây dựng kế hoạch chi tiết để đảm bảo việc tắt sóng 2G có lộ trình, đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng nhưng vẫn phát triển được các công nghệ mới”.
Trong tháng 10, Cục Tần số, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát hiện xử lý 12 thiết bị kích sóng di động gây can nhiễu; 17 vụ vi phạm về sử dụng tần số, trong đó, xử phạt tiền 8 vụ, cảnh cáo 6 vụ và nhắc nhở 3 vụ.
Tiếp tục phát hiện thêm 2 vụ phát sóng di động giả mạo (BTS giả) tại khu vực Hà Nội, TP Hồ Chí Minh xâm nhập mạng viễn thông công cộng, phát tán tin nhắn lừa đảo người dân (từ đầu năm 2023 đến nay là 17 vụ). Việc phát hiện các trạm BTS giả này đã hỗ trợ các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an, Công an TP Hà Nội, công an TP Hồ Chí Minh bắt các đối tượng chủ mưu, đối tưởng sử dụng BTS phát tán tin nhắn lừa đảo trong thời gian nhanh nhất.
Bộ cho biết, nhiều nhà báo đã chia sẻ về việc một số diễn đàn như webtretho.vn đang làm chức năng như 1 tờ báo. Diễn đàn này tự sản xuất những bài báo hàng ngày mà không bị xử lý. Trong khi đó, nhiều tờ báo lại bị giám sát nghiêm về tôn chỉ mục đích. Thêm vào đó, Bộ Thông tin và Truyền thông liên tục đưa ra vấn đề ngăn chặn báo hóa trang tin, nhưng những trang tin hoạt động như một tờ báo như 24h vẫn tồn tại. Nội dung này Văn phòng Bộ đã báo cáo tại Hội nghị giao ban Quản lý nhà nước tháng 10 để đề xuất lãnh đạo Bộ chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát, xử lý theo quy định.
Trong tháng 10, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 1.010 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam (1.010 cuộc Phishing, 30 cuộc Malware), tăng 11,8% so với tháng 9/2023 (903 cuộc), tăng 17,9% so với cùng kỳ tháng 10/2022 (857 cuộc).
Tổ chức rà soát và ghi nhận 53 website bị chèn nội dung quảng cáo (22 website thuộc 12 bộ, ngành, 31 website thuộc 24 tỉnh, thành phố) và gửi cảnh báo đến các đơn vị chủ quản để xử lý.
Trong công tác đấu tranh với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, hoạt động cung cấp trò chơi trên mạng trái phép, tháng 10, Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 404 bài viết, 1 group và 7 tài khoản vi phạm (tỷ lệ 90%). Google đã gỡ 480 videos vi phạm trên Youtube (tỷ lệ 92%). TikTok đã chặn, gỡ bỏ 53 nội dung vi phạm (tỷ lệ 95%). Trong đó, xóa 44 tài khoản có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, bôi nhọ, xúc phạm lãnh tụ.