image banner
Hội ND Bắc Giang: Hợp tác, liên kết chuỗi giá trị và xây dựng các sản phẩm OCOP
Lượt xem: 1226
(Cổng ĐT HND)- Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, 5 năm qua (2018-2023), Hội ND tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt 04 đề án giao Hội ND tỉnh chủ trì thực hiện. Trong đó Đề án “Hội ND các cấp là nòng cốt trong tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết chuỗi giá trị, xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP” là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt.
 Anh-tin-bai
Đến nay, các cấp Hội đã tư vấn, hướng dẫn, xây dựng mới 62 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. 

 

 

UBND tỉnh đã ban hành cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho Hội ND tham gia phát triển kinh tế nông nghiệp được bám sát quy hoạch phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn của tỉnh, tập trung vào một số lĩnh vực trọng tâm, sát tình hình thực tế và gắn với nhu cầu, mong muốn tổ chức lại sản xuất của nông dân. Nòng cốt thực hiện là Hội ND các cấp, hội viên, nông dân đóng vai trò chủ thể, vừa là lực lượng thực hiện vừa là người được thụ hưởng thành quả. 

 

 

Công tác quán triệt, triển khai tổ chức thực hiện các đề án được gắn liền với chương trình, kế hoạch công tác của cấp uỷ và chính quyền. Ban Thường vụ Hội ND tỉnh đã tham mưu Thường trực Tỉnh ủy ban hành văn bản chỉ đạo Hội ND và cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện, bảo đảm rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ giải pháp, rõ nguồn lực và rõ thời gian hoàn thành để triển khai thực hiện. Đây là cơ sở quan trọng tạo sự đồng thuận, thống nhất ý chí và hành động, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong quá trình triển khai.

 

 

Công tác tuyên truyền được Ban Thường vụ Hội ND tỉnh quan tâm chỉ đạo, thực hiện đa dạng các hình thức như: Phối hợp mở các chuyên trang, chuyên mục trên báo, đài, tạp chí của tỉnh và Trung ương Hội; tuyên truyền trực tiếp thông qua hội nghị, hội thảo, diễn đàn, sinh hoạt chi Hội; tuyên truyền thông qua ứng dụng mạng xã hội zalo, facebook,... Kết quả, Hội đã phối hợp truyên truyền trên 2.500 buổi cho trên 220.000 lượt người; 10 chuyên trang trên Tạp chí Nông thôn mới; 12 chuyên trang trên báo Nông thôn ngày nay và báo điện tử Dân Việt; 05 tin bài trên Website Hội NDVN; phát 60 tin, 50 phóng sự trên báo Bắc Giang, Đài PTTH tỉnh. Qua đó, làm thay đổi nhận thức của hội viên, nông dân về vai trò của hợp tác, liên kết để sản xuất nông sản hàng hóa trong giai đoạn hiện nay; phát huy thế mạnh của địa phương thông qua thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, tập trung xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP.

 

 

Thực hiện xây dựng các sản phẩm OCOP, Hội tập trung tư vấn, hỗ trợ chủ thể thực hiện tốt 5 yếu tố cốt lõi (chất lượng, đặc điểm, bao bì, kiểu dáng, nhãn hiệu) và 3 nguyên tắc của sản phẩm OCOP (sản xuất địa phương hướng đến toàn cầu; tự lực, tự tin, sáng tạo; phát triển nguồn nhân lực). Đồng thời, tư vấn, hỗ trợ các HTX là chủ thể xây dựng sản phẩm OCOP kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng số thành viên và mở rộng quy mô sản xuất; tổ chức lại phương án sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu, sản xuất theo chuỗi liên kết; chuyển từ sản xuất theo kinh nghiệm, sản xuất cái mình có sang sản xuất theo nhu cầu thị trường; chuyển từ bán hàng theo hình thức “hợp đồng miệng” sang thực hiện theo các hợp đồng kinh tế…

 

 

Để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, Hội ND tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp với Bưu điện tỉnh tổ chức tập huấn cách thức đăng ký tài khoản gian hàng, hoạt động tác nghiệp trên sàn thương mại điện tử; hướng dẫn quy trình đóng gói - kết nối - giao, nhận trong quá trình mua bán trên sàn. Đồng thời, tư vấn, hỗ trợ thiết kế mẫu mã, bao bì và nhãn hàng hóa phù hợp với nhu cầu thị trường; hỗ trợ xây dựng tem truy xuất nguồn gốc, góp phần quan trọng đảm bảo niềm tin của khách hàng khi lựa chọn mua và sử dụng sản phẩm.

 

 

Các cấp Hội đã chủ động triển khai các hoạt động tư vấn và hỗ trợ các chủ thể sản phẩm, HTX tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, vốn vay từ Quỹ HTND để đầu tư phát triển sản xuất. Đồng thời, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong sản xuất và kinh doanh, thực hiện tốt các quy định về an toàn thực phẩm để nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần nâng tầm các sản phẩm OCOP của tỉnh. 

 

 

Đến nay, các cấp Hội đã tư vấn, hướng dẫn thành lập mới 97 HTX, 289 tổ hợp tác, 87 mô hình liên kết; 462 tổ Hội và 71 chi Hội nghề nghiệp; hướng dẫn, xây dựng mới 62 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Trong đó có một số chủ thể là nông dân trẻ, sáng tạo khởi nghiệp từ tham gia chương trình OCOP như: HTX nông nghiệp sạch Thuỳ Dương -thị trấn Nham Biền, huyện Yên Dũng có 4 sản phẩm (tinh bột nghệ Curcumin Thùy Dương, bột củ sen nguyên chất Thùy Dương, viên nghệ mật ong tam thất, tinh bột sắn dây ta nguyên chất Thùy Dương); HTX thương mại dịch vụ nông nghiệp Bảo Ngọc -xã Xuân Phú, huyện Yên Dũng (sản phẩm trà củ sen Bảo Ngọc) đạt giải nhì cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Bắc Giang lần thứ nhất…

 

 

Có thể khẳng định, các cấp Hội đã phát huy được vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết chuỗi giá trị; khẳng định rõ vai trò trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, phát huy được tiềm năng, lợi thế của từng địa phương thông qua phát triển các nông sản chủ lực và xây dựng các sản phẩm OCOP. 

Huy Mạnh
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 32
  • Hôm nay: 931
  • Trong tuần: 41 002
  • Tất cả: 22527190