image banner
Tập huấn ứng dụng công cụ tính trữ lượng các bon trong các tổ chức sản xuất rừng và trang trại
Lượt xem: 2604
(Cổng ĐT HND) – Thực hiện kế hoạch hoạt động năm 2023, chiều (21/8) tại Hà Nội, Ban Quản lý Chương trình FFF II Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức khóa tập huấn trực tiếp kết hợp trực tuyến về cách tính trữ lượng các bon sử dụng công cụ Ex-Act do các chuyên gia của FAO đào tạo.  
 Tập huấn ứng dụng công cụ tính trữ lượng các bon trong các tổ chức sản xuất rừng và trang trại

 
Tham dự lớp tập huấn gồm các cán bộ Hội ND các cấp, đại diện các THT, HTX sản xuất rừng và trang trại đến từ các tỉnh Yên Bái, Bắc Kạn, Hòa Bình và Sơn La, đặc biệt là các đối tác của Chương trình FFF tại Việt Nam như Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Lâm nghiệp, Viện Lâm Sinh, Đại học Lâm nghiệp, Liên Minh HTX Việt Nam, Đại học Nông lâm Huế.


Khai mạc lớp tập huấn, đồng chí Nguyễn Thị Việt Hà, Ủy viên Ban Chấp hành, Phó Trưởng Ban Đối ngoại và Hợp tác Quốc tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Phó Giám đốc Chương trình FFF Việt Nam cho biết: Sản xuất rừng và trang trại đều tạo ra giá trị hữu hình và vô hình. Thực tế cho thấy cả hai giá trị này có vai trò đóng góp quan trọng như nhau trong phát triển kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia cũng như bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, trong những năm qua, người sản xuất ở Việt Nam mới chỉ có thu nhập từ giá trị hữu hình của rừng và trang trại như gỗ, LSNG, sản phẩm nông nghiệp. Trong khi, giá trị vô hình, đặc biệt là trữ lượng các bon của rừng và trang trại chưa được tính đến do năng lực khoa học công nghệ còn hạn chế và thị trường cho loại hàng hóa này chưa được phát triển.
 

Đồng chí Nguyễn Thị Việt Hà, Ủy viên Ban Chấp hành,  Phó Trưởng Ban Đối ngoại và Hợp tác Quốc tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Phó Giám đốc Chương trình FFF Việt Nam phát biểu khai mạc khóa tập huấn


Khóa tập huấn rất cần thiết trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính theo mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 và vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ các bon kể từ năm 2025. Thông qua lớp tập huấn, các học viên được thực hành, trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, những giải pháp thiết thực để định lượng trữ lượng các bon từ sản xuất rừng và trang trại và giảm thiểu tác động từ biến đổi khí hậu; đảm bảo cho nông dân được hưởng lợi từ thị trường các bon; đảm bảo thu nhập cho nông dân, đặc biệt trong lâm nghiệp…


Vì vậy, để lớp tập huấn đạt hiệu quả, chất lượng, đồng chí Nguyễn Thị Việt Hà đề nghị: Trong thời gian tập huấn, các học viên cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tham dự đầy đủ, tích cực tham gia thảo luận để tìm giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, thách thức và cơ hội của biến đổi khí hậu và vai trò của công cụ Ex-Act; tính toán những tác động của các dự án, chương trình và chính sách đến sản xuất rừng và trang trại; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Ban quản lý lớp học với các đại biểu tham dự. Đồng thời, các báo cáo viên của FAO giảng giải các chuyên đề nên dùng những từ ngữ đơn giản, dễ hiểu nhằm chuyển tải hết các nội dung để học viên nắm vững khi áp dụng vào thực tế.


Khóa tập huấn diễn ra trực tiếp kết hợp trực tuyến


Từ ngày (21-25/8), các học viên được đội ngũ chuyên gia của FAO truyền đạt, giới thiệu công cụ tính trữ lượng các bon EX-ACT và cách công cụ vận hành; ứng dụng công cụ EX-ACT trong giám sát và đánh giá trữ lượng các bon trong sản xuất rừng và trang trại; đánh giá tác động định lượng và định tính của công cụ đến giảm thiểu biến đổi khí hậu, các hoạt động kinh tế xã hội và các yếu tố khác.



Mục tiêu chính của khóa tập huấn nhằm cung cấp cho học viên phần giới thiệu về công cụ EX-ACT và cách sử dụng công cụ này một cách chủ động, từ đó phát triển khả năng tiến hành, đánh giá và giám sát đánh giá cân bằng các bon. Một mục tiêu bổ sung là tập huấn học viên đánh giá tác động định lượng và định tính của các quyết định của họ về giảm thiểu biến đổi khí hậu và các yếu tố ngoại tác khác. Ngoài ra, mục tiêu thứ hai là giới thiệu về khí hậu và tác động kinh tế xã hội của các hoạt động trong chuỗi giá trị nông nghiệp, được đánh giá thông qua EX-ACT VC.

Các học viên tham dự tập huấn


Các công cụ hạch toán các bon có thể giúp xác định các phương án cải thiện khả năng phục hồi và giảm thiểu khí nhà kính nhưng cũng có thể giúp đánh giá tác động của các dự án và chính sách đối với thu nhập của nông dân. Ex-ante Cacbon Balance Tool (EX-ACT) là một hệ thống đánh giá do Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) phát triển, giúp đưa ra các ước tính về tác động của các dự án, chương trình và chính sách phát triển nông lâm nghiệp đối với cân bằng các bon.

Cân bằng các bon được định nghĩa là chênh lệch ròng của tất cả KNK được biểu thị bằng lượng CO2 tương đương được thải ra hoặc được thu giữ do triển khai dự án so với kịch bản giữ nguyên hiện trạng. Công cụ này có thể được các nhà hoạch định chính sách hoặc dự án sử dụng để ước tính và ưu tiên các hoạt động của dự án với nhiều lợi ích hơn về giảm thiểu biến đổi khí hậu.
 
 
 
Các học viên thực hành công cụ Ex-Act



Phương Lan
Tin cùng chuyên mục
1 2 3 4 5  ... 
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 61
  • Hôm nay: 3408
  • Trong tuần: 43 479
  • Tất cả: 22529667