image banner
Sản xuất, kinh doanh nông, lâm nghiệp bền vững từ Chương trình FFF II
Lượt xem: 88
(Cổng ĐT HND)- Thực hiện Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại giai đoạn II (FFF II), năm 2023, các HTX, THT đã có thêm nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh các sản phẩm dưới tán rừng; xây dựng các mô hình nông, lâm kết hợp có hiệu quả và mang lại giá trị kinh tế cao. 

Điển hình như HTX Nông lâm nghiệp Tân Lạc Sơn- xã Mãn Đức, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) được thành lập năm 2014 với 9 thành viên (04 nam và 05 nữ). HTX liên kết với 2 tổ hợp tác gồm 30 hộ gia đình với 115 nông dân, trong đó đa số là những người phụ nữ, thường xuyên thu hái nguyên liệu.

Anh-tin-bai

Quy trình sản xuất của HTX được hệ thống hóa, từ khâu mua nguyên liệu tươi, sàng lọc nguyên liệu đầu vào tỉ mỉ, đến sơ chế và đóng gói sản phẩm cuối cùng.

 

HTX chuyên sản xuất cây dược liệu gồm: Cà gai leo và giảo cổ lam, cung ứng cho thị trường vùng cao. Đồng thời sản xuất giống rau chính vụ và trái vụ, kết hợp với việc tiêu thụ sản phẩm cho các hộ nông dân tại địa phương.

 

Chương trình FFF II đã hỗ trợ HTX thực hành nông nghiệp bền vững, xây dựng các mô hình cộng đồng cùng hợp tác để khuyến khích chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và nguồn lực trong quản lý và bảo tồn hệ sinh thái cây dược liệu. Trong đó, HTX nông lâm nghiệp và các tổ hợp tác vệ tinh đóng vai trò quan trọng trong phát triển cộng đồng và đảm bảo lợi ích công bằng từ việc trồng và thu hoạch tài nguyên dược liệu tự nhiên dưới tán rừng.

 

Các thành viên HTX đã trồng cây giảo cổ lam nguyên liệu trên diện tích 30 ha ở vùng núi đá thuộc địa bàn 3 xã: Phú Cường, Phú Vinh và Lỗ Sơn. HTX đã tích cực hướng dẫn nông dân thực hành sản xuất bền vững, tập trung vào các kỹ thuật thu hoạch có trách nhiệm, như để lại gốc và hạt giống, tạo điều kiện tái sinh tự nhiên cho cây giảo cổ lam. Bên cạnh đó, quy trình sản xuất của HTX được hệ thống hóa, từ khâu mua nguyên liệu tươi, sàng lọc kỹ nguyên liệu đầu vào, đến sơ chế và đóng gói sản phẩm cuối cùng. Hiện sản lượng thu mua nguyên liệu giảo cổ lam của HTX đạt từ 4,5 - 5 tấn/năm

 

Đến nay, sản phẩm trà giảo cổ lam của HTX được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh với hai dòng: Trà túi lọc và trà đóng gói. Sản phẩm từng bước tiếp cận nhiều thị trường như: Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, An Giang và thành phố Hồ Chí Minh.

 

HTX đã xây dựng trang thương mại điện tử để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm và tích cực tham gia các hội chợ thương mại. Đồng thời chăm sóc khách hàng hiệu quả thông qua các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo.

Anh-tin-bai

Năm 2020, sản phẩm trà giảo cổ lam của HTX được công nhận là sản phẩm OCOP ba sao cấp tỉnh và HTX đa dạng hóa sản phẩm với hai dòng sản phẩm trà túi lọc và trà đóng gói.

 

Thông qua Chương trình FFF II, năng lực của lãnh đạo và thành viên về sản xuất nông lâm nghiệp theo định hướng thị trường và bền vững đã được nâng cao. HTX đã thúc đẩy hoạt động thu hoạch kết hợp với bảo vệ nguồn nguyên liệu giảo cổ lam tự nhiên trên diện tích 30 ha. Điều này đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định cho sản xuất trà thảo dược và mở rộng và nhân giống cây dược liệu bền vững trong vùng sản xuất nông lâm nghiệp.

 

Bên cạnh đó, thu hoạch và bảo quản nguyên liệu giảo cổ lam giúp cải thiện thu nhập 10-20% cho 200 nông dân do có thêm thu nhập từ các sản phẩm ngoài gỗ trong vùng nguyên liệu. HTX cũng tạo việc làm cho 4 - 5 công nhân sản xuất thường xuyên với thu nhập trung bình 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.

 

Hay HTX rau an toàn Tự Nhiên- xã Đông Sang, huyện Mộc Châu (Sơn La) được thành lập năm 2011 với 19 thành viên và diện tích trồng rau tập trung 7,5 ha. Đến năm 2023, HTX đã mở rộng lên 35 thành viên, bao gồm 32 thành viên dân tộc Kinh và 03 thành viên thuộc các dân tộc Mường, Thái và Tày. HTX đã liên kết với 200 nông dân sản xuất rau địa phương ở Tây Bắc, nâng cao hình ảnh của HTX trong cộng đồng.

Anh-tin-bai

HTX rau an toàn Tự Nhiên đã được nhóm sinh viên Lào đến tham quan học tập.

 

HTX xã tập trung tăng cường công nghệ sản xuất và duy trì hệ thống truy xuất nguồn gốc, sản xuất rau trái vụ phục vụ chủ yếu thị trường Hà Nội và các thị trường bên ngoài. Ngược lại, rau chính vụ/rau vụ đông chủ yếu được cung ứng cho một nhà máy chế biến rau địa phương.

 

Được hỗ trợ bởi Dự án ACIAR AGB/2009/053 về sản xuất rau trái vụ và Dự án ACIAR AGB/2021/153 về dự án thí điểm kiểm soát việc tuân thủ quy trình VietGAP và chất lượng bằng kỹ thuật số trong chuỗi giá trị rau Việt Nam, các thành viên nữ của HTX đã từng bước ứng dụng công nghệ số trong sản xuất rau với mã QR cùng nhật ký số để truy xuất nguồn gốc, đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP và nhu cầu của thị trường. Chương trình FFF cũng thực hiện một số hoạt động hỗ trợ duy trì và nâng cao năng lực sản xuất cho lãnh đạo và thành viên HTX. Theo đó, 35 xã viên được tổ chức theo 4 tổ nhóm, qua đó lãnh đạo nhóm có thể giám sát chất lượng, triển khai ứng dụng công nghệ số trong sản xuất và hướng dẫn cho các thành viên.

Anh-tin-bai

HTX sản xuất và cung cấp ra thị trường 32 sản phẩm rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP với sản lượng trên 1.000 tấn/năm.

 

Việc triển khai các công cụ kỹ thuật số đáp ứng yêu cầu VietGAP và hữu cơ đã giúp HTX truyền thông hiệu quả thông tin đầu vào sản xuất, đáp ứng nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. Người tiêu dùng tìm kiếm các sản phẩm được chứng nhận VietGAP có nhãn QR và dữ liệu truy xuất nguồn gốc, từ đó sẵn sàng chi trả cao cho các loại rau có nguồn gốc rõ ràng từ HTX.

 

Hiện HTX sản xuất và cung cấp ra thị trường 32 sản phẩm rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP với sản lượng trên 1.000 tấn/năm. Các sản phẩm rau được phân phối đến các chuỗi siêu thị có uy tín như MM, BigC và Aeon Mall tại thành phố Hà Nội và các thành phố khác, mang lại doanh thu từ 7 - 8 tỷ đồng/năm. HTX tạo việc làm thường xuyên cho 06 công nhân tại địa phương, trong đó có 05 công nhân nữ, với mức lương đạt khoảng 5 triệu đồng/người/tháng.

 

Thông qua Chương trình FFF, HTX đã góp phần trao quyền cho phụ nữ về các khía cạnh kinh tế và kỹ thuật, bao gồm lãnh đạo, sản xuất rau hàng hóa và sử dụng thành thạo các công cụ kỹ thuật số trong sản xuất và tiêu thụ. Việc trồng rau đạt tiêu chuẩn chất lượng như VietGAP và hữu cơ mang lại doanh thu từ 450 - 500 triệu đồng/năm với lợi nhuận trên 200 triệu/ha cho bà con nông dân. Bên cạnh đó, việc áp dụng nghiêm ngặt yêu cầu VietGAP, sản xuất hữu cơ và phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn của HTX đã góp phần giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và sử dụng các đầu vào khác hiệu quả hơn. Qua đó, giúp cải thiện môi trường và sức khỏe của phụ nữ - lực lượng lao động chính trong sản xuất và kinh doanh rau.

Anh-tin-bai

Các sản phẩm rau được phân phối đến các chuỗi siêu thị có uy tín, bao gồm siêu thị MM, BigC và Aeon Mall tại thành phố Hà Nội và các thành phố khác, mang lại doanh thu từ 7 - 8 tỷ đồng/năm.

 

Từ Chương trình FFF, lãnh đạo HTX và các xã viên đã nâng cao năng lực sản xuất trong lĩnh vực sản xuất rau hữu cơ, tích hợp ứng dụng nhật ký số, đầu tư vào định hướng phát triển du lịch nông nghiệp, nông nghiệp hữu cơ, triển khai thực hành nông lâm kết hợp trên đất dốc, trong đó có trồng các loại rau đặc sản như rau dớn, rau bò khai. Ngoài ra, HTX đã mở rộng sang phát triển du lịch nông nghiệp nhờ sản xuất thân thiện với môi trường và các sản phẩm có danh tiếng, phát huy uy tín trên các phương tiện truyền thông địa phương và quốc gia. Điều này giúp mang lại thêm nguồn thu nhập từ các nông trại trồng rau.

 

Hiện khoảng 60% rau quả thu hoạch tươi được tiêu thụ theo các chuỗi siêu thị có uy tín vào thời điểm đầu năm và trong thời gian trái vụ. Chiến lược này giúp HTX tăng giá 40% trong thời gian trái vụ với các thị trường bán buôn ở Sơn La hoặc Hà Nội, đảm bảo tăng trưởng hàng năm từ 5 - 10% cả về doanh thu và thu nhập. Ngoài ra, HTX giúp cải thiện thu nhập từ 10 - 20% cho hơn 150 người dân địa phương thông qua việc tiêu thụ sản phẩm và cung cấp lao động cho HTX.

 

Có thể khẳng định, thông qua Chương trình FFF II, các cơ chế, chính sách liên quan tới các THT, HTX được thúc đẩy thuận lợi hơn; khả năng kinh doanh, tiếp cận thị trường và tài chính của các THT, HTX đã được tăng lên thông qua chuỗi giá trị gắn bình đẳng giới và cung cấp dịch vụ cho các thành viên; giảm thiểu, thích ứng, chống chịu đối với biến đổi khí hậu được cải thiện thông qua việc tham gia trực tiếp của các THT, HTX và lồng ghép với các biện pháp sinh kế tổng hợp, tiếp cận các dịch vụ văn hóa và xã hội được cải thiện và bình đẳng, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững của các địa phương.

 

Bên cạnh đó, thông qua Chương trình đã góp phần nâng cao năng lực cho cán bộ Hội các cấp, từ đó tư vấn hiệu quả hơn cho hội viên, nông dân, hỗ trợ các THT, HTX có kế hoạch sản xuất, kinh doanh nông, lâm nghiệp bền vững, áp dụng các biện pháp canh tác thân thiện môi trường, sản xuất hữu cơ, đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính gắn với phát triển và bảo vệ rừng bền vững,…

Xuân Quang
Tin cùng chuyên mục
1 2 3 4 5  ... 
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 56
  • Hôm nay: 2293
  • Trong tuần: 42 364
  • Tất cả: 22528552