image banner
Bắc Kạn: Sản xuất, kinh doanh nông, lâm nghiệp bền vững từ Chương trình FFF II
Lượt xem: 117
(Cổng ĐT HND)- Thực hiện Chương trình FFF II, năm 2023, các cơ chế, chính sách liên quan tới các Tổ hợp tác, HTX được thúc đẩy thuận lợi hơn; khả năng kinh doanh, tiếp cận thị trường và tài chính của các Tổ hợp tác, HTX đã được tăng lên thông qua chuỗi giá trị gắn bình đẳng giới và cung cấp dịch vụ cho các thành viên; giảm thiểu, thích ứng, chống chịu đối với biến đổi khí hậu được cải thiện thông qua việc tham gia trực tiếp của các Tổ hợp tác, HTX và lồng ghép với các biện pháp sinh kế tổng hợp; tiếp cận các dịch vụ văn hóa và xã hội được cải thiện và bình đẳng, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững của tỉnh. 

Để cải thiện năng lực quản trị và thúc đẩy các cơ chế, chính sách liên quan tới các Tổ hợp tác, HTX, năm 2023, Ban Quản lý Chương trình FFF II tỉnh (BQL) đã phối hợp với Ban Quản lý Chương trình FFF Trung ương Hội tổ chức khảo sát địa bàn mở rộng Chương trình FFF tại xã Yên Phong (huyện Chợ Đồn) và xã Thượng Giáo (huyện Ba Bể). Hiện Chương trình FFF triển khai tại 05 xã, gồm: Xã Yến Dương, Mỹ Phương, Thượng Giáo (huyện Ba Bể); xã Phương Viên, Yên Phong (huyện Chợ Đồn) và xã Tân Sơn (huyện Chợ Mới) tham gia triển khai 01 dự án nhỏ.

 

BQL tổ chức thành công Hội nghị bàn tròn cấp tỉnh với 40 đại biểu đại diện các sở, ngành. Tại hội nghị đã giới thiệu về Chương trình FFF II; báo cáo kết quả thực hiện Chương trình FFF II trên địa bàn tỉnh; giới thiệu một số chính sách mới về phát triển rừng và trang trại, giảm nghèo bền vững; chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với các thành viên Tổ hợp tác, HTX; bàn các giải pháp về thực hiện sản xuất nông nghiệp hữu cơ, phát triển rừng gỗ lớn, nông lâm kết hợp, đa dạng thu nhập từ rừng và các sản phẩm dưới cảnh quan rừng; các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các Tổ hợp tác, HTX.

Anh-tin-bai

HTX Yến Dương - xã Yến Dương (huyện Ba Bể) hoạt động theo khẩu hiệu "Nông nghiệp sinh thái, Cộng đồng hạnh phúc" với một cảnh quan nông lâm kết hợp đa dạng như: Rừng tự nhiên, rừng trồng, rừng trúc với cây ăn quả, cây hàng năm, ruộng lúa, bí xanh thơm, dong riềng, rau theo mùa.

 

BQL tiếp tục duy trì hoạt động các thúc đẩy viên, nhóm nòng cốt hướng dẫn, đôn đốc các Tổ hợp tác, HTX thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong năm, đã thành lập mới được 03 Tổ hợp tác gồm: Tổ hợp tác sản xuất, chế biến tinh bột dong riềng Phiêng Phàng; Tổ hợp tác chăn nuôi trâu bò Phiêng Phàng (xã Yến Dương, huyện Ba Bể) và Tổ hợp tác trồng lúa hữu cơ (xã Yên Phong, huyện Chợ Đồn), nâng tổng số Tổ hợp tác, HTX tham gia Chương trình FFF II lên 06 HTX, 01 Liên hiệp HTX và 04 Tổ hợp tác với 184 thành viên chính thức, 600 thành viên liên kết.

 

Các HTX, Tổ hợp tác luôn được tạo điều kiện tham gia các diễn đàn do Hội các cấp, các ngành tổ chức, như: Diễn đàn “Nông dân khởi nghiệp”, hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với nông dân, hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với các HTX. Đặc biệt, trong năm HTX Yến Dương được bình chọn là HTX tiêu biểu do Hội ND hướng dẫn thành lập, được tham dự Diễn đàn Nông dân quốc gia do Trung ương Hội NDVN tổ chức.

Anh-tin-bai

HTX Yến Dương đã tạo được một mạng lưới cộng đồng hiệu quả giữa HTX với 7 HTX khác trong Liên minh HTX rừng và trang trại Ba Bể nhằm hỗ trợ giúp đỡ nhau, chia sẻ kiến thức và kết nối trong sản xuất, kinh doanh.

 

Nhằm tăng cường khả năng kinh doanh, tiếp cận thị trường và tài chính của các Tổ hợp tác, HTX, BQL đã phối hợp với Ban Quản lý Chương trình FFF Trung ương Hội triển khai các hoạt động như: Tham gia đoàn công tác của Ban quản lý Chương trình FFF Trung ương Hội tổ chức đánh giá nhu cầu bảo trợ xã hội của các cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng và vai trò bảo trợ xã hội của các tổ chức sản xuất rừng và trang trại tại huyện Ba Bể; tổ chức cho các Tổ hợp tác và HTX tham gia Hội chợ Xuân Quý Mão tại Hà Nội.

 

BQL còn hỗ trợ, xây dựng đề xuất 06 dự án nhỏ năm 2024 của các Tổ hợp tác, HTX gửi Ban Quản lý Chương trình FFF Trung ương; phối hợp với Ban Quản lý Chương trình FFF Trung ương Hội tiếp đón 02 chuyên gia của FAO vào tổ chức lớp tập huấn lập kế hoạch truyền thông ở cơ sở tại thành phố Bắc Kạn với 20 người tham gia.

Anh-tin-bai
HTX thương mại nông lâm sản Nhung Lũy - xã Yến Dương (huyện Ba Bể) nhờ đa dạng hóa sinh kế, đi sâu vào nâng cấp chất lượng sản phẩm và liên kết trong chế biến và tiêu thụ đã có những bước đột phá lớn trong phát triển kinh tế.

 

BQL đã cử 15 lượt cán bộ Hội, thành viên Tổ hợp tác, HTX tham gia các lớp tập huấn về nội dung: Các vấn đề cơ bản về quản lý chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng tem QR, các công cụ truy xuất nguồn gốc có thể áp dụng; những vấn đề cơ bản, các hình thức, công cụ tham gia và sử dụng mạng xã hội trong thương mại điện tử; giới thiệu công cụ tính trữ lượng các bon EX-ACT và cách ứng dụng trong giám sát và đánh giá trữ lượng các-bon trong sản xuất rừng và trang trại do Ban Quản lý Chương trình FFF Trung ương tổ chức.

 

BQL cử 01 thành viên HTX nông lâm tổng hợp xã Địa Linh (huyện Ba Bể) tham gia hội thảo quốc tế về ong và mật ong rừng Madhu Duniya 2023 tại thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, phối hợp với Viện nghiên cứu Lâm sinh tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng gỗ lớn; hỗ trợ 6.300 cây giống gồm: Dẻ đỏ, giổi ghép, tếch, vù hương để thực hiện mô hình trồng rừng gỗ lớn thâm canh, nông lâm kết hợp bằng một số loài cây có giá trị kinh tế cao cho 05 hộ hội viên, nông dân trên địa bàn xã Phương Viên và xã Yên Phong (huyện Chợ Đồn) với tổng diện tích 05 ha, hiện nay cây trồng đang phát triển tốt. BQL còn phối hợp với Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ xây dựng mô hình trồng cây dược liệu (xạ đen, đu đủ đực) với diện tích 02ha. Đến nay, HTX đã có sản phẩm trà xạ đen dạng túi lọc bán ra thị trường.

Anh-tin-bai
Các thành viên HTX và các hộ nông dân khác trồng bí đều được HTX hướng dẫn và quản lý chặt chẽ trong quá trình trồng, chăm sóc đảm bảo đúng quy trình nhằm tạo ra sản phẩm an toàn và hạn chế tác động đến môi trường.

 

Trong năm, Ban Điều phối Chương trình đã cấp Chứng nhận hữu cơ PGS cho các sản phẩm, gồm: Bí thơm của HTX Nhung Luỹ - xã Yến Dương (huyện Ba Bể) diện tích 6,43 ha với 39 hộ tham gia và sản phẩm trà bí thơm với sản lượng 05 tấn, miến bí thơm sản lượng 02 tấn; bí thơm của HTX Yến Dương- xã Yến Dương (huyện Ba Bể) diện tích 7,05 ha với 41 hộ tham gia và sản phẩm trà bí thơm sản lượng 05 tấn.

 

Các sản phẩm hữu cơ đã được các HTX kết nối tiêu thụ tại chuỗi các cửa hàng đặc sản, thực phẩm sạch, hữu cơ, OCOP tại nhiều tỉnh, thành như: Thái Nguyên, Hà Nội, Bắc Ninh, Ninh Bình, thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An, Yên Bái, Hoà Bình, Lào Cai…; chuỗi Bigreen, Bactom, Sói Biển, Thiên Phúc, đặc sản Việt, tâm chay An Lạc, Big C… Ngoài ra, Ban Điều phối còn hỗ trợ đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn.

 

Thực hiện dự án nhỏ, BQL đã hỗ trợ Liên hiệp HTX Rừng và trang trại Ba Bể triển khai dự án phát triển sản phẩm thủ công mỹ nghệ, trà bí thơm, gạo Nếp tài nhằm thúc đẩy sản phẩm quản lý, sản xuất rừng và trang trại bền vững và tăng thu nhập. Theo đó, BQL đã tổ chức hội nghị khởi động và bàn kế hoạch triển khai các hoạt động với 45 người tham gia; lớp tập huấn về nâng cao năng lực điều hành, quản lý, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho thành viên, giám đốc, phó giám đốc trong Liên hiệp và hỗ trợ thành lập 3 nhóm chuyên gia làm maketing, tem nhãn sản phẩm, bán hàng với 30 người tham gia. BQL còn hỗ trợ quy trình xây dựng bảo hộ thương hiệu sản phẩm trà bí xanh thơm. Nhờ đó, trong năm, Liên hiệp HTX đã tham gia hội chợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm của các HTX như: Miến dong, trà bí thơm, gạo Nếp Tài... tại tỉnh Tuyên Quang trong thời gian 03 ngày.

Anh-tin-bai

HTX đã phát huy lợi thế những cây bản địa như: Bí thơm, chuối, lợn bản địa, cây dược liệu, đồng thời chú trọng khâu chế biến và tiếp cận các kênh khách hàng tiềm năng. Nhờ đó, 15 sản phẩm của HTX đã tới được các thành phố lớn và được người tiêu dùng đón nhận.

 

BQL còn xây dựng 08 mô hình duy trì và mở rộng vùng nguyên liệu trà bí thơm theo tiêu chuẩn chất lượng hữu cơ trên tổng diện tích 16 ha với 122 hộ tham gia. Đồng thời, hỗ trợ 320 gói men vi sinh và 20,8 tấn phân chuồng hoai mục cho các hộ. Đến nay, người dân đã chuẩn bị giống, làm đất chuẩn bị gieo trồng vụ xuân năm 2024.

 

BQL đã hỗ trợ cho các thành viên Liên hiệp HTX tham gia sự kiện lễ hội Bí xanh thơm và lễ hộ Sắc thu Ba Bể. Tại các sự kiện, Liên hiệp HTX đã giới thiệu, quảng bá các sản phẩm của Liên hiệp với khách hàng trong và ngoài tỉnh, trong đó có hoạt động trải nghiệm tại vườn bí thơm và cánh đồng lúa Nếp Tài hữu cơ.

 

Để giảm thiểu, thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua nâng cao nhận thức về môi trường, BQL tổ chức 03 hội nghị triển khai thảo luận và thông qua quy chế sử dụng, quản lý và huy động “Quỹ tín dụng xanh” tại xã Yến Dương, Mỹ Phương (huyện Ba Bể) và xã Phương Viên (huyện Chợ Đồn) với 60 người tham dự; hỗ trợ 02 HTX và 01 Tổ hợp tác xây dựng Quỹ tín dụng xanh, triển khai cho 03 thành viên vay với tổng số tiền 36 triệu đồng, nâng tổng số vốn Quỹ tín dụng xanh của tỉnh lên 95 triệu đồng, với 07 Tổ hợp tác, HTX vay. Cùng với đó, các thành viên Tổ hợp tác, HTX đã bổ sung thêm nguồn vốn là 290 triệu đồng để đầu tư trồng cây dược liệu, sản xuất và chế biến tinh bột dong riềng, chăn nuôi trâu bò nhằm quản lý, phát triển rừng bền vững và ứng phó biến đổi khí hậu.

 

Có thể khẳng định, thông qua Chương trình FFF II đã góp phần nâng cao năng lực cho cán bộ Hội các cấp, từ đó tư vấn hiệu quả hơn cho hội viên, nông dân, hỗ trợ các Tổ hợp tác, HTX có kế hoạch sản xuất, kinh doanh nông, lâm nghiệp bền vững, áp dụng các biện pháp canh tác thân thiện môi trường, sản xuất hữu cơ, đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính gắn với phát triển và bảo vệ rừng bền vững… 

Tùng Lâm
Tin cùng chuyên mục
1 2 3 4 5  ... 
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 31
  • Hôm nay: 2514
  • Trong tuần: 42 585
  • Tất cả: 22528773