image banner
Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp: Xu thế tất yếu
Lượt xem: 57
Kinh tế tuần hoàn là xu hướng tất yếu cho nền nông nghiệp hiện đại và bền vững. Qua đó, tạo ra hướng đi mới trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững, nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên không tái tạo và giảm lượng chất thải ra môi trường.
Anh-tin-bai

Mô hình nông nghiệp tuần hoàn mang lại nguồn lợi to lớn cho người nông dân

Đa lợi ích

Nông nghiệp tuần hoàn (NNTH) là hướng đi mới trong lĩnh vực nông nghiệp, nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên không tái tạo và giảm lượng chất thải ra môi trường. Mô hình dựa trên nguyên tắc tuần hoàn các nguồn tài nguyên trong hệ thống nông nghiệp từ; đất, nước, phân bón, đến cây trồng vật nuôi. Chất thải và phụ phẩm của quá trình sản xuất này là đầu vào của quá trình sản xuất khác.

Các loại phế, phụ phẩm chính trong nông nghiệp gồm: Phụ phẩm từ trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp. Đây là nguồn nguyên liệu rất dồi dào, sau khi xử lý thì đây là nguyên liệu hữu hiệu cho quy trình sản xuất khác, bằng cách này, mô hình nông nghiệp tuần hoàn giúp tăng năng suất, chất lượng và an toàn trong các sản phẩm nông nghiệp, đồng thời giảm hiệu ứng nhà kính, bảo vệ môi trường và nâng cao thu nhập cho nông dân.

Ông Nguyễn Văn Mười, Phó trưởng Chi nhánh phía Nam - Hội Làm vườn Việt Nam cho biết: Phát triển NNTH là xu hướng của các nước phát triển, bối cảnh hiện nay đang mở ra cơ hội tăng cường hợp tác quốc tế để giao lưu, học hỏi kỹ thuật tiên tiến trên thế giới nhằm phát triển NNTH gắn với sự phát triển bền vững cho toàn ngành nông nghiệp Việt Nam.

Ông Mười cho biết, tổng khối lượng phế, phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta gần 157 triệu tấn. Trong đó, gần 89 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ khâu chế biến các loại nông sản của lĩnh vực trồng trọt; hơn 61 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi; có 5,5 triệu tấn từ ngành nông nghiệp…

Thực tế, nông dân của chúng ta vẫn đang lãng phí rất nhiều nguồn nguyên liệu góp phần mang lại giá trị gia tăng cho sản xuất nông nghiệp; giúp cho sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững hơn. Trong đó, phát triển kinh tế vườn – ao – chuồng (VAC) theo hướng NNTH là rất quan trọng. Tại Việt Nam, kinh tế VAC đã phát triển nhưng chưa áp dụng triệt để các tiến bộ khoa học kỹ thuật nên chưa phát huy được giá trị tuyệt đối của mô hình NNTH, ông Mười cho biết.

NNTH mang lại nhiều lợi ích, ví dụ như xây dựng hầm biogas trong chăn nuôi, người dân có thể sử dụng nguồn năng lượng này làm chất đốt. Hay sử dụng sinh khối là phế phẩm trong lâm nghiệp, cây trồng làm viên nén chất đốt; viên nén này còn được xuất khẩu, tăng doanh thu khá đáng kể.

Phát triển kinh tế tuần hoàn trên nền hữu cơ đang trở thành thế mạnh sản xuất cho nông dân bởi phế phụ phẩm nông nghiệp nếu sử dụng hiệu quả sẽ trở thành nguyên liệu đầu vào giá rẻ. Mô hình nông nghiệp tuần hoàn nấm - bò - vịt - lúa - điện trên vùng đất nhiễm phèn ở Hậu Giang (cũ) nay là TP. Cần Thơ của Công ty TNHH một thành viên HG FARM (HGF) là một ví dụ tốt trong việc tối ưu hóa các dòng nguyên liệu, mang lại lợi ích về môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và lợi ích về kinh tế. Chuỗi chăn nuôi bò của HGF không chỉ tạo ra sản phẩm bò thịt thương mại, mà còn tạo ra các sản phẩm: Phân bò tươi, trùn quế, phân đệm lót. Ở HGF, phân bò dùng để nuôi trùn quế và sau đó sử dụng trùn quế để nuôi gia cầm cũng như phân trùn sẽ bón cho cây trồng.

Nhiều vấn đề cần được “cởi trói”

Phát biểu tại Diễn đàn “Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp” diễn ra ngày 16/7, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, nông nghiệp tuần hoàn vừa là yêu cầu bắt buộc, vừa là động lực tiến tới nền nông nghiệp xanh, chi phí thấp, gia tăng chuỗi giá trị, thay đổi thói quen canh tác lạc hậu, hạn chế sử dụng tài nguyên, giảm phát thải nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường… 

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Quang Phòng, việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp vẫn gặp những rào cản về đất đai, vốn cần sớm được tháo gỡ.

Cụ thể, việc tiếp cận đất đai và quy hoạch sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã gặp nhiều hạn chế, yêu cầu tài sản thế chấp và thủ tục tiếp cận tín dụng còn phức tạp; tín dụng theo chuỗi nông nghiệp chưa được áp dụng phổ biến; khả năng xử lý rủi ro tín dụng thấp, chưa gắn với bảo hiểm nông nghiệp.

Bên cạnh đó, mô hình truyền thống “khai thác – sản xuất – tiêu dùng – thải bỏ” đang làm cạn kiệt tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, kinh tế tuần hoàn hướng đến “giảm thiểu – tái sử dụng – tái chế”, giúp tiết kiệm đầu vào, tận dụng phụ phẩm, nâng cao năng suất và giá trị gia tăng.

Trong khi đó, ông Bùi Hải Nam, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp cho biết, hiện nay, Việt Nam đứng trước các thách thức lớn về phát triển nông nghiệp như suy thoái tài nguyên, với 11,8 triệu ha đất thoái hóa, ô nhiễm nguồn nước ngầm. Đồng thời, những tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, như hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn, buộc Việt Nam phải chuyển đổi sang phát triển nông nghiệp bền vững.

Đặc biệt, Việt Nam đã đưa ra nhiều cam kết chiến lược như hướng tới mục tiêu Net-Zero vào năm 2050, điều này dẫn đến nhu cầu cấp thiết cần phải tái cấu trúc hệ thống lương thực theo hướng phát thải thấp, thông minh với khí hậu (CSA). Đồng thời, tích hợp các giải pháp dựa vào thiên nhiên (NbS) và công nghiệp sinh thái vào chính sách phát triển.

Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Đức Thịnh cho biết, mỗi năm, Việt Nam tạo ra khoảng 156 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp, nhưng tỷ lệ tái sử dụng mới đạt dưới 35%, chủ yếu mang tính tự phát, thiếu tiêu chuẩn và chưa có cơ chế tín dụng xanh hỗ trợ.

Đáng chú ý, ông Nam cho rằng, người nông dân thiếu kiến thức, kỹ năng và công cụ để áp dụng các kỹ thuật nông nghiệp sinh thái phức tạp. Năng lực của cán bộ khuyến nông còn hạn chế. Chi phí đầu tư ban đầu và rủi ro thất bại mùa vụ cao khiến nông dân, đặc biệt là hộ nhỏ, ngần ngại chuyển đổi.

Đồng bộ các giải pháp

Trước những thực tế này, đại diện VCCI đề xuất vai trò dẫn dắt của Nhà nước trong hoàn thiện khung pháp lý, tạo điều kiện tín dụng linh hoạt, ưu đãi về thuế và đất, hỗ trợ mô hình thí điểm, đào tạo nhân lực. Quan trọng không kém, doanh nghiệp cần đồng hành cùng nông dân để xây dựng chuỗi giá trị bền vững.

Cụ thể, Nhà nước cần có cơ chế chính sách ưu đãi cao hơn những chính sách hiện nay để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tuần hoàn, điều quan trọng hơn hết, cần có giải pháp dài hạn là đưa doanh nghiệp đến với nông dân cùng xây dựng liên kết theo chuỗi giá trị để hiện thực hóa được khát vọng nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp bền vững, nông nghiệp sinh thái.

Đồng quan điểm, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Đức Thịnh cho rằng, để kinh tế tuần hoàn đi vào thực chất, cần nâng tỷ lệ tái chế phụ phẩm lên trên 70%, đồng thời xây dựng các mô hình tuần hoàn cấp vùng, ngành và địa phương, đặc biệt là trong những lĩnh vực có thế mạnh như lúa gạo, cà phê, chăn nuôi. Cùng với đó là thúc đẩy mô hình sản xuất tích hợp đa giá trị – kết hợp trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, du lịch sinh thái – gắn với chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Ông Thịnh cũng thông tin, Bộ đang triển khai nhiều đề án lớn như: 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại Đồng bằng sông Cửu Long; giảm phát thải trong chăn nuôi; xây dựng sản phẩm OCOP sinh thái...

Bên cạnh vấn đề về chính sách và thể chế, ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam nhận định, việc thúc đẩy mô hình tuần hoàn cần được xem là một quá trình chuyển đổi tư duy lâu dài, trong đó chính sách, công nghệ và đổi mới sáng tạo chỉ có thể phát huy nếu gắn chặt với thực tiễn đời sống sản xuất.

“Từ đó, từng bước hình thành một nền nông nghiệp xanh, bền vững và có năng lực cạnh tranh cao hơn trên thị trường trong nước và quốc tế”, ông Ngọc nói.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Bùi Hải Nam – Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp – cho rằng, để kinh tế tuần hoàn phát triển bền vững, Việt Nam cần xây dựng một chiến lược quốc gia riêng cho nông nghiệp tuần hoàn.

Theo ông Nam, chiến lược quốc gia cần được lồng ghép trong tiến trình chuyển đổi xanh và số hóa nông nghiệp, đi kèm hệ thống dữ liệu đồng bộ về phụ phẩm, phát thải, đa dạng sinh học. Ngoài ra, cần phát triển các mô hình nông nghiệp thông minh với khí hậu, thuận thiên, đảm bảo dinh dưỡng và hướng đến tăng trưởng xanh bao trùm.

Nguồn bài viết: kinhtenongthon.vn
Tin cùng chuyên mục
1 2 3 4 5  ... 
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1