image banner
Hai bộ trưởng cùng lý giải nguyên nhân gặp khó trong giao mặt biển, nguồn lợi thủy sản cạn kiệt
Lượt xem: 304
Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn các vấn đề liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường sáng 4/6, một số đại biểu bày tỏ quan tâm, đồng thời đặt câu hỏi chất vấn đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh liên quan đến vấn đề phát triển kinh tế biển và bảo tồn hệ sinh thái biển.
Anh-tin-bai

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn nội dung liên quan đến

vấn đề phát triển kinh tế biển và bảo tồn hệ sinh thái biển. Ảnh: Quốc hội

Vì đâu ngư dân bỏ biển, gác tàu?

Đại biểu Lưu Văn Đức - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk cho hay, tình trạng rất nhiều ngư dân bỏ biển, gác tàu thuyền lên bờ vì nguồn lợi thủy sản bị cạn kiệt, đi biển thì thu không đủ chi. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống an sinh xã hội của ngư dân và đặc biệt là góp phần với các lực lượng quản lý, bảo vệ vùng biển quốc gia.

Tôi xin hỏi Bộ trưởng, với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường biển, Bộ trưởng có giải pháp đột phá gì để khắc phục tình trạng trên? Câu hỏi này tôi cũng xin gửi đến Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Thủ tướng Chính phủ.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh khẳng định, biển là một thể thống nhất, rất nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, chúng ta cố gắng để thực hiện Nghị quyết 36 mạnh về biển, giàu từ biển, chiến lược phát triển bền vững. 

Theo ông Khánh, việc này báo cáo sâu hơn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhưng với vai trò tham gia quản lý về biển đảo, ông cho biết, tại Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được công bố, trong đó sẽ chuyển dần từ đánh bắt hạn chế, đánh bắt mức độ vừa phải và đánh bắt để cho có sự phát triển, chứ không có đánh bắt tận diệt và chuyển từ nuôi biển sang nuôi, trồng thủy hải sản. 

"Nếu chúng ta đánh bắt tận diệt, đánh bắt ảnh hưởng môi trường biển không tốt, nguồn hải sản không còn nữa thì chắc chắn chúng ta đi đánh bắt cũng không có lợi nhuận, không có thu nhập, bà con chắc chắn sẽ không đi đánh bắt nữa. Bởi vậy, cần nghiên cứu tổng thể trong quy hoạch chiến lược về thủy sản", ông Khánh nói.

Liên quan đến Nghị quyết số 36 của Trung ương về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đã đề ra mục tiêu đến năm 2030 là quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo, tăng diện tích các khu vực bảo tồn biển, ven biển đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia, phục hồi diện tích rừng ngập mặn ven biển tối thiểu bằng mức năm 2000, đại biểu Lã Thanh Tân - Đoàn ĐBQH TP Hải Phòng hỏi Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và sẽ có giải pháp gì để hiện thực hóa mục tiêu nêu trên của Đảng?

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho hay, thực hiện Nghị quyết số 36 của Ban Chấp hành Trung ương về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam năm 2030 và tầm nhìn đến 2050. Trong Nghị quyết đã đặt ra vấn đề quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo, tăng diện tích các khu bảo tồn ven biển, đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia. Phải nói rằng đây là mục tiêu rất quan trọng, thể hiện sự phát triển kinh tế - xã hội trong đó có kinh tế biển một cách bền vững nhất. 

Vừa qua đối chiếu với những chỉ tiêu và những định hướng mở rộng khu vực biển, ven biển, từ Nghị quyết Bộ đã tham mưu báo cáo Chính phủ trình Quốc hội về quy hoạch không gian biển quốc gia, đưa ra các mục tiêu trong quy hoạch và quy hoạch sử dụng vùng bờ. Các mục tiêu này tổ chức thực hiện bằng các quy hoạch và vừa qua quy hoạch các vùng, quy hoạch các địa phương vừa được Thủ tướng phê duyệt, như vậy chúng ta đã lồng ghép và thực hiện các mục tiêu trong quy hoạch.

Tuy nhiên, để đảm bảo mục tiêu 6% thì chúng ta phải có kế hoạch thực hiện các quy hoạch tổ chức thực hiện và trong 6% này, ngoài các khu vực bảo tồn chúng ta tiếp tục nghiên cứu, rà soát những vùng mà chúng ta cần phải có khu vực bảo tồn, gắn với đó là khu vực bảo vệ. 

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang đẩy mạnh cùng với các địa phương tiếp tục rà soát lại các rừng ngập mặn gắn với đó là khu bảo tồn để chúng ta sử dụng đa mục đích, vừa bảo tồn, vừa phát triển. Quan điểm là bảo tồn không có nghĩa là cấm, chúng ta vừa sản xuất nông nghiệp, vừa nuôi trồng thủy hải sản, trồng rừng, riêng rừng ngập mặn tạo ra tín chỉ carbon lớn hơn so với rừng trên đất liền, cho nên việc bảo tồn này chúng ta phải hết sức quan tâm. Hiện nay xây dựng kế hoạch chiến lược và kế hoạch thực hiện các quy hoạch để được thực hiện nghị quyết của Trung ương.

Giảm khai thác, tăng nuôi trồng và bảo tồn biển

Chất vấn liên quan đến công tác quản lý tài nguyên môi trường biển, đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai cho biết, năm 2021 Chính phủ đã ban hành Nghị định 11 quy định về việc giao khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển. 

Tuy nhiên, hiện nay các địa phương rất khó khăn trong việc giao khu vực biển cho các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng và gần như là chưa thực hiện được việc giao này. Xin Bộ trưởng cho biết nguyên nhân của việc này và các giải pháp trong thời gian tới?.

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nói, hiện nay giao khu vực biển trong Luật quy định rõ và các văn bản, Nghị định số 11 là các địa phương được phép giao khu vực biển từ mép đường triều kiệt đến 6 hải lý, "như vậy rất xa rồi". 

"Các địa phương cần chủ động trong việc giao khu vực biển của mình. 28 tỉnh có biển thì đã công bố mép đường triều kiệt rồi và 6 hải lý ra ngoài biển là trách nhiệm của địa phương, tức là thẩm quyền của địa phương và Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ giao ngoài 6 hải lý. Hiện nay, Bộ đang điều tra, tổng hợp để công bố tiếp đường triều kiệt của 12 huyện đảo để thẩm quyền phân cấp cho các địa phương thực hiện", ông Khánh cho hay.

Bổ sung, giải đáp một số câu hỏi của đại biểu liên quan đến khai thác và bảo tồn nguồn lợi thủy sản, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho biết, 3 trụ cột của phát triển kinh tế thủy sản Việt Nam là giảm khai thác, tăng nuôi trồng và bảo tồn biển.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định về quy hoạch bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, trong đó, phân ra không gian bảo tồn và không gian để bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tuy nhiên, để vận hành được điều này ông Hoan cho rằng, chúng ta có một khu bảo tồn biển thì chúng ta phải có bộ máy quản lý của khu bảo tồn đó. Tại Nghị quyết 18, 19 vấn đề tinh giản các đơn vị sự nghiệp và bản thân tổ chức bộ máy chi cục thủy sản ở địa phương, ở các cấp huyện cũng không đủ người để bảo tồn không gian biển, "chúng ta đã nói bảo tồn thì chúng ta phải có con người, phải có nguồn lực".

Thứ hai, trong nguồn lực hạn chế thì phải phát huy nguồn lực xã hội, tức là thiết chế cộng đồng quản lý. "Con người nhà nước sẽ hiếm hoi, nguồn lực Nhà nước ít ỏi, tuy giờ hành chính 5 giờ chiều đã nghỉ, mà mọi hoạt động khai thác thủy sản diễn ra hàng ngày, hàng giờ ở đâu đó ngoài biển, trong từng con sông, từng bờ rạch, chúng tôi mong muốn thiết chế cộng đồng quản lý sẽ được phổ biến ở tất cả các địa phương, mặc dù nó cũng còn nhiều vấn đề", ông Hoan nói. 

Theo ông Hoan, câu chuyện giữ rừng, giữ biển của Cù Lao Chàm là một trong các khu bảo tồn biển mà giờ trở thành một biểu tượng thành công nhất trong vấn đề cộng đồng quản lý ở Quảng Nam, có thể nói là gợi ý cho các địa phương để chúng ta thấy rằng chúng ta có một cách tiếp cận khác ngoài nguồn lực từ Nhà nước. Tất nhiên chúng ta cũng phải tạo ra thêm một nguồn lực để cộng đồng vận hành và chúng ta giải quyết những xung đột của những người trong cộng đồng và những người ngoài cộng đồng ở trong một phạm vi bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Nguồn bài viết: Danviet
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1