 |
Việt Nam tích cực trồng rừng ngập mặn ứng phó với biến đổi khí hậu Ảnh: Vietnam plus |
Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu tham dự Hội nghị COP21 nhằm khẳng định cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực chung cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với BĐKH, đồng thời thúc đẩy và tăng cường hợp tác với các quốc gia, tổ chức quốc tế để tìm kiếm nguồn hỗ trợ quốc tế cho công tác ứng phó với BĐKH của Việt Nam.
Mục tiêu chính của COP21 là thông qua một khuôn khổ pháp lý toàn cầu mới về BĐKH cho giai đoạn sau năm 2020 (gọi là Thỏa thuận Paris 2015). Đây là một Thỏa thuận lịch sử vì lần đầu tiên tất cả 196 bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về chống biến đổi khí hậu (UNFCCC) đã đi đến một Thỏa thuận buộc tất cả các nước cắt giảm lượng phát thải khí carbon. Bản Thoả thuận một phần mang tính ràng buộc pháp lý, một phần mang tính tự nguyện. Mục tiêu quan trọng nhất của Thỏa thuận này là giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu trong thế kỷ này dưới 2 độ C, rồi tiếp đó cùng thúc đẩy nỗ lực để xuống còn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Trước đó, các nước đã không thể đi tới thỏa thuận do mâu thuẫn về mức độ cắt giảm khí thải cũng như trách nhiệm đóng góp tài chính trong việc giúp các nước nghèo và các nước đang phát triển thích ứng với BĐKH.
Sau khi được thông qua tại Paris, Bản Thoả thuận này sẽ được gửi đến Liên Hợp Quốc tại New York, Mỹ, được để ngỏ một năm và sẽ được ký kết từ ngày 22/4/2016, là ngày Mẹ Trái Đất (Mother Earth Day).
Bản Thỏa thuận cũng quy định rằng, để giúp các nước đang phát triển chuyển từ việc sử dụng nhiên liệu hoá thạch sang các nguồn năng lượng xanh hơn và ứng phó với Biến đổi khí hậu, các nước phát triển sẽ cung cấp 100 tỷ USD/năm.
Theo một báo cáo mới nhất được công bố trong ngày diễn ra hội nghị, 48 nước nghèo nhất trên thế giới cần có 1.000 tỷ USD trong khoảng từ năm 2020 - 2030 để có thể thực hiện kế hoạch chống BĐKH. Theo ước tính của Viện Môi trường và Phát triển quốc tế (IIED), mỗi năm các nước nghèo này này sẽ cần có 93 tỷ USD, bao gồm 53,8 tỷ USD cho giảm khí phát thải và 39,9 tỷ USD đối phó với các hiện tượng khí hậu cực đoan và tình trạng nước biển dâng cao cao.
IIED cho biết hiện các nước kém phát triển mới chỉ được tiếp cận với 1/3 quỹ khí hậu quốc tế do các nước giàu có cung cấp. Dù các nước nghèo đang rất cần nguồn lực để đấu tranh chống BĐKH, song phần lớn tiền hỗ trợ lại được chi cho các nước có điều kiện kinh tế khá hơn. Chỉ tính riêng một số nước như Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Maroc, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ, số tiền các nước này được nhận đã ngang bằng với tổng tiền tài trợ cho toàn bộ 48 nước nghèo. Một tỷ lệ phân bố tiền không cân đối cũng được các nhà nghiên cứu chỉ ra giữa lĩnh vực đối phó với BĐKH và hỗ trợ người dân thích ứng với các cú sốc khí hậu. Trong 11,8 tỷ USD được chi cho các nước nghèo trong năm 2013-2014, tới 10 tỷ USD được dành để hỗ trợ cắt giảm khí thải, và chỉ còn 1,8 tỷ USD dành cho công tác thích ứng với BĐKH.
Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, nơi phát ra 50% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn thế giới, được kỳ vọng sẽ đưa ra các cam kết cắt giảm ở mức cao, đóng góp tích cực vào quá trình làm chậm lại việc nóng lên của Trái Đất. Chính phủ Trung Quốc cam kết tăng thị phần năng lượng phi hóa thạch, hỗ trợ các nước nghèo 3 tỉ USD chống biến đổi khí hậu.
Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, từ nhiều năm qua, Việt Nam đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu, chủ động đưa ra các cam kết trong lĩnh vực này, đồng thời tham gia tích cực và thực chất vào tiến trình đàm phán Thỏa thuận Paris, cùng với các nước nỗ lực vì mục tiêu chung đồng thời bảo vệ các lợi ích chính đáng của Việt Nam.
Việt Nam cho rằng cộng đồng quốc tế cần có quyết tâm chính trị mạnh mẽ và hợp tác hiệu quả nhằm thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Thỏa thuận Paris, trong đó các nước phát triển cần đi đầu trong thực hiện cam kết về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, hỗ trợ và tăng cường năng lực cho các nước đang phát triển để cùng nhau thực hiện thành công Thỏa thuận này.