Thứ bảy, 03/06/2023 (GMT+7)
Giá nông sản
Các cấp Hội xây dựng được trên 30.700 mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường
15:12 - 15/02/2022
(Cổng ĐT HND)- Hội nghị lần thứ tư, Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa  VI đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/HNDTW ngày 21/7/2014 về “Nâng cao trách  nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam tham gia bảo vệ môi trường nông thôn và chủ  động thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2014 – 2020”. Nghị quyết đã góp phần nâng cao năng lực,  trách nhiệm của cán bộ, hội viên, nông dân trong việc tham gia bảo vệ môi trường, sử  dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên, chủ động thích ứng với biến đổi khí  hậu, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, xây dựng nông thôn mới.
Hội viên, nông dân tích cực tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn

Trong 7 năm qua, các cấp Hội đã phối hợp với ngành Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành Khoa học và công nghệ ở Trung ương và địa phương vận động hội viên nông dân đóng góp kinh phí, vật tư, ngày công xây dựng được  trên 30.709 mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi  khí hậu.


Trong đó Trung ương Hội chỉ đạo, hỗ trợ và hướng dẫn các tỉnh, thành Hội  xây dựng trên 152 mô hình điểm về nước sạch và vệ sinh môi trường và mô hình  Hội Nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn và mô hình thích ứng với biến  đổi khí hậu phù hợp với điều kiện từng địa phương. Các mô hình áp dụng công  nghệ mới phù hợp với điều kiện kinh tế, tập quán, trình độ của người dân, đem lại  hiệu quả thiết thực, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại địa phương.  


Điển hình là các mô hình: “Thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ  thành phân bón, góp phần bảo vệ môi trường”; “Hội Nông dân tham gia cải thiện  điều kiện vệ sinh và giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn trong xây dựng nông thôn mới”; “Vận động nông dân xây dựng nhà tiêu và chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh”; “Cánh đồng không vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật”; “Nói  không với túi nilon và rác thải nhựa”; “Nhà sạch, đường sạch, đồng ruộng sạch”;  “Bảo vệ môi trường biển”; “Sạch từ nhà ra ngõ”; “Tiếng kẻng vệ sinh môi  trường”; “Sạch làng, tốt ruộng, đẹp quê hương”, “Mô hình ứng dụng chế phẩm  vi sinh trong sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn sinh học”; “Mô hình tổ  hợp tác và hợp tác xã kiểu mới ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị”Mô  hình “Xây dựng cống ngăn mặn xâm nhập, trồng cây phân tán trên các tuyến  kênh chống gió, bão, lũ lụt và biến đổi khí hậu”; “Đoạn đường nông dân tự quản”; “Hàng cây nông dân” …Nhiều mô hình được các  cấp, các ngành và người dân đánh giá có hiệu quả, thiết thực và được nhân rộng  ở nhiều địa phương. 


Hằng năm, các cấp Hội hỗ trợ, hướng dẫn hội viên nông dân xây dựng trên 2.000 mô hình sản xuất  nông nghiệp an toàn, bảo vệ môi trường. Hội Nông dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long hướng dẫn nông dân chuyển đổi diện tích đất lúa  kém hiệu quả, vườn tạp sang trồng dưa hấu, dưa lê, chuối, dưa gang, đậu bắp, bưởi da xanh, mãng cầu  xiêm, dừa, chanh không hạt; hướng dẫn nông dân xuống giống sớm để né hạn, mặn…


Thực hiện Chỉ thị 45 của Thủ tướng phát động Chiến dịch trồng 1 tỷ cây xanh, đến nay Hội ND các tỉnh,  thành phố đã vận động nông dân trồng và chăm sóc được 118.710.342 cây. Tiêu biểu là các tỉnh, thành:  Yên Bái 57.150.000 cây, Lạng Sơn 30.854.504 cây, Tuyên Quang 7.000.000 cây, Ninh Bình 6.451.058  cây, Nam Định 2.837.803 cây, Phú Thọ 2.869.537 cây, Hà Nội 2.516.158 cây, Bắc Giang 2.188.086 cây,  Thái Bình 1.887.053 cây, Đắk Lắk 1.000.000 cây. 

 
Bên cạnh đó, Hội Nông dân các tỉnh, thành phố đã tổ chức thành lập được  11.657 câu lạc bộ nông dân bảo vệ môi trường, thu hút được đông đảo cán bộ, hội  viên nông dân tham gia, đã góp phần thực hiện tốt công tác bảo vệ, giữ gìn môi  trường nông thôn xanh sạch đẹp.


Hội Nông dân các cấp còn tích cực vận động, thu hút các nguồn lực và phát huy  nội lực của hội viên, nông dân và cộng đồng cư dân nông thôn. Qua 6 năm, các cấp  Hội đã kiến nghị với Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và  phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính, chính quyền các địa  phương tạo điều kiện, phối hợp, giúp đỡ, hỗ trợ nguồn kinh phí hàng trăm tỷ đồng  chi cho các hoạt động tuyên truyền, tổ chức các phong trào nông dân, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, hội viên, nông dân, xây dựng các mô hình bảo vệ môi  trường nông thôn và thích ứng với biến đổi khí hậu để tuyên truyền, nhân rộng.  


Hội còn phối hợp với tổ chức quốc tế ủng hộ các giải pháp khu vực vì cộng đồng và hệ sinh thái (tổ chức BRACE) triển khai thực hiện Dự án “Tuyên truyền, vận động  nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường tại Việt Nam” với kinh  phí 48 tỷ đồng Việt Nam, giúp khoảng 2,5 triệu người nông dân được hưởng lợi từ  dự án, 120 giảng viên được đào tạo trở thành giảng viên nguồn về kỹ thuật và gần  2.000 nông dân được đào tạo và hướng dẫn áp dụng về kỹ thuật canh tác thân  thiện với môi trường.


Năm 2020, tổ chức quốc tế tiếp tục ủng hộ Dự án “Tuyên  truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam”, với số tiền hơn 70 tỷ đồng Việt Nam nhằm nâng cao nhận thức của người dân, nông dân về bảo vệ môi  trường, ứng phó với biến đổi khí hậu góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế, Dự án dự kiến sẽ xây dựng 135 mô hình tại 15 tỉnh,  thành phố, tổ chức 405 khóa đào tạo cho 8.800 nông dân. 


Hoạt động của các cấp Hội từ Trung ương đến cơ sở luôn hướng về các vùng  bị ảnh hưởng, thiệt hại, giúp đỡ hội viên, nông dân khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ. Hằng năm, các cấp Hội đã vận động cán bộ, hội viên nông dân, các tổ chức,  doanh nghiệp đóng góp, ủng hộ, giúp đỡ hội viên, nông dân bị thiệt hại do thiên tai,  bão lũ gây ra với giá trị hàng chục tỷ đồng.


Các cấp Hội ở địa phương đã tích cực vận động, phát huy nội lực của hội viên,  nông dân tham gia đóng góp hàng triệu ngày công, vật tư, hiến đất xây dựng trên 78.000 km đường nông thôn, thu gom rác thải, nạo vét kênh mương; trồng trên  12 ngàn cây keo lai, bạch đàn, tràm... xây dựng trên 30.500 mô hình về bảo vệ môi  trường nông thôn, ứng phó với biến đổi khí hậu.


Hội Nông dân các cấp đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về chủ  trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của Hội về quản lý tài  nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tập trung tuyên  truyền Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đa dạng sinh học, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ và  Phát triển rừng, Luật Tài nguyên nước…chủ trương, chính sách của các địa phương;  Nghị quyết và các hoạt động của Hội tham gia bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó  với biến đổi khí hậu, để cán bộ, hội viên, nông dân nâng cao nhận thức về ý nghĩa,  tầm quan trọng và tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường ở nông thôn,  bảo vệ nguồn nước phục vụ sinh hoạt, đáp ứng yêu cầu sản xuất, bảo vệ sức khỏe, cải  thiện đời sống. 


Nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân và cộng đồng dân cư nông thôn được các cấp Hội tổ chức thông qua các lớp tập huấn, tư liệu, tranh ảnh, phương tiện truyền thông (báo chí, phát thanh, truyền hình), các cuộc thi viết, tìm hiểu pháp luật về môi trường, các cuộc vận động tham gia các sự kiện lớn về môi trường như: Trung ương Hội đã phối hợp với các chuyên gia về môi trường biên soạn và in 127.512 tài liệu phổ biến kiến thức, pháp luật và những mô hình tiêu biểu về bảo vệ môi  trường trong xây dựng nông thôn mới; phát hành 3.266.258 tờ gấp các loại hướng dẫn sử dụng nước sạch, thu gom, phân loại, xử lý rác thải, chất thải; sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, hướng dẫn tra cứu thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng nước sạch và bảo  vệ môi trường để phát đến tận tay cán bộ, hội viên nông dân thực hiện và ứng dụng. 

 
Đồng thời các cấp Hội phối hợp với các  cơ quan chuyên môn tổ chức các cuộc thi “Nông dân tìm hiểu pháp luật về môi  trường”;“Nông dân tìm hiểu kiến thức, pháp luật về nước sạch và bảo vệ môi  trường” theo hình thức sân khấu hóa được 262.796 cuộc.  


Sau 6 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, các cấp Hội đã tổ chức tuyên  truyền cho trên 11,9 triệu lượt hội viên nông dân, đạt 130,3% mục tiêu Nghị quyết đề ra, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm và hành động của cán bộ, hội viên, nông dân và cộng đồng dân cư nông thôn về bảo vệ môi trường, chủ động  ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
 

Ngọc Thu
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Chương trình gặp gỡ hữu nghị nông dân ba nước Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia gắn với Hội chợ nông sản sạch

Bài đọc nhiều nhất

Tỷ giá

Giá vàng (ĐVT: tr đồng/lượng)
Loại
Mua vào
Bán ra
Tỷ giá