(Cổng ĐT HND) –Đó là ông Đỗ Văn Chí ở xã Nghĩa Dõng, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi. Những hạt gạo thân quen qua đôi bàn tay khéo léo và sức sáng tạo bất ngờ của ông trở thành bức tranh độc đáo.
 |
Bức tranh cầu Cổ Lũy được làm từ gạo rất độc đáo |
Trên tường nhà của ông Chí có đủ kích cỡ các loại tranh lớn nhỏ, hình ảnh hoa sen, cầu Cổ Lũy, thuyền, hay những con trâu trên dòng sông Trà Khúc... Tất cả bức tranh đều được làm từ gạo với màu chủ đạo là vàng, đà, đỏ đậm, đen, trắng.
Ông Chí cho biết: “Để những hạt gạo đơn thuần có màu sắc, tôi đã rang gạo ở độ lửa và thời gian rang khác nhau, gạo từ trắng chuyển sang vàng, nếu rang lâu hơn thì màu đậm hơn”. Theo ông Chí, rang gạo không chỉ tạo màu tự nhiên mà còn làm hạt gạo khô hoàn toàn, chắc hạt, gạo không còn hơi nước, khi làm tranh dù để lâu thì hạt gạo cũng không bị mốc, không hỏng tranh, nhờ đó, mỗi bức tranh gạo của ông làm ra đến nay đã khoảng 8 năm.
Trên chiếc khung gỗ, ông Chí phủ lớp keo sữa, rồi tỉ mẩn đính từng hạt gạo, sắp xếp từng chi tiết thành con đò, cây cầu, bông hoa, chữ thư pháp. Tạo hình xong lại tiếp tục phủ thêm một lớp keo trên bề mặt. Tất cả bức tranh đều được làm từ gạo với màu chủ đạo là vàng, nâu, đỏ đậm, đen, trắng, được tạo ra từ phương pháp rang gạo thủ công, không dùng phẩm màu.
“Cái kỳ công nhất là bức tranh cầu Cổ Lũy, không nhớ là làm trong bao lâu nữa. Chỉ nhớ nó được làm từ lúc cầu khởi công, cầu xong thì tranh cũng hoàn thành. Bức tranh dài 2m, cao khoảng 1,2m. Các chữ thư pháp này tôi cũng có được học viết đâu, lấy viết chì tập và vẽ theo người ta, rồi đính gạo lên”, ông Chí bộc bạch.
Một bức tranh gạo đẹp hoàn hảo phải đạt những điều kiện về hình khối, sắc độ, bố cục, tỉ lệ, và quan trọng hơn là độ khít của gạo, các họa tiết được sắp xếp tỉ mỉ, chính xác tuyệt đối. Với trí tưởng tượng phong phú và sự sáng tạo, ông đã làm cho cuộc sống thêm nhiều niềm vui và hạnh phúc.