 |
Phong trào có sức lan tỏa trong tất cả các lĩnh vực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và kinh doanh dịch vụ |
Phong trào có sức lan tỏa trong tất cả các lĩnh vực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và kinh doanh dịch vụ, trở thành phong trào hành động của Hội ở địa bàn dân cư, khích lệ, động viên hàng ngàn hộ nông dân phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư vốn, giống vào sản xuất kinh doanh, hình thành các vùng sản xuất hàng hoá; xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp ở nông thôn, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo.
Với 2.409 ha đất và mặt nước sản xuất ứng dụng công nghệ cao và 13,2 nghìn ha sản xuất theo hướng ứng dụng một phần công nghệ cao hiện có, các cấp Hội tập trung vận động các hộ dân, nhất là các hộ sản xuất kinh doanh giỏi đi đầu áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất, ứng dụng công nghệ số, công nghệ cao vào sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản ở nông thôn; đầu tư máy móc, thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất, chăn nuôi, chế biến… để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị hàng hóa.
Hội đã hướng dẫn hội viên, nông dân phát triển các nhóm sản phẩm chủ lực cấp xã, huyện gắn với tái cơ cấu nông nghiệp để dịch chuyển cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập; các huyện, thị, thành Hội phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tổ chức 539 lớp tư vấn, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật với 33.873 lượt hội viên, lao động nông thôn tham gia; phối hợp với các ngành tổ chức 12 lớp tập huấn cho 1.080 học viên là cán bộ, hội viên, nông dân, hộ sản xuất kinh doanh giỏi về kỹ năng xây dựng kế hoạch, phương án liên kết sản xuất kinh doanh; quản lý đầu tư, chi tiêu cho sản xuất kinh doanh và nâng cao năng lực về sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng.
Đồng thời phối hợp với Sở Thông tin & Truyền thông, Bưu điện tỉnh Lào Cai đưa sản phẩm nông nghiệp của các hộ kinh doanh các thể, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân lên sàn thương mại điện tử postmart.vn để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, giúp tiêu thụ nhanh, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.
Điển hình các hộ sản xuất kinh doanh giỏi là: Ông Nguyễn Phúc Minh- hộ sản xuất kinh doanh giỏi mô hình trồng hoa ly công nghệ cao tại phường Ô Quý Hồ, thị xã Sa Pa; hộ ông Đỗ Phú Chính- mô hình điểm Du lịch vườn Hồng mộng mơ Sa Pa tại phường Ô Quý Hồ; Ông Bàn Phúc Yên - thôn Nậm Lạn, xã Nậm Dạng hộ gia đình tích cực phát triển sản xuất, chăn nuôi trang trại, nông lâm nghiệp, thủy sản... đem lại thu nhập trên 280 triệu/năm; ông Vũ Quang Hưng thôn Thành Sơn xã Bản Xèo với mô hình sản xuất kinh doanh nghề làm miến đao doanh thu hàng trăm triệu đồng, tạo việc làm cho gần 25 lao động; Hộ gia đình ông Vũ Quang Vinh xã Bản Vược với mô hình kinh doanh tổng hợp thu nhập đạt 990 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 20 lao động có thu nhập ổn định; hộ ông Hoàng Văn Lân thôn Trâu Giàng xã Bản Qua với mô hình chăn nuôi tổng hợp hàng năm đã tạo việc làm ổn định cho hơn 35 lao động; hộ ông Ngô Trung Huấn, xã Na Hối mô hình tổng hợp thu nhập 650 triệu/năm tạo việc làm ổn định cho 10-15 lao động, hộ bà Lùng Thị Dung xã Cốc Lầu - mô hình trồng rừng, nuôi trâu rẽ thu nhập 550 -600 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 5-10 lao động; hộ bà Chu Thị Sởi thôn Nậm Mòn, xã Nậm Mòn với mô hình phát triển kinh tế chăn nuôi, trồng rừng tổng thu nhập 350 triệu đồng, tạo việc làm cho 3-5 lao động; hộ ông Phạm Văn Hưng, thôn An Thanh, xã Thống Nhất với quy mô hơn 4.000 con gà thịt thả vườn, mỗi năm trừ chi phí gia đình thu nhập trên 100 triệu đồng ....
Các hộ nông dân giỏi còn tích cực đóng góp xây dựng quỹ Vì người nghèo; xây dựng nông thốn mới; phổ biến kinh nghiệm làm ăn, cho mượn vốn, cung ứng cây, con giống cho 4.942 hộ, góp phần tạo việc làm cho 1.150 lượt lao động, giúp 4.977 hộ thoát nghèo.
Điển hình như: hộ bà Phàn Thị Hồng, xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát đã hiến 4.000 m2 đất sản xuất để làm đường điện thắp sáng; hộ ông Phàng Văn Trường, xã Mường Vi, huyện Bát Xát, hiến 1.800 m
2 đất làm đường giao thông liên thôn và đường nội đồng; hộ ông Nguyễn Văn Cường, xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, đóng góp 60 triệu đồng; hộ ông Vương Văn Hoán, xã Chiềng Ken, huyện Văn Bàn hiến 1.300m
2 đất làm đường giao thông nông thôn…
Song song với đó, các cấp Hội tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn, vận động và hỗ trợ thành lập các tổ hội nông dân nghề nghiệp để nâng cao chất lượng sinh hoạt hội, tổ chức liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tiến tới thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã, làm cơ sở cho liên kết sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm.
Hội đã thành lập mới 62 chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp và 08 hợp tác xã (HTX cộng đồng Mường Khương tại xã Nậm Chảy; HTX Nông nghiệp Nghĩa Đô và HTX Bảo tồn và phát huy nghề truyền thống Nghĩa Đô…); duy trì 92 sản phẩm OCOP cấp tỉnh của 55 doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình trên địa bàn 43 xã, phường, thị trấn.
Tiêu biểu như Tương ớt Mường Khương của HTX kinh doanh tổng hợp Mường Khương; Bưởi múc của HTX Bưởi Múc Thái Niên; chè Shan hữu cơ Bắc Hà của HTX chè Bản Liền; gạo lứt Séng Cù của HTX Tiên Phong Mường Vi; Chuối tiêu Hồng của Công ty TNHHMTV Phúc Yên; Cao mềm Actiso Sa Pa, Trà phun sương Actiso Sa Pa, Cao phun sương Actiso Sa Pa, Chocolate Detox, Trà túi lọc trà dây leo Sa Pa của Công ty TNHH MTV Traphaco Sa Pa; Gạo Séng cù Mường Khương.
Dự án chăm sóc và trồng mới 170 ha Hồng không hạt tại xã Tân An và Tân Thượng; Chuyển đổi 10 ha đất trồng Lúa sang trồng Dưa bao tử tại xã Khánh Yên Thượng, xã Làng Giàng, xã Hòa Mạc huyện Văn Bàn.
Có thể nói Phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã tạo động lực để hội viên, nông dân nỗ lực vươn lên trong cuộc sống; nhiều hộ đã từng bước thoát nghèo và làm giàu, góp phần đưa tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 8,2%.