Thị xã Tân Châu (An Giang): Tập trung phát triển, nâng chất hoạt động các Hợp tác xã
(Cổng ĐT Hội NDVN) – Những năm qua, các cấp, các ngành của thị xã Tân Châu luôn xác định việc thành lập các tổ hợp tác, Hợp tác xã (THT, HTX) là động lực góp phần đưa nền nông nghiệp trên địa bàn phát triển bền vững. Trên cơ sở đó, hoạt động của các HTX, THT từng bước được nâng chất, phát triển, hướng đến quyền và lợi ích của thành viên cũng như khuyến khích nông dân chủ động tham gia vào THT, HTX.
 |
Nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao được triển khai thực hiện như: Mô hình ứng dụng hệ thống tưới phun điều khiển từ xa bằng điện thoại di động, mô hình ươm cây giống và trồng hoa kiểng trong nhà màng… |
Tính đến tháng 09/2022, toàn thị xã có tổng số 21 HTX, với 2.954 thành viên. Doanh thu bình quân của HTX đạt hơn 582 triệu đồng, lãi bình quân khoảng hơn 13 triệu đồng/HTX. Thu nhập bình quân của mỗi lao động làm việc thường xuyên trong HTX đạt 27 triệu đồng/năm.
Theo thống kê, thị xã có 17 HTX Nông nghiệp với hơn 2.000 thành viên tham gia canh tác trên diện tích gần 4.000 ha; trong đó, thành viên là hơn 1.600 ha và ngoài thành viên hơn 2.300 ha. Các HTX chủ yếu làm dịch vụ bơm tưới và một số dịch vụ khác với mức thu phí thấp hơn dịch vụ do tư nhân cung cấp (giá thấp hơn khoảng từ 15- 20%) đã giúp giảm bớt chi phí sản xuất cho bà con nông dân.
Trong năm 2022, dự kiến có khoảng 13 HTX ký hợp đồng liên kết thiêu thụ nông sản (chủ yếu là lúa, nếp, rau màu) với tập đoàn Lộc Trời, doanh nghiệp tư nhân Minh Phát, Công ty TNHH MTV Naotech Đồng Tháp và sản phẩm xoài keo với Công ty Hoàng Phan, đạt tỷ lệ trên 76%.
Chú Trần Văn Chuông ở xã Tân Thạnh, thị xã Tân Châu chia sẻ: Nếu được các công ty cùng tham gia liên kết bao tiêu thu mua lúa của nông dân thì sẽ giúp nông dân đảm bảo được quyền lợi hơn ở ngoài. Thêm vào đó, giá phân bón đang quá cao trong khi giá lúa lại quá thấp. Vì thế, các doanh nghiệp thu mua có giá được cao hơn chút đỉnh thì bà con nông dân đỡ thiệt thòi.
Bên cạnh đó, thị xã cũng đang có 110 THT hoạt động (tăng 02 THT), với 997 thành viên. Để hoạt động của các THT hiệu quả, các cấp Hội ND thị xã đã quan tâm, tạo điều kiện cho THT vay vốn từ nguồn vốn Quỹ HTND. Từ đó, giúp hội viên, nông dân có thêm điều kiện để đầu tư phát triển chăn nuôi, sản xuất.
Đồng thời, nhờ việc xác định rõ liên kết chính là chìa khóa giúp phát triển nền nông nghiệp bền vững, các ngành chuyên môn đã rất quan tâm, tích cực triển khai nhiều mô hình liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản giữa HTX với doanh nghiệp. Qua đó, góp phần tăng năng suất, nâng cao giá trị sản phẩm, từng bước nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Cụ thể như: Trên cây lúa, đã tổ chức ký kết hợp đồng bao tiêu với Tập đoàn Lộc Trời, doanh nghiệp Minh Phát có diện tích canh tác hơn 1.000 ha trong vụ Đông Xuân và vụ Hè Thu; trên hoa màu, đã liên kết 03 ha sản xuất đậu bắp Nhật với Công ty thủy sản Bạc Liêu tại phường Long Phú và xã Phú Vĩnh. Đối với cây ăn quả, trong năm 2021 và đầu năm 2022, các doanh nghiệp cũng đã thực hiện liên kết với diện tích trên 45 ha…
Đáng chú ý, Phòng Kinh tế cùng các ngành liên quan và UBND các xã, phường đã làm việc với Tập đoàn Lộc Trời, Sở Nông nghiệp & PTNT về xây dựng phát triển vùng nguyên liệu sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm xoài Cát Lộc “vỏ dày” để chuẩn bị triển khai kế hoạch đăng ký 24,5 ha tại địa bàn xã Long An, xã Lê Chánh và phường Long Sơn.
Mặt khác, khi nông dân tham gia vào HTX cũng đã mạnh dạn ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, góp phần làm thay đổi tư duy và phương pháp tổ chức sản xuất. Theo đó, trong vụ Đông Xuân 2021- 2022, hơn 8.000 nông dân tham gia áp dụng chương trình 01 phải 05 giảm, trên diện tích 7.700 ha; có hơn 11.000 nông dân tham gia chương trình 03 giảm 03 tăng với diện tích hơn 9.700 ha (chiếm tỷ lệ trên 95%).
Tuy nhiên, từ thực tế cần nhìn nhận rõ đó là hầu hết các HTX hoạt động dịch vụ tưới, tiêu là chính, chất lượng hoạt động của các HTX không đồng đều và trong quá trình hoạt động cũng gặp phải những khó khăn nhất định. Một số HTX còn chưa phát huy được hết tiềm năng trong chuỗi liên kết tiêu thụ, chưa đa dạng hóa các quy trình sản xuất hay tạo được động lực mới trong phát triển kinh tế xã hội địa phương…
Do đó, để góp phần giải quyết bài toán về mối liên kết giữa HTX và công ty, doanh nghiệp cần có sự tham gia của các phòng, Ban chuyên môn, vai trò của UBND các xã, phường để có những phương án thực hiện mang lại hiệu quả, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của thành viên và bà con nông dân.
Theo ông Đặng Văn Nê- Phó Chủ tịch UBND thị xã Tân Châu cho biết: Đối với hoạt động của các HTX nên tăng cường tính liên kết. Vì khi tham gia cung ứng nghĩa là sẽ mở ra nhiều dịch vụ khác nhau, từng bước nâng HTX kiểu cũ lên HTX kiểu mới. Có liên kết để vừa đảm bảo được đầu cung ứng, vừa đảm bảo được tiêu thụ sản phẩm.
Có thể thấy, chỉ khi xác định được rõ mục tiêu hướng đến của việc thành lập và hoạt động của HTX, THT sẽ là căn cứ để các địa phương đề ra những giải pháp phù hợp với thực tiễn, góp phần đưa hoạt động HTX đi vào ổn định. Đồng thời, giúp tháo gỡ những khó khăn, từng bước mở rộng đa dạng các loại hình dịch vụ cung ứng, gia tăng lợi nhuận hoạt động HTX nói chung và vốn góp của các thành viên HTX nói riêng. Từ đó, thu hút được sự tham gia của đông đảo nông dân vào HTX, tiến tới thành lập mới các HTX theo kế hoạch đề ra.