Thứ ba, 26/09/2023 (GMT+7)
Giá nông sản
Quảng Trị: Hỗ trợ hội viên, nông dân trồng thanh long ruột đỏ an toàn sinh học
14:40 - 28/12/2018
(Cổng ĐT HND) – Những năm qua, thực hiện quá trình tái cơ cấu nền nông nghiệp, các cấp, các ngành trong tỉnh đã và đang tập trung chỉ đạo gắn việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng mới theo hướng chuyển từ số lượng sang chất lượng, nâng cao giá trị theo chuỗi liên kết, đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất.

Được hướng dẫn và hỗ trợ kinh phí, hội viên, nông dân hào hứng với kỹ thuật ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong sản xuất thanh long ruột đỏ theo hướng an toàn sinh học


 
Việc lựa chọn thúc đẩy ngành nông nghiệp đi theo hướng phát triển bền vững, tỉnh cũng đang tập trung mọi nguồn lực để phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững về các mặt kinh tế, xã hội và môi trường. Đồng thời, huy động, lồng ghép các nguồn vốn khác nhau để đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất các mặt hàng nông sản theo hướng an toàn sinh học. Qua đó nhằm nâng cao giá trị, hiệu quả và tăng khả năng cạnh tranh của các mặt hàng nông sản, góp phần nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân ở địa bàn nông thôn, gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

 
Theo đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp & PTNT, tính đến nay, có nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh được tổ chức liên kết khép kín từ sản xuất cho đến tiêu thụ. Nhiều sản phẩm tìm được chỗ đứng và thương hiệu trên thị trường cả nội địa và xuất khẩu, điển hình như: Gạo hữu cơ Quảng Trị; gạo canh tác tự nhiên huyện Triệu Phong; cà phê Arabica thị trấn Khe Sanh; cà gai leo An Xuân; hạt tiêu huyện Vĩnh Linh; chè vằng hòa tan… Các sản phẩm đặc trưng của địa phương nhờ được đầu tư đúng hướng đã giúp đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân.

 
Tại nhiều địa phương trong tỉnh, bà con nông dân cũng đang tập trung đầu tư cho một số loại cây trồng lâu năm vốn mang lại hiệu quả thường xuyên như: Hồ tiêu, cao su, cây ăn quả... Thời gian gần đây, cây thanh long ruột đỏ đang được xem là đối tượng cây trồng mới, mở ra một hướng đi mới trong việc phát triển kinh tế cho các hộ gia đình ở xã Vĩnh Thủy- huyện Vĩnh Linh.

 
Điểm đặc biệt là loại cây trồng này đang cho thấy có nhiều ưu thế khi được đem trồng trên các diện tích gò đồi, đất hoang hóa, bạc màu bởi những đặc tính vượt trội như: Thanh long vốn thuộc họ xương rồng nên không kén chọn đất đai hay thổ nhưỡng; ít sâu bệnh; chịu hạn tốt; kỹ thuật chăm sóc lại không khó… Nhờ đó, cây thanh long ruột đỏ đang giúp bà con nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo nguồn thu nhập cao và ổn định.

 
Thêm vào đó, nếu như so sánh với cây thanh long ruột trắng thì hiện thanh long ruột đỏ cho thấy hiệu quả kinh tế đem lại khá cao. Bình quân mỗi trụ thanh long đang cho thu hoạch từ 25- 30 kg quả/vụ; mùa vụ thu hoạch chính từ tháng 5- 10 (âm lịch). Vốn loại trái cây sạch, ăn ngon và đặc biệt là rất tốt cho sức khỏe; do đó, khi cây trồng đảm bảo điều kiện giống tốt, được chăm sóc đủ dinh dưỡng sẽ cho ra sản phẩm là quả có màu vỏ đỏ tươi bắt mắt, thơm ngon, vị đậm đà… nên đang được thị trường ưa chuộng, giá thành đầu ra ổn định.

 
Nhằm hỗ trợ hội viên, nông dân trong việc trồng giống cây mới, năm 2018, Trung ương Hội NDVN đã hỗ trợ xây dựng và triển khai dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong sản xuất thanh long ruột đỏ tại xã Vĩnh Thuỷ- huyện Vĩnh Linh theo hướng an toàn sinh học”.

 
Mục tiêu lớn của dự án là nhằm nâng cao nhận thức cho người nông dân, biết liên kết với nhau, ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn. Qua đó, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa; đồng thời hướng tới mục tiêu sản xuất ra các sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần phát triển nền nông nghiệp bền vững cũng như bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng.

 
Dự án của Trung ương Hội NDVN đầu tư được triển khai tập trung trên địa bàn thôn Tân Thủy, xã Vĩnh Thuỷ- huyện Vĩnh Linh. Theo đó, có 13 hộ dân được lựa chọn tham gia dự án trồng thanh long ruột đỏ trên diện tích canh tác 2,6 ha.

 
Quá trình tham gia dự án, mỗi hộ được hỗ trợ 40% chi phí về giống và xây dựng trụ bê tông; 20% chi phí phân bón để trồng khoảng 355 gốc thanh long ruột đỏ. Việc người dân nhiệt tình hưởng ứng, phấn khởi khi tham gia dự án cùng với sự hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể về kỹ thuật của các cán bộ dự án đã và đang hứa hẹn những vụ mùa thanh long bội thu trên vùng đất vốn chỉ có nắng, gió Lào và cát trắng.

 
Theo ông Nguyễn Xuân Đức, xã viên của Hợp tác xã Nông sản Tây Vĩnh Thủy, đồng thời cũng là một trong số 13 hộ dân được tham gia dự án chia sẻ niềm vui: Trước đây, gia đình ông chỉ tập trung trồng rừng tràm, cao su, kết hợp với chăn nuôi bò, gà song do mấy năm nay, giá cao su đang xuống thấp nên hiệu quả kinh tế đem lại không cao. Được tham gia mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong sản xuất thanh long ruột đỏ theo hướng an toàn sinh học do Trung ương Hội NDVN hỗ trợ, ông thấy phấn khởi vô cùng.

 
Tuy nhiên, ông cũng vẫn còn có những băn khoăn riêng vì mặc dù chuyển đổi sang loại cây trồng mới này sẽ là một hướng đi giúp gia đình ông tháo gỡ khó khăn về kinh tế nhưng do chưa bao giờ trồng cây thanh long ruột đỏ, không có kinh nghiệm, ông sợ rằng mình sẽ không thể thực hiện được. Hiểu được những băn khoăn, lo lắng của ông, các cán bộ dự án đã tích cực động viên, khuyến khích và chỉ dẫn cụ thể về kỹ thuật trồng nên ông Đức đã yên tâm và phấn khởi tham gia.

 
Theo đó, sau khi được nghe hướng dẫn chi tiết về kỹ thuật, ông Đức đã mạnh dạn đầu tư để đúc hơn 200 cột trụ bê tông vì để cây thanh long phát triển tốt và đạt hiệu quả cao thì đòi hỏi bắt buộc là cây phải được trồng trên trụ. Mỗi cột trụ đều được đúc bằng xi măng theo tỷ lệ: Chiều cao từ 1,7- 1,8 m; kích thước vuông 20- 22cm; chôn sâu xuống khoảng 0,5m.

 
Tại mỗi trụ bê tông, ông tiến hành trồng 4 hom thanh long theo khoảng cách giữa mỗi cây là 3 x 3m; với khoảng cách này sẽ giúp việc phun thuốc, bón phân và thu hoạch quả được thuận tiện, dễ dàng. Thêm vào đó, tuy thanh long là giống cây chịu hạn tốt nhưng do đặc thù thời tiết ở địa phương nắng hạn thường kéo dài nên cũng sẽ làm giảm khả năng sinh trưởng và năng suất của cây. Do đó, theo đúng sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật dự án, ông Đức đã thường xuyên tưới nước cho vườn thanh long của mình, chủ yếu nước được tưới trên thân cây, hạn chế tưới vào gốc vì sẽ dễ làm úng gốc.

 
Vụ thu hoạch sắp tới, nếu như cây thanh long ruột đỏ cho hiệu quả kinh tế cao, ông Đức sẽ còn ấp ủ dự định đầu tư xây dựng hẳn một hệ thống tưới tiết kiệm để hướng tới quy mô sản xuất tự động hóa.

 
Ngoài ra, vấn đề sử dụng phân bón cho cây thanh long cũng luôn được các cán bộ của dự án quan tâm và rất coi trọng. Do đây là dự án trồng thanh long theo hướng hữu cơ nên bà con nông dân đều được khuyến cáo chỉ dùng duy nhất các loại phân chuồng, phân hữu cơ để bón cho cây, mục đích nhằm tạo ra các sản phẩm an toàn, đạt chất lượng.

 
Hiện nay, gia đình ông Đức đang nuôi khoảng 1.000 con gia cầm (gà và ngan) cùng với 4 con bò, vì thế nên lượng phân chuồng được đem xử lý để bón cho cây thanh long rất dồi dào. Bên cạnh đó, đợi đến chu kỳ bón thúc, ông cũng sẽ bón thêm các loại phân vi sinh theo tỷ lệ đã được cán bộ dự án hướng dẫn.

 
Hay như hộ ông Trần Văn Phẩm cũng là xã viên của Hợp tác xã Nông sản Tây Vĩnh Thủy, người đã mạnh dạn trồng thử nghiệm 150 gốc thanh long ruột đỏ trên diện tích 1.500 m2 và đã cho thu hoạch quả được gần một năm nay. Theo ông Phẩm cho biết: Nhờ có lợi thế là vùng đất đỏ ba- dan, rất phù hợp để cây thanh long ruột đỏ sinh trưởng và phát triển tốt, cho thu hoạch sản phẩm quả đạt chất lượng thơm ngon hơn nhiều địa phương khác. Tuy nhiên, do kỹ thuật trồng và chăm sóc cây của gia đình ông còn quá đơn giản nên năng suất đạt được chưa cao, chỉ tầm 20 kg/gốc; giá bán trung bình trên thị trường hiện khoảng 15.000 đồng/kg, giá trị kinh tế chưa nhiều.

 
Khi được chọn tham gia mô hình, lại được các cán bộ dự án hướng dẫn rất chi tiết cách trồng và chăm sóc cây thanh long ruột đỏ, ông đã kiên trì áp dụng theo đúng chuẩn kỹ thuật được học. Nhìn vườn thanh long tươi tốt, ông Phẩm thấy rất vui khi khu vườn trồng đang hứa hẹn sẽ mang lại năng suất, chất lượng cao hơn hẳn so với cách trồng truyền thống, giản đơn mà ông đã áp dụng từ vài năm qua. Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả trên cùng đơn vị diện tích, hiện nay ông còn đang tiến hành trồng xen các loại cây dược liệu ngắn ngày giữa vườn thanh long như: Nghệ; gừng...

 
“Dự án đã hỗ trợ cho gia đình tôi trồng 355 gốc thanh long ruột đỏ. Tôi thấy rất mừng và cam kết sẽ thực hiện theo đúng kỹ thuật đã được các cán bộ dự án hướng dẫn” - Ông Phẩm phấn khởi nói.

 
Đánh giá về mô hình, ông Nguyễn Quang Hạnh- Giám đốc Hợp tác xã Nông sản Tây Vĩnh Thủy cho biết: Dự án trồng thanh long ruột đỏ theo hướng an toàn sinh học do Trung ương Hội NDVN hỗ trợ quả thực rất chính xác và vô cùng thiết thực đối với người dân trên địa bàn. Những hộ dân khi tham gia dự án đều được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn tận tình, cầm tay chỉ việc. Do đó, bà con thấy rất phấn khởi, tất cả các hộ đều cam kết sẽ thực hiện đúng yêu cầu kỹ thuật đặt ra. Dự án được triển khai tại địa bàn xã cũng đang hứa hẹn sẽ đem tới cho bà con nông dân trong vùng những vụ mùa thanh long có năng suất, chất lượng cao.

 
“Nếu dự án đạt được kết quả và thành công, nông dân trong vùng mong muốn sẽ được tiếp tục hỗ trợ thêm để có thể mở rộng diện tích trồng giống cây mới này. Ngoài ra, các cấp, các ngành cũng cần nghiên cứu đầu tư công nghệ vào sản xuất, nhà kho bảo quản đúng quy cách để tạo thành vùng nguyên liệu theo chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Có như vậy mới thực sự gia tăng lợi nhuận, tạo thu nhập ổn định cho người dân” – Ông Hạnh chia sẻ.

 
Tuy nhiên, có một vấn đề vẫn luôn khiến người nông dân phải lo lắng, trăn trở đó chính là việc tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Thực tế cho thấy, hầu hết các sản phẩm quả thanh long mà bà con nông dân thu hoạch từ các vườn trồng tự phát, không thuộc phạm vi đầu tư của dự án vẫn thường xuyên phải vận chuyển và gửi đi nhiều địa phương khác để nhờ bán giúp; hoặc là người dân tự tìm và đăng thông tin rao bán trên các mạng xã hội… Đó đều là những cách thức tiêu thụ không bền vững, tiềm ẩn nguy cơ “được mùa - mất giá” rất cao.

 
Vì thế, các hộ dân khi tham gia dự án đều chung một mong muốn là được cơ quan chức năng của địa phương, mà đặc biệt là Hội ND các cấp quan tâm, sớm hỗ trợ về mặt pháp lý giúp bà con đăng ký nhãn hiệu sản phẩm. Đồng thời, cần tìm kiếm và giới thiệu các nơi có thể ký kết đầu ra giúp tiêu thụ sản phẩm ổn định, gia tăng giá trị của sản phẩm, chẳng hạn như các siêu thị, cửa hàng nông sản sạch...

 
Theo ông Nguyễn Ngọc Lương- Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh cho biết: Tới đây, nếu đem ra giới thiệu trên thị trường mà sản phẩm thanh long ruột đỏ của dự án được người tiêu dùng ưa chuộng, có nhu cầu tiêu thụ cao thì Hội ND tỉnh sẽ đưa ra kiến nghị đối với Trung ương Hội NDVN cùng các cơ quan chuyên môn, ngành chức năng của tỉnh để có phương án tiếp tục hỗ trợ người dân trên địa bàn mở rộng diện tích trồng. Việc hỗ trợ sẽ rất cụ thể như: Tập trung về vốn vay ưu đãi; tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; đi tham quan các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả ở trong và ngoài huyện…

 
Sau khi kết thúc mô hình, trên cơ sở kết quả đạt được của mô hình, Trung ương Hội NDVN sẽ chỉ đạo Hội ND các tỉnh, thành phố tập trung khai thác các nguồn lực tại chỗ để hỗ trợ hội viên, nông dân xây dựng các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp bền vững tại các địa phương trong cả nước.



 

Thành Trung
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Những Kỳ Vọng Khi Thủ Tướng Phạm Minh Chính Đối Thoại Với Nông Dân

Bài đọc nhiều nhất

Tỷ giá

Giá vàng (ĐVT: tr đồng/lượng)
Loại
Mua vào
Bán ra
Tỷ giá