 |
Đồng chí Mai Bắc Mỹ- Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội NDVN, Trưởng Ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế (Trung ương Hội NDVN) chủ trì tại Diễn đàn trực tuyến từ điểm cầu Hà Nội |
Diễn đàn được tiến hành bằng hình thức trực tuyến (zoom meeting) có điểm cầu chính tại Hà Nội và kết nối tới các điểm cầu từ những tỉnh tham gia Chương trình FFF II; với sự tham dự của các chuyên gia, đại diện các Bộ, ngành, tổ chức liên quan… Hoạt động này nhằm cung cấp thông tin, trang bị thêm kiến thức hỗ trợ người nông dân, trong đó có các tổ chức sản xuất rừng và trang trại sản xuất hiệu quả, giảm thiểu tác động tiêu cực của tình trạng biến đổi khí hậu gây ra.
Tại Diễn đàn, các đại biểu tập trung nghiên cứu và cùng nhau trao đổi xung quanh một số nội dung chính như: Giới thiệu tiến trình chuẩn bị đóng góp các nội dung về giảm thiểu, thích ứng với biến đổi khí hậu, đặt nền móng cho Hội nghị Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP 27); những sáng kiến về biến đổi khí hậu và các đề xuất về thích ứng, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu; kinh nghiệm hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu; sáng kiến của nông dân trong thích ứng, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu; thảo luận, xác định các ưu tiên hỗ trợ nông dân và đưa ra các đề xuất.
Phát biểu đề dẫn và khai mạc Diễn đàn, đồng chí Mai Bắc Mỹ- Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội NDVN, Trưởng Ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế (Trung ương Hội NDVN) cho biết: Những năm qua, biến đổi khí hậu với các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn… đã và đang tác động mạnh mẽ, gây thiệt hại cho nền nông nghiệp toàn cầu. Là một quốc gia có ngành nông nghiệp là nền tảng và đóng vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, Việt Nam không tránh khỏi những hệ lụy tiêu cực.
Những đợt hạn hán và nắng nóng kéo dài liên tiếp xảy ra ở khắp các vùng trong cả nước những năm gần đây cho thấy mức độ gia tăng ngày càng lớn của tình trạng biến đổi khí hậu. Hạn hán đã làm suy giảm từ 20- 30% năng suất cây trồng, giảm sản lượng lương thực, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất, chăn nuôi và sinh hoạt của người dân. Hạn hán kéo dài còn dẫn đến nguy cơ làm hoang mạc hóa ở một số vùng, đặc biệt là vùng Nam Trung bộ, vùng cát ven biển và vùng đất dốc thuộc khu vực trung du, miền núi… Từ đó, gây ra những hệ lụy đáng kể đối với mục tiêu phát triển bền vững.
Mặt khác, biến đổi khí hậu cũng đang làm thay đổi điều kiện sinh sống của các loài sinh vật, dẫn đến tình trạng biến mất của các nguồn gen quý hiếm và tuyệt chủng của một số loài; đồng thời, xuất hiện nguy cơ gia tăng các loại “thiên địch”. Thực tế, trong nhiều năm trở lại đây, dịch rầy nâu, vàng lùn, lùn xoắn lá ở đồng bằng sông Cửu Long diễn biến ngày càng phức tạp, gây ảnh hưởng đến khả năng thâm canh, tăng vụ và làm giảm sản lượng lúa của người nông dân.
“Để chuẩn bị cho phiên họp thứ 27 của hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP27), các nước đang nỗ lực chuẩn bị các tuyên bố, báo cáo và thông điệp. Đây là dịp phù hợp để nêu đề xuất với Chính phủ và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự COP27 những thông điệp về vai trò của nông nghiệp và nông dân trong hành động chống biến đổi khí hậu”- Trưởng Ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế Mai Bắc Mỹ nhấn mạnh.
Có thể thấy, trong suốt 75 năm xây dựng và phát triển đất nước, dù ở bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn luôn giành được nhiều thành tựu to lớn, đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước, là trụ đỡ cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, là một nước nông nghiệp nên Việt Nam rất dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu. Chính vì thế, các thách thức do biến đổi khí hậu đã và đang đòi hỏi ngành nông nghiệp phải tìm ra giải pháp ứng phó hiệu quả, phù hợp với điều kiện tự nhiên và hoạt động sinh kế của từng địa phương. Đồng thời, các giải pháp nhằm bảo đảm an ninh lương thực, xóa đói, giảm nghèo... trong bối cảnh biến đổi khí hậu cũng đang là những vấn đề cấp bách đặt ra đối với ngành nông nghiệp.
Biến đổi khí hậu gây ra những tác hại về kinh tế, đặc biệt là ảnh hưởng đến nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp, du lịch và năng suất lao động của người lao động ngoài trời. Có nhiều người nghèo hơn do hậu quả của biến đổi khí hậu, làm tổn hại đến năng suất nông nghiệp và sức khỏe của họ, phá hủy nhà cửa và tài sản của họ- đặc biệt, ảnh hưởng đến phụ nữ và những người nghèo.
Các mô hình phát triển không bền vững hiện nay đang làm cho con người và thiên nhiên dễ bị tổn thương hơn do biến đổi khí hậu… Chính vì thế, vấn đề xây dựng khả năng chống chịu với khí hậu là một thành phần thiết yếu của phát triển bền vững.
Chia sẻ về những kết quả đạt được rõ nét, thiết thực của Chương trình Hỗ trợ Rừng và Trang trại dưới sự tài trợ của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) giai đoạn II (FFF II), theo ông Phạm Tài Thắng- Thúc đẩy viên Chương trình FFF II cho rằng: Trong bối cảnh này, Chương trình FFF II do FAO tài trợ đang cho thấy tiềm năng to lớn của các tổ chức sản xuất rừng và trang trại (FFPO) để phát triển các mô hình kinh doanh toàn diện nhằm duy trì cảnh quan thích ứng với khí hậu và cải thiện sinh kế. Mặt khác, chương trình đã tác động tích cực tới cả 3 khía cạnh gồm: Kinh tế, văn hóa xã hội, môi trường.
Trong giai đoạn II (từ năm 2019 - 2022), Chương trình FFF II đặt ra mục tiêu “Các tổ chức của người sản xuất rừng và trang trại (THT, HTX) trong đó có phụ nữ, thanh niên và người dân tộc thiểu số trở thành các tác nhân thay đổi chủ yếu đối với cảnh quan chống chịu biến đổi khí hậu và cải thiện sinh kế cho người dân địa phương”. Chương trình đang được triển khai tại địa bàn các tỉnh gồm: Yên Bái, Bắc Kạn, Hòa Bình, Sơn La, Thái Nguyên (tham gia dự án nhỏ).
Các hoạt động triển khai thiết thực của Chương trình FFF II nhằm giảm thiểu, thích ứng, chống chịu với biến đổi khí hậu gồm:
Truyền thông lợi ích làm việc theo nhóm, hợp tác trong cộng đồng, liên kết theo chuỗi, nâng cao năng lực tổ chức, quản lý sản xuất, kinh doanh cho các THT, HTX.
Hội thảo tập huấn, truyền thông về tác động của biến đổi khí hậu và quản lý, khai thác, phát triển rừng gắn với trang trại bền vững, giảm phát thải CO2 và tham quan học tập các mô hình thành công.
Tập huấn sản xuất nông lâm nghiệp hữu cơ (NNHC) và hệ thống bảo đảm cùng tham gia (PGS) và xây dựng mô hình canh tác hữu cơ: Bưởi, rau, cây ăn quả, lúa, thảo dược.
Tập huấn, xây dựng mô hình trồng rừng gỗ lớn, nông lâm kết hợp, nông nghiệp thông minh...
Hỗ trợ các nhóm nông dân, THT, HTX xây dựng mô hình thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng dựa vào cộng đồng, nhóm hộ trồng rừng, giao rừng cho cộng đồng dân cư.
Tăng cường sự phối hợp, hợp tác giữa các THT, HTX với chính quyền địa phương, các bên liên quan, chương trình dự án, doanh nghiệp để huy động nguồn lực phát triển rừng và trang trại theo cách tiếp cận tổng thể và cảnh quan.
Chương trình FFF đang phối hợp với các chuyên gia FAO tiến hành tính toán sự đóng góp của các THT, HTX sản xuất rừng và trang trại trong việc hấp thụ carbon để từ đó có những chủ trương chính sách can thiệp, hỗ trợ họ tốt hơn.
 |
Trong giai đoạn II (từ năm 2019 - 2022), Chương trình Hỗ trợ Rừng và Trang trại dưới sự tài trợ của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) giai đoạn II đạt được những kết quả rõ nét, thiết thực |
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã nêu nhiều ý kiến đề xuất, đóng góp rất hữu ích nhằm xây dựng một nền nông nghiệp thông minh, phát triển nông thôn bền vững trước những thách thức đầy biến động của tình trạng biến đổi khí hậu gây ra như hiện nay. Đồng thời, tích cực thảo luận, cùng nhau chia sẻ về những kết quả đạt được và bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình FFF II tại các tỉnh...
Theo ông Trần Hồng Năng- Giám đốc Hợp tác xã trồng bưởi hữu cơ và Dịch vụ nông nghiệp Tân Đông ở xã Đông Lai, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình chia sẻ: Thực tế cho thấy, biến đổi khí hậu và các hiện tượng thiên tai cực đoan không còn là nguy cơ mà đã hiện hữu tại nhiều địa phương của nước ta, làm ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến ngành nông nghiệp nói chung. Mặc dù các cấp, các ngành liên quan đã đưa ra nhiều giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu song đây vẫn đang là những nguy cơ hiện hữu trước mắt, cần có chiến lược và giải pháp ổn định lâu dài.
Trong những năm gần đây, Hợp tác xã đã mạnh dạn xây dựng kế hoạch, áp dụng những sáng kiến vào sản xuất và bước đầu cho thấy những tín hiệu vui. Hiện nay, Hợp tác xã có tổng diện tích sản xuất là 25 ha; trong đó, 20 ha chuyên trồng bưởi đỏ theo phương pháp hữu cơ và 5 ha chuyên trồng rừng gỗ lớn. Các thành viên của Hợp tác xã trồng cây không sử dụng các loại phân hóa học như NPK, đạm, kali và các chất kích thích tăng trưởng khác, không sử dụng thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu, các loại chất cấm khác được quy định cấm sử dụng trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Theo đó, các xã viên trồng cây có múi và cây ăn quả chuyên sử dụng các loại phân chuồng được ủ nóng trên 75oC, sử dụng các loại thuốc thảo mộc tự chế để phòng trừ sâu bệnh hại. Nhờ đó, đất đai do Hợp tác xã canh tác hữu cơ là đất khỏe, cây trồng vật nuôi khỏe, người lao động khỏe; mặt khác, không khí, khu vực hệ sinh thái duy trì được sự trong lành, các sản phẩm nông sản làm ra đảm bảo chất lượng, được người dân tin dùng.
“Với những nguyên nhân và thực tế đặt ra của vấn đề biến đổi khí hậu, thời gian tới, Hợp tác xã sẽ tổ chức nâng cao kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn cho các thành viên, tiến hành việc luân canh, xen canh cây trồng theo mùa vụ thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao và mở rộng diện tích trồng xen canh cây dược liệu; kết nạp thêm các thành viên vào Hợp tác xã nhằm tăng diện tích cánh tác theo phương pháp nông nghiệp hữu cơ, nâng cao diện tích từ 5 ha hiện có lên 20 ha vào năm 2025; mở rộng diện tích xen canh cây dược liệu dưới tán bưởi và tán rừng. Với phương châm về phát triển kinh tế VAC, tới đây Hợp tác xã tiếp tục nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế như nông- lâm kết hợp, nuôi ong dưới tán rừng và tán bưởi để mang lại hiệu quả cao, thích ứng với biến đổi khí hậu”- Ông Trần Hồng Năng nói.
Diễn đàn ứng phó với biến đổi khí hậu phần nào mang lại thay đổi nhận thức cho hội viên, nông dân trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Khuyến khích bà con mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao, hạn chế được những rủi ro và đảm bảo lợi ích cho người nông dân trong quá trình canh tác, sản xuất.