Thứ năm, 28/09/2023 (GMT+7)
Giá nông sản
Chương trình FFF mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho nông dân
14:40 - 28/01/2022
(Cổng ĐT HND) - Việc triển khai các dự án tại các xã tham gia Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại (FFF) của Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) ở tỉnh Yên Bái đã phát huy hiệu quả, giúp nông dân nâng cao năng lực, phát triển sản xuất, đa dạng hóa các sản phẩm dưới tán rừng.
Hội nghị bàn tròn nhằm tháo gỡ khó khăn cho hội viên, nông dân sản xuất rừng và trang trại


 
Thông qua Chương trình FFF, các cấp Hội đã đào tạo, tổ chức tham quan các mô hình thành công cho nông dân thành viên HTX về phương thức làm việc theo nhóm; nâng cao năng lực cho lãnh đạo HTX về hiểu biết thị trường, kỹ năng đàm phán, quản lý rủi ro nhằm giúp HTX không chỉ nâng cao năng lực sản xuất mà còn thúc đẩy tìm kiếm thị trường, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đem lại thu nhập cao hơn cho các thành viên tham gia.


Thực hiện Chương trình với mục tiêu nâng cao năng lực cho các hội viên nông dân làm rừng và trang trại tại Việt Nam, các hộ gia đình, phụ nữ, thanh niên, người dân tộc phát triển rừng và trang trại bền vững, giảm nghèo và thích ứng với biến đổi khí hậu, Hội ND tỉnh đã phối hợp với các địa phương, sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị bàn tròn nhằm tháo gỡ khó khăn cho hội viên, nông dân sản xuất rừng và trang trại.


Đồng thời chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chuỗi giá trị, vận động chính sách tại địa phương để tranh thủ sự hỗ trợ của các sở, ngành, đơn vị liên quan giúp xây dựng các THT, HTX; đồng thời định hướng, gợi mở để người sản xuất rừng và trang trại xây dựng được các mô hình, liên kết phát triển rừng bền vững.


Chương trình đã hỗ trợ thành lập mới 2 HTX là HTX Quế Hồi Việt Nam - xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên và HTX Nông - lâm nghiệp Bình Minh - xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình; thành lập các THT về các lĩnh vực sản xuất cây dược liệu, nuôi ong mật dưới tán rừng, sản xuất thủ công mỹ nghệ.


Xã Đào Thịnh là một trong những địa phương có diện tích quế lớn của huyện Trấn Yên, với khoảng 700 ha; sản lượng quế tươi trung bình mỗi năm đạt hơn 450 tấn, hơn 40 tấn tinh dầu quế và trên 750m3 gỗ quế.


Nhờ trồng quế đã thay đổi đời sống của người dân thu nhập bình quân đầu người của xã ngày càng tăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm.


Tại xã Đào Thịnh, diện tích quế được trồng nhiều ở  thôn 5,6,7 với trên 500 ha. Đặc biệt, vài năm gần đây, người dân đã có kinh nghiệm và được học hỏi khoa học, kỹ thuật về cách trồng, chăm sóc quế.


Bà con nơi đây trồng với mật độ dày hơn trước và đến năm thứ 4 bắt đầu tỉa lá, cành, cây nhỏ để bán; từ năm thứ 5 trở đi, mật độ ổn định thì người dân không khai thác mà chăm sóc tiếp và sau đó sẽ thu hoạch.


Từ giá trị kinh tế của cây quế, nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển đổi đất rừng sang trồng quế. Do điều kiện đất đai khí hậu phù hợp nên chất lượng quế tại Đào Thịnh được đánh giá cao, thị trường tiêu thụ rộng lớn.


Với diện tích quế lớn, việc thành lập các THT, HTX, liên kết theo chuỗi giá trị giữa người dân với doanh nghiệp giúp tạo đầu ra cho sản phẩm, góp phần đưa thương hiệu quế Đào Thịnh vươn xa trên thị trường.


Được sự hỗ trợ từ Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, các hộ trồng quế ở xã Đào Thịnh đã liên kết với Công ty Quế hồi Việt Nam - Vina Samex thành lập HTX Quế hồi Việt Nam.


Hiện nay, HTX đang triển khai dự án sản xuất và xuất khẩu quế với tổng mức đầu tư trên 80 tỷ đồng; tập trung xây dựng vùng quế hữu cơ có chứng chỉ tiêu chuẩn quốc tế; tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động với thu nhập khá.

Các HTX, THT đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các bên liên quan, nhất là với doanh nghiệp theo chuỗi sản phẩm gỗ để cải thiện sinh kế cho người dân


Đến nay, sau khi liên kết các hộ trồng quế chăm sóc theo đúng quy trình thì diện tích tăng lên. Sau khi quế được thu mua về sẽ phân loại, sơ chế thành các loại sản phẩm được xuất khẩu tới nhiều quốc gia.


Có thể khẳng định, các hoạt động của Chương trình FFF đã góp phần nâng cao nhận thức, tư duy sản xuất của người nông dân từ sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết sản xuất theo quy mô THT, HTX, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hiệu quả, áp dụng các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập, đời sống cho người nông dân tại địa bàn.
 

Huy Du
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Những Kỳ Vọng Khi Thủ Tướng Phạm Minh Chính Đối Thoại Với Nông Dân

Bài đọc nhiều nhất

Tỷ giá

Giá vàng (ĐVT: tr đồng/lượng)
Loại
Mua vào
Bán ra
Tỷ giá