Chương trình FFF thực hiện tại huyện Ba Bể đã tạo sự chuyển biến tích cực đối với công tác trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm từ rừng trong cộng đồng.
Ban Quản lý chương trình FFF đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo tại những xã thực hiện dự án như: Mỹ Phương, Yến Dương (huyện Ba Bể) và Phương Viên (huyện Chợ Đồn) để hỗ trợ xây dựng kế hoạch hoạt động hiệu quả.
Thông qua thực hiện Chương trình FFF, các mô hình canh tác theo hướng hữu cơ ngày càng được nhân rộng.
Việc thực hiện Chương trình FFF trong thời gian qua trên địa bàn, các cơ chế, chính sách liên quan tới các THT, HTX được thúc đẩy thuận lợi hơn; khả năng kinh doanh, tiếp cận thị trường và tài chính của các THT, HTX đã được tăng lên thông qua chuỗi giá trị gắn bình đẳng giới và cung cấp dịch vụ cho các thành viên; giảm thiểu, thích ứng, chống chịu đối với biến đổi khí hậu được cải thiện thông qua việc tham gia trực tiếp của các THT, HTX và lồng ghép với các biện pháp sinh kế tổng hợp, tiếp cận các dịch vụ văn hóa và xã hội được cải thiện và bình đẳng, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thực hiện Chương trình FFF, do tổ chức FAO tài trợ, Hội ND tỉnh Bắc Kạn phối hợp với Hội ND xã Yến Dương (huyện Ba Bể) tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật trồng bí xanh thơm theo hướng hữu cơ cho thành viên HTX Nhung Lũy và HTX Yến Dương.
Thực hiện trồng bí xanh thơm theo hướng hữu cơ do tổ chức FAO tài trợ các học viên sẽ được Chương trình FFF hỗ trợ hơn 15 tấn phân bón.
Tại lớp tập huấn, các học viên cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc trồng, chăm sóc bí xanh thơm theo hướng hữu cơ.
Bên cạnh đó, các thành viên được phổ biến, tuyên truyền nâng cao kiến thức về quy trình, các điều kiện cần thiết thực hiện sản xuất bí xanh thơm theo hướng hữu cơ từ khâu làm đất, nguồn nước tưới; giống, thời gian ngâm ủ hạt giống; phân bón hữu cơ; quản lý dịch hại và thu hoạch, bảo quản.
Bí thơm là cây trồng bản địa đã được người dân xã một số xã trên địa bàn huyện Ba Bể trồng từ rất lâu. Tại xã Yến Dương, cây bí thơm được người dân gìn giữ và phát triển theo quy trình sản xuất sạch, an toàn cho đến nay.
 |
Sản phẩm bí thơm của HTX Yến Dương (Ba Bể) được công nhận đạt 4 sao OCOP cấp tỉnh |
Đặc biệt là từ khi HTX Yến Dương được thành lập, để nâng cao giá trị bí thơm, HTX đã liên kết với các hộ dân trong vùng canh tác theo hướng hữu cơ gắn với tiêu chuẩn GPS với nguồn nước canh tác trong sản xuất hữu cơ phải là nguồn nước sạch, không ô nhiễm; cấm sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật hóa học; thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị.
Với phương châm “Chung sức cùng làm và nâng cao giá trị nông sản địa phương”, HTX chuyên sản xuất và cung cấp các sản phẩm nông sản sạch và an toàn theo hướng hữu cơ.
Với mục tiêu phát triển hợp tác xã trên cơ sở phát huy thế mạnh của địa phương, ngành nghề chính của HTX Yến Dương là trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản; ngoài ra, HTX liên kết sản xuất một số mô hình sản xuất phi nông nghiệp như đan lát, dệt thổ cẩm…
Hiện nay, những sản phẩm chủ yếu của HTX tập trung vào các sản phẩm thế mạnh địa phương như: Bí thơm, gạo nếp Tài, miến tráng tay.
Để hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, đưa được sản phẩm nông sản an toàn đến với người tiêu dùng, HTX Yến Dương đã thành lập các nhóm sản xuất, ký hợp đồng liên kết trồng và tiêu thụ cho các sản phẩm như: Nhóm sản xuất bí thơm; nhóm sản xuất lúa nếp Tài; nhóm sản xuất và chế biến miến dong tráng tay; nhóm sản xuất mướp đắng rừng; nhóm sản xuất mác mật tươi; nhóm chế biến măng khô; nhóm đan lát thủ công truyền thống mỹ nghệ. Mỗi nhóm đều có tổ trưởng, trưởng nhóm phụ trách.
Trên cơ sở các nhóm sản xuất được thành lập, HTX Yến Dương đã tổ chức tập huấn, phối hợp với các ngành tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các thành viên để áp dụng vào sản xuất, nâng cao năng suất cũng như chất lượng nông sản. Cùng với việc hỗ trợ nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật, các mô hình sản xuất HTX đưa vào thực hiện đều được HTX bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ đầu ra cho bà con yên tâm sản xuất, gia tăng thu nhập.