Chương trình đã hỗ trợ nông dân xây dựng nhiều mô hình sản xuất rừng và trang trại theo chuỗi liên kết với doanh nghiệp như: Quế hữu cơ; gỗ rừng trồng có chứng nhận FSC. Ngoài ra, các hộ đã biết trồng rau, cây ăn quả, thảo dược; nuôi ong mật, gà đồi dưới tán rừng để tăng giá trị từ rừng.
Để triển khai thực hiện Chương trình, Hội ND tỉnh đã thành lập Ban quản lý Chương trình; Quyết định lựa chọn thúc đẩy viên tại tỉnh, huyện, xã; nhóm nòng cốt cộng đồng ở cấp xã tham gia chương trình và phân công nhiệm vụ các thành viên ban quản lý chương trình triển khai các hoạt động đầu ra của chương trình tại xã Đông Sang huyện Mộc Châu, xã Chiềng Xuân huyện Vân Hồ.
Với mục tiêu giúp các hội viên nông dân sản xuất rừng và trang trại, giúp đồng bào dân tộc thiểu số có cuộc sống tốt hơn, sinh kế và thu nhập được cải thiện, Hội ND tỉnh đã phối hợp thực hiện nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực.
Hội ND tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ nông dân tổ chức triển khai trồng 300 cây mai anh đào ở xã Đông Sang, huyện Mộc Châu; 1.000 kg phân bón hữu cơ cao cấp; 20 kg giống rau cải trồng dưới chân rừng do Chương trình FFF hỗ trợ.
 |
Chương trình đã hỗ trợ nông dân trên địa bàn tỉnh xây dựng mô hình sản xuất rừng và trang trại theo chuỗi liên kết nhằm tăng giá trị từ rừng |
Chương trình FFF triển khai đã nhận được sự quan tâm của tỉnh, có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp Hội Nông dân, sự tham gia, góp ý của các Sở, Ban, ngành và các cơ quan chuyên môn, sự quan tâm vào cuộc của cấp Ủy, chính quyền địa phương vùng thực hiện dự án.
Chương trình góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân và người dân tộc thiểu số về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời giúp các HTX, THT khai thác tiềm năng về dịch vụ văn hóa, xã hội, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm lâm nông nghiệp, phát triển rừng bền vững, gia tăng giá trị từ rừng và cảnh quan rừng, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững cho các thành viên và cộng đồng.
Tại xã Chiềng Xuân, huyện Vân Hồ, Hội ND tỉnh phối hợp với Trung tâm Chất lượng Nông lâm thủy sản Vùng I hỗ trợ HTX Tiến Thành làm quy trình chứng nhận VietGAP cam, nhãn, truy xuất nguồn gốc, logo, nhãn hiệu sản phẩm, với 30 ha quả nhãn, xoài, cam.
Chương trình đã vận động, hướng dẫn các hộ nông dân sản xuất rừng và trang trại liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ; góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
 |
Vườn rau hữu cơ tại xã Đông Sang, huyện Mộc Châu |
Thời gian tới, Chương trình tiếp tục tập trung hỗ trợ, củng cố các THT, HTX phát triển bền vững; hỗ trợ phát triển các THT, HTX mới; hỗ trợ xây dựng mạng lưới liên kết, hợp tác giữa các THT, HTX; đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa các THT, HTX với các bên liên quan, nhất là với doanh nghiệp.
Đồng thời đẩy mạnh truyền thông lợi ích làm việc theo nhóm, nâng cao năng lực tổ chức, quản lý sản xuất, kinh doanh cho các THT, HTX, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý, cung ứng vật tư đầu vào, tiếp cận tín dụng, marketing sản phẩm; tham gia xây dựng, giám sát, phản biện chính sách của Hội; tăng cường công tác truyền thông về quản lý, khai thác, phát triển rừng gắn với trang trại bền vững; nghiên cứu nhân rộng mô hình thành công, mở rộng địa bàn thực hiện Chương trình; nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ của Hội ND với việc xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý, cung ứng vật tư đầu vào, tiếp cận tín dụng, marketing sản phẩm; tăng cường công tác truyền thông về quản lý, khai thác, phát triển rừng gắn với trang trại bền vững, giảm phát thải CO2; phối hợp, hợp tác với các đối tác, cơ quan ban ngành, chính quyền địa phương, doanh nghiệp để chia sẻ các sáng kiến, huy động nguồn lực hỗ trợ các THT, HTX...