Thứ hai, 05/06/2023 (GMT+7)
Giá nông sản
Hòa Bình: Hỗ trợ Hợp tác xã bưởi đỏ Tân Đông áp dụng chứng nhận PGS giúp gia tăng giá trị sản phẩm
16:08 - 17/02/2022
(Cổng ĐT HND) – Những năm qua, tại địa bàn một số tỉnh thuộc miền Bắc nước ta- nơi có hầu hết các dân tộc thiểu số nghèo nhất đang sinh sống, việc canh tác độc canh không có biện pháp bảo vệ đã dẫn đến tình trạng thoái hóa đất, giảm năng suất cây trồng và tăng chi phí đầu tư vào sản xuất cây trồng.

Tập huấn kỹ thuật trồng bưởi hữu cơ cho các thành viên HTX

Cụ thể, các trang trại gia đình nhỏ dành gần 40% giá trị sản xuất của họ cho đầu vào nông nghiệp. Hầu hết nông dân chưa được tập huấn về sản xuất mà chỉ thực hành sản xuất theo kinh nghiệm của các thế hệ trong gia đình. Do đó, việc tiếp cận sinh thái nông nghiệp và cải tiến phương thức canh tác cho phù hợp với thực tiễn sản xuất trong điều kiện biến đổi khí hậu còn nhiều hạn chế.

 
Trước bối cảnh đó, các hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ của Tổ hợp tác bưởi Tân Đông, huyện Tân Lạc cũng gặp phải rất nhiều khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Người nông dân chỉ sản xuất và bán bưởi bản địa chứ không có định hướng thị trường. Tuy nhiên, do chưa nắm rõ kỹ thuật trồng, chăm sóc bưởi cũng như thiếu liên kết sản xuất nên năng suất, giá trị sản phẩm thấp, nông dân khó tiêu thụ.

 
Mặc dù Tổ hợp tác đã tham gia vào Hệ thống đảm bảo có sự tham gia (PGS) của huyện Tân Lạc, nhưng thời điểm trước năm 2019, các hoạt động của PGS Tân Lạc dường như không hoạt động. Các thành viên trong Tổ hợp tác đều tích cực trồng bưởi, nhiều hộ của Hợp tác xã không còn canh tác theo phương pháp hữu cơ.

 
Với sự hỗ trợ của Tổ chức Rừng và Trang trại (FFF) cùng sự đồng hành của Hội Nông dân các cấp, họ nhận thấy rằng việc liên kết chặt chẽ với nhau và tìm ra giải pháp để phát huy hiệu quả thương hiệu PGS cho sản phẩm của mình là nhiệm vụ chính giúp tháo gỡ khó khăn. Từ đó, người dân nắm bắt cơ hội để phát triển sản xuất - kinh doanh.

 
Sau khi tham gia chương trình FFF, Tổ hợp tác bưởi Tân Đông được tham gia các khóa học về phân tích và phát triển thị trường, bước đầu đã gặt hái được thành công. Họ đã tìm hiểu nhu cầu thị trường; lập kế hoạch kinh doanh và bắt đầu sản xuất dựa trên 5 nhóm yếu tố bền vững; quản lý và phát triển Hợp tác xã; quản lý rủi ro và ươm tạo doanh nghiệp. Thông qua các cuộc họp bàn tròn; thảo luận nhóm tập trung; các phiên kết nối thị trường, các cấp chính quyền địa phương và các bên liên quan đã tham gia tích cực hơn và quan tâm nhiều hơn đến PGS Tân Lạc. Do đó, Ban điều phối PGS Tân Lạc đã được kiện toàn và hoạt động trở lại. Nhiều nhóm nông dân trước đây đã ngừng sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiện cũng đã quay trở lại với sản xuất nông nghiệp hữu cơ.


Năm 2019, Tổ hợp tác bưởi hữu cơ và dịch vụ nông nghiệp Tân Đông đã phát triển thành HTX và đã được cấp giấy chứng nhận sản phẩm bưởi hữu cơ Tân Lạc đạt chứng nhận PGS vào năm 2020.

 
Hiện nay, các thành viên HTX Tân Đông đã đa dạng hóa sản phẩm từ cây bưởi. Điều này giúp cho việc canh tác bền vững hơn và có thêm thu nhập, góp phần chuyển đổi hiệu quả rừng gỗ lớn. Với việc tham gia mạng lưới PGS Tân Lạc và sử dụng thương hiệu PGS Tân Lạc để quảng bá sản phẩm, giá trị sản phẩm của HTX được nâng lên; rất nhiều khách hàng trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận biết đến sản phẩm bưởi hữu cơ.

 
Từ năm 2020 - 2021, tình hình đại dịch Covid-19 làm ảnh hưởng chung đến việc tiêu thụ sản phẩm. Điều kiện thời tiết cũng ảnh hưởng đến khả năng đậu trái trên cây có múi ở khu vực phía Bắc. Song, nhờ có chứng nhận hữu cơ PGS Tân Lạc cho sản phẩm nên sản phẩm bưởi của HTX được người tiêu dùng nhận diện là sản phẩm bưởi hữu cơ, có tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng.

 
Nhờ đa dạng hóa, hạn chế rủi ro thời tiết nên các xã viên HTX vẫn có sản phẩm cung cấp ra thị trường và bán được giá cao hơn (giá bán bình quân 20.000 đồng) so với các sản phẩm bưởi đỏ của địa phương khác (giá bán bình quân 15.000 đồng). Hiện nay, các thành viên HTX còn đang thử nghiệm trồng xen một số loại cây dược liệu dưới tán bưởi như: Húng quế, gừng, sả và một số cây họ đậu, rau đậu nhằm phòng trừ sâu bệnh, cỏ dại tốt hơn; đồng thời đa dạng hóa các nguồn thu nhập.

Nông nghiệp là một ngành quan trọng ở Việt Nam. Mặc dù vậy, 89% số hộ sản xuất là nông hộ nhỏ, quy mô trung bình 0,32 ha/hộ. Do đó, các trang trại nhỏ thường kém hiệu quả hơn do tính chất manh mún của đất đai.
 
Mặt khác, nông dân sản xuất nhỏ lẻ cũng gặp phải rất nhiều khó khăn. Có những thách thức liên quan đến sản xuất, kinh doanh nông lâm sản như: Đất đai manh mún, nhỏ lẻ; thiếu thông tin, khả năng tiếp cận thị trường hạn chế; giá đầu vào tăng nhanh; thiếu kiến thức về canh tác bền vững trong nông nghiệp; chi phí vận chuyển; chịu tác động của biến đổi khí hậu; khó tiếp cận các nguồn tài chính…

Phạm Thắng
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Chương trình gặp gỡ hữu nghị nông dân ba nước Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia gắn với Hội chợ nông sản sạch

Bài đọc nhiều nhất

Tỷ giá

Giá vàng (ĐVT: tr đồng/lượng)
Loại
Mua vào
Bán ra
Tỷ giá