Thứ ba, 26/09/2023 (GMT+7)
Giá nông sản
Giúp nông dân nâng cao giá trị kinh tế từ rừng và trang trại
14:10 - 21/07/2021
(Cổng ĐT Hội ND) – Thời gian qua, Chương trình Hỗ trợ Rừng và Trang trại (FFF) do FAO tài trợ được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (Hội NDVN) phối hợp với các bộ, ngành, chính quyền địa phương, các tổ chức liên quan triển khai thực hiện đã đạt được nhiều kết quả.

Tham gia các khóa đào tạo, các học viên được tiếp cận nhiều nội dung thiết thực về nông nghiệp hữu cơ, được các chuyên gia hướng dẫn để cùng tham gia hoạt động làm việc theo nhóm giúp tiếp cận kiến thức mới theo cách dễ hiểu, dễ nhớ


 
Cụ thể, Ban Thường vụ Trung ương Hội NDVN tích cực lãnh đạo, chỉ đạo các cấp Hội đã và đang tổ chức nhiều chương trình, hoạt động, dự án nhằm giúp hội viên, nông dân xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, sản xuất lâm nghiệp, nông - lâm nghiệp gắn với trồng rừng, ngăn chặn phá rừng, quản lý, bảo vệ rừng và đa dạng sinh học. Qua đó, giúp hội viên, nông dân gia tăng thu nhập và giá trị từ rừng, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển và quản lý rừng bền vững.

 
Chương trình Hỗ trợ Rừng và Trang trại (FFF) đã và đang hỗ trợ, thúc đẩy nông dân sản xuất rừng và trang trại nhỏ lẻ làm việc theo tổ chức, Tổ hợp tác (THT), Hợp tác xã (HTX); nâng cao năng lực; huy động sự tham gia của các bộ, ban ngành có liên quan, chính quyền các cấp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các THT, HTX trong quá trình hoạt động, sản xuất và kinh doanh. Một trong những hoạt động trọng tâm của Chương trình FFF chính là “kết nối”.

 

Được sự hỗ trợ từ Chương trình FFF của FAO, Trung ương Hội NDVN đã triển khai Chương trình  FFF giai đoạn I từ năm 2015 - 2017.

Trong giai đoạn I, với mục tiêu chính “Hỗ trợ các tổ chức trồng rừng và trang trại phát triển sinh kế và tự ra quyết định trên diện tích rừng và trang trại của họ”, Chương trình đã hỗ trợ các đơn vị thực hiện 14 Dự án nhỏ tại 4 tỉnh (Bắc Kạn, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ) thông qua việc thành lập và đưa vào hoạt động 14 THT, HTX (gỗ, lâm sản ngoài gỗ, trồng chè, bưởi, chăn nuôi gà…). Năm 2015 thành lập được 7 THT, năm 2017 phát triển và thành lập 11 THT và 3 HTX (trong đó, có 5/14 đơn vị này tham gia vào chuỗi thị trường, gia tăng từ 5- 20% giá trị sản phẩm và thu nhập cho các thành viên tham gia vào THT, HTX).

Chương trình FFF II sẽ tăng quyền năng và năng lực cho các tổ chức người làm rừng và trang trại để phát triển bền vững, giảm nghèo, tăng khả năng thích ứng và phục hồi với biến đổi khí hậu.

 
Chương trình FFF II đặt ra mục tiêu “Các tổ chức của người sản xuất rừng và trang trại (THT, HTX) trong đó có phụ nữ, thanh niên và người dân tộc thiểu số trở thành các tác nhân thay đổi chủ yếu đối với cảnh quan chống chịu biến đổi khí hậu và cải thiện sinh kế cho người dân địa phương”.

 
Địa bàn hoạt động của Chương trình FFF giai đoạn II được thực hiện chủ yếu tại 4 tỉnh gồm: Yên Bái, Bắc Kạn, Hoà Bình, Sơn La. Ngoài ra, tỉnh Thái Nguyên có tham gia dự án nhỏ.

 
Đối tượng tham gia Chương trình lần này là các tổ chức người sản xuất rừng và trang trại (THT, HTX, nhóm nông dân sản xuất nhỏ sống dựa vào rừng), khuyến khích sự tham gia của phụ nữ, thanh niên và người dân tộc thiểu số. Qua đó nhằm đạt được những kết quả quan trọng như: Các cơ chế, chính sách liên quan tới các THT, HTX được thúc đẩy thuận lợi hơn thông qua các diễn đàn liên ngành, đa ngành; khả năng kinh doanh, tiếp cận thị trường và tài chính của các THT, HTX được tăng lên thông qua chuỗi giá trị gắn bình đẳng giới và cung cấp cung cấp dịch vụ cho các thành viên; giảm thiểu, thích ứng, chống chịu đối với biến đổi khí hậu được cải thiện thông qua việc tham gia trực tiếp của các THT, HTX và lồng ghép với các biện pháp sinh kế tổng hợp; tiếp cận các dịch vụ văn hóa và xã hội được cải thiện và bình đẳng.

 

Đến thăm quan, trao đổi kinh nghiệm với mô hình sản xuất lúa hữu cơ giống Japonica tại Hợp tác xã Hoàn Thành ở thôn Nà Làng, xã Phương Viên, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn


Đến nay, Chương trình đã giúp cho 35 THT, HTX với 705 hộ thành viên cùng hơn 5.000 nông dân trồng rừng và trang trại, cán bộ các cấp Hội đã và đang được hưởng lợi; trong đó, có 37,5% người là nữ, 51% người dân tộc. Một số THT đã phát triển lên thành các HTX; đã tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất gỗ và lâm sản ngoài gỗ để đưa vào siêu thị và xuất khẩu.

 
Bên cạnh đó, các cơ chế, chính sách có liên quan tới các THT, HTX cũng được thúc đẩy thuận lợi hơn thông qua các diễn đàn liên ngành, đa ngành. Chương trình đã hỗ trợ thành lập và duy trì hoạt động 12 nhóm nòng cốt với 74 thành viên; 33 thúc đẩy viên của Hội ND các cấp; tổ chức 43 hội nghị, hội thảo với 1.403 đại biểu tham dự về thảo luận nhóm trọng tâm, hội nghị bàn tròn, đối thoại với chính quyền địa phương và các bên liên quan để giải quyết những khó khăn cho các THT, HTX, nông dân làm rừng và trang trại. Đồng thời, các chính sách mới về phát triển lâm nghiệp, Luật Lâm nghiệp, Nghị định về phát triển nông nghiệp hữu cơ, về HTX, THT, chuỗi liên kết trong sản xuất nông lâm nghiệp… được cung cấp kịp thời tới các THT, HTX.

 

Chương trình FFF II đã thúc đẩy áp dụng thành công với 27 ha VietGAP, 1.050 ha chứng nhận hữu cơ, hơn 7.100 ha chứng nhận gỗ hợp pháp (FSC).

Hiện, các tỉnh tham gia Chương trình đã hình thành được các chuỗi giá trị sản phẩm gồm: Quế, gỗ, cây ăn quả, rau (mỗi loại có 1 mô hình); gà đồi (2 mô hình).

Nhờ đó, khả năng kinh doanh, tiếp cận thị trường và tài chính của các THT, HTX được tăng lên thông qua chuỗi giá trị gắn bình đẳng giới và cung cấp dịch vụ cho các thành viên… Đã tổ chức được 11 cuộc khảo sát, nghiên cứu, đánh giá với 619 người tham gia; 19 lớp tập huấn kỹ thuật cho 539 thành viên THT, HTX; 12 lớp tập huấn kỹ năng cho 315 thành viên; 25 cuộc tham quan, học tập tại các mô hình sản xuất với 451 đại biểu tham gia... (trong đó, có 41,5% là nữ, 60% người dân tộc, 12,7% thanh niên).
 
 
Sau thời gian triển khai hoạt động, đến nay tỉnh Hòa Bình đã thành lập được 2 HTX, 3 THT cùng các nhóm nòng cốt. Nhìn chung, năng lực các nhóm nòng cốt, THT, HTX đều được nâng lên, có khả năng điều hành hoạt động, liên kết để tiêu thụ sản phẩm, tích cực thúc đẩy tham gia các hoạt động của Chương trình. Điển hình như HTX Dịch vụ tổng hợp An Sinh đóng tại địa bàn thôn chợ Đập, xã An Bình (huyện Lạc Thuỷ) đã tự vận động để mở thêm ngành nghề kinh doanh gồm: Trồng cây dược liệu, sản xuất nấm. Trong quá trình thực hiện các dự án nhỏ, hầu hết các THT, HTX cũng đã chủ động hơn trong hoạt động; người nông dân tự giác tham gia…

 
Chị Ma Thị Ninh- Giám đốc HTX Yến Dương ở huyện Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn) cho biết: Khi tham gia Chương trình FFF II, HTX đã tập trung sản xuất và đưa ra thị trường những sản phẩm nông sản chủ lực, là đặc sản của địa phương. Đồng thời, đã tổ chức cho 7 nhóm hộ tham gia kinh doanh liên kết như: Nhóm trồng và sản xuất bí thơm với 67 hộ liên kết có đầu ra của sản phẩm rất thuận lợi; nhóm trồng và sản xuất lúa nếp Tài với 34 hộ tham gia... Nhờ đó, góp phần tạo thêm việc làm và gia tăng thu nhập cho bà con nông dân trên địa bàn.

 
Anh Nguyễn Văn Tiến là một thành viên của HTX quế hồi hữu cơ ở xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên (tỉnh Yên Bái) cũng phấn khởi chia sẻ về những tác động tích cực khi triển khai thực hiện dự án tại địa phương: Nhờ có dự án đã giúp cho bà con nông dân thay đổi về cách thức sản xuất dưới tán rừng, giúp mang lại hiệu quả và đạt giá trị kinh tế cao... Đặc biệt, nhờ dự án, bà con nông dân đã có cơ hội được tiếp cận rất gần với phương thức sản xuất nông nghiệp hữu cơ để hướng tới vì sự phát triển bền vững và tốt cho sức khỏe của cộng đồng, xã hội.

 
Các tổ chức sản xuất rừng và trang trại (THT, HTX) tại Việt Nam đang là tác nhân quan trọng trong chuỗi cung ứng của ngành gỗ và lâm sản ngoài gỗ. Người nông dân có thu nhập từ rừng và trang trại sẽ tạo động lực tích cực để tái tạo rừng và quản lý rừng bền vững.

 
Thời gian tới, Ban Quản lý Chương trình FFF II tiếp tục đẩy mạnh việc hỗ trợ xây dựng các mạng lưới liên kết giữa THT, HTX; đẩy mạnh liên kết giữa các THT, HTX với các bên liên quan, nhất là với doanh nghiệp theo chuỗi sản phẩm gỗ, lâm sản ngoài gỗ và sản phẩm nông nghiệp.
 

 

Việt Nam là một trong chín nước tham gia chính Chương trình FFF II, gồm Nê-pan, Ke-nya, Gha-na, Zam-bia, Ê-cu-a-dor, Bo-li-via, Ma-da-gas-car, To-go. Các nước tham gia mạng lưới của Chương trình, gồm: In-đô-nê-xia, My-an-mar, Li-bê-ria, Gam-bia, Tan-za-nia, Gua-tê-ma-la, Ni-ca-ra-gua. Chương trình FFF gia đoạn II sẽ mở rộng quy mô. Cách tiếp cận duy nhất của Chương trình nhằm hỗ trợ trực tiếp các tổ chức người sản xuất rừng và trang trại đại diện cho hàng triệu người dân nông thôn và tăng cường liên kết với các chương trình phát triển khác, thúc đẩy hợp tác và tận dụng các nguồn lực để hỗ trợ lên đến 25 quốc gia trên toàn cầu.

 
Việc thực hiện Chương trình FFF diễn ra chủ yếu ở cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu thông qua Thỏa thuận đối tác nhiều năm và tài trợ với các tổ chức người làm rừng và trang trại, cơ quan chính phủ và các nhà cung cấp dịch vụ ở cấp quốc gia. Các hoạt động được xây dựng dựa trên nhu cầu và mối quan tâm của từng quốc gia theo 04 kết quả đầu ra của Chương trình FFF II.

Đức Công
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Những Kỳ Vọng Khi Thủ Tướng Phạm Minh Chính Đối Thoại Với Nông Dân

Bài đọc nhiều nhất

Tỷ giá

Giá vàng (ĐVT: tr đồng/lượng)
Loại
Mua vào
Bán ra
Tỷ giá