Hòa Bình: Hiệu quả Chương trình Hỗ trợ rừng và Trang trại giai đoạn II
(Cổng ĐT Hội ND) - Chương trình Hỗ trợ rừng và Trang trại giai đoạn II (FFF II) của Tổ chức Nông Lương Liên hiệp quốc (FAO) tại Việt Nam đã và đang được triển khai tại tỉnh Hòa Bình từ năm 2019 – 2022.
 |
Quang cảnh một Hội nghị bàn tròn cấp tỉnh được tổ chức tại tỉnh Hoà Bình |
Chương trình nhằm thực hiện mục tiêu các tổ chức của người sản xuất rừng và trang trại (FFPO), trong đó có phụ nữ, thanh niên, người dân tộc thiểu số trở thành các tác nhân thay đổi chủ yếu đối với cảnh quan chống chịu với biến đổi khí hậu và cải thiện sinh kế cho người dân địa phương. Nhờ có sự hỗ trợ thiết thực từ Chương trình đã giúp người nông dân khai thác hiệu quả những tiềm năng, thế mạnh từ phát triển sản xuất dưới tán rừng.
Tại khu vực miền núi phía Bắc, có 5 tỉnh đã được phê duyệt và tiếp nhận Chương trình tài trợ này, gồm: Yên Bái, Bắc Kạn, Hòa Bình, Sơn La, Thái Nguyên (tham gia dự án nhỏ).
|
Cụ thể, FFF II sẽ hỗ trợ những người sản xuất rừng và trang trại có tiềm năng bằng cách tập trung vào các tổ chức sản xuất rừng và trang trại. Các hộ sản xuất nhỏ, nhóm phụ nữ nông thôn, cộng đồng địa phương và người bản địa sẽ được nhận nguồn hỗ trợ của Dự án để triển khai thực hiện các mô hình sinh kế bền vững. Ban quản lý Chương trình FFF II Hội ND tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy các Tổ hợp tác (THT), Hợp tác xã (HTX) phát triển thông qua các diễn đàn đa ngành.
Để tập trung nguồn lực nhằm chỉ đạo triển khai Chương trình đạt hiệu quả, Hội ND tỉnh đã tiến hành khảo sát và lựa chọn 3 xã thuộc địa bàn của 2 huyện tham gia thực hiện, gồm: Xã An Bình (huyện Lạc Thủy); các xã Đông Lai và Tử Nê (huyện Tân Lạc).
Hiện nay, Ban quản lý Chương trình FFF II Hội ND tỉnh chủ động phối hợp với chính quyền địa phương cùng Hội ND các huyện và xã thành lập các nhóm nòng cốt cộng đồng HTX, THT ở các xã trong vùng hưởng lợi của dự án. Đồng thời, đã tổ chức 3 cuộc thảo luận nhóm trọng tâm, 3 hội nghị bàn tròn cấp xã, 2 hội nghị bàn tròn cấp huyện để giới thiệu và thảo luận về các Luật, Nghị định, Thông tư mới với cộng đồng địa phương và tháo gỡ những khó khăn cho các THT, HTX trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, tiến hành tổ chức tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng cho các thành viên trong nhóm nòng cốt, các THT, HTX, nông dân làm rừng và trang trại nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, hiểu được lợi ích làm việc theo nhóm để tổ chức sản xuất rừng, trang trại gắn với bảo vệ môi trường; giúp phụ nữ, thanh niên, người dân tộc thiểu số trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông, lâm nghiệp phát triển bền vững, nâng cao giá trị từ rừng và cảnh quan rừng, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững...
Đồng thời, tăng cường khả năng kinh doanh, tiếp cận thị trường và tài chính của các THT, HTX. Hình thành, phát triển các chuỗi giá trị sản xuất gắn với bình đẳng giới và cung cấp dịch vụ cho các thành viên. Từng bước giảm thiểu tác động biến đổi môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, Chương trình cũng tiến hành lồng ghép với các biện pháp sinh kế tổng hợp và nâng cao các dịch vụ văn hóa xã hội.
Đến ngày 30/6/2020, toàn tỉnh đã thành lập được 3 HTX và 2 THT với 118 hộ thành viên tham gia. Các mô hình này đã và đang hoạt động hiệu quả; những sản phẩm của thành viên các THT, HTX đã được kết nối với nhiều thị trường tiêu thụ có giá bán ổn định. Bên cạnh đó, hàng chục lao động địa phương có việc làm với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.
Điển hình như: HTX Nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao Hải Đăng tổ chức trồng rừng, chuyển hóa rừng gỗ lớn, nuôi gà hữu cơ ở xã An Bình, huyện Lạc Thủy với 55 hộ thành viên (trong đó 40% là nữ); HTX Nông lâm nghiệp An Sinh tham gia trồng rừng, trồng nấm, chăn nuôi ở xã An Bình, huyện Lạc Thủy có 18 hộ thành viên (67% là nữ); HTX trồng bưởi hữu cơ và dịch vụ nông nghiệp Tân Đông ở xã Đông Lai (huyện Tân Lạc) có 25 hộ thành viên (50% là nữ).
Chương trình cũng hỗ trợ thành lập 2 THT nuôi ong, trồng cây có múi tại xã Tử Nê và mô hình trồng bưởi hữu cơ xã Đông Lai thuộc địa bàn huyện Tân Lạc.
Đầu năm 2021, Ban quản lý Chương trình FFF II Hội ND tỉnh đã tổ chức hội nghị bàn tròn cấp tỉnh. Qua hội nghị, những người sản xuất rừng và trang trại có cơ hội nêu ra những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh rừng và trang trại; vướng mắc về vốn, khoa học kỹ thuật, thị trường tiêu thụ và nguồn lao động…
Trên cơ sở đó, đại diện các doanh nghiệp, chính quyền và Ban quản lý Chương trình FFF II đã thảo luận, bàn bạc để đưa ra từng giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho hội viên, nông dân cũng như hướng đến việc xây dựng các mô hình liên kết phát triển bền vững.
Đến nay, qua đánh giá, nhìn chung các hoạt động do các THT, HTX đã triển khai thực hiện đều đảm bảo hiệu quả và đúng tiến độ đề ra. Thông qua sự hỗ trợ của Chương trình, bước đầu đã giúp các xã dần hình thành được những vùng sản xuất tập trung với quy mô lớn theo hướng phát triển hàng hóa.
HTX Nông nghiệp hữu cơ Công nghệ cao Hải Đăng ở địa bàn xã An Bình là một trong những mô hình tiêu biểu, đã đem lại những hiệu quả kinh tế thiết thực nhờ sự hỗ trợ tích cực của chương trình FFF. Chương trình đã hỗ trợ bà con thành lập HTX và tổ chức nhiều hoạt động gồm: Tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi gà, làm phân vi sinh, trồng nấm cho các hội viên trong HTX; tổ chức cho các hội viên tham gia nhiều hội chợ để tăng cường kết nối và giới thiệu sản phẩm; tổ chức các hội nghị để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và kịp thời bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho bà con…
Nhờ có sự hỗ trợ của Chương trình, HTX đã được thành lập và đi vào hoạt động ổn định. Qua đó, các hội viên có cơ hội hỗ trợ nhau trong kỹ thuật sản xuất; đồng thời còn tăng cường sự liên kết và chia sẻ thông tin từ khâu chọn mua con giống đến việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Khi tham gia HTX, các thành viên được tiếp cận thêm nhiều kiến thức khoa học kĩ thuật mới như: Chăn thả gà theo hình thức sinh học và hướng hữu cơ; sản xuất nấm hữu cơ… Nhờ đó, thông qua những hoạt động tuyên truyền quảng bá và giới thiệu sản phẩm, các sản phẩm của HTX từng bước đã mở rộng được thị trường tiêu thụ, giúp gia tăng thu nhập cho các thành viên.
Mặt khác, từ nguồn vốn vay của Hội ND, 12 hộ hội viên, nông dân trong xã có thêm nguồn lực đầu tư để phát triển mô hình chăn nuôi dê (mức vay 50 triệu đồng/hộ).
Nhờ đó, từ 62 hội viên tham gia sinh hoạt ban đầu, đến nay, HTX đã tăng lên 87 thành viên. Vừa qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến cho hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của HTX gặp phải không ít khó khăn. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ kịp thời của các cấp chính quyền và Chương trình FFF, lợi nhuận của HTX vẫn đạt khoảng 1,2 tỷ đồng từ việc sản xuất hơn 50 vạn phôi nấm, duy trì nuôi trên 30 vạn con gà. Để đa dạng hóa các mặt hàng nông sản, bên cạnh việc sản xuất nấm hữu cơ, nuôi gà hữu cơ, hiện HTX còn đang tiếp tục phát triển việc nuôi những loại con đặc sản như: Dê, lợn rừng, cá, ốc nhồi…
Ngoài những hiệu quả bước đầu nói trên, điều tích cực nhất là HTX và các thành viên đã mạnh dạn, thay đổi tư duy về phát triển kinh tế. Năm 2020, sản phẩm gà bèo Lạc Thủy (loại gà nuôi với tỉ lệ 40% thức ăn là bèo tấm) lần đầu bán ra thị trường là minh chứng cho sự nỗ lực của các thành viên trong HTX nhằm sản xuất ra những sản phẩm an toàn, hữu cơ. HTX cũng đang tích cực ứng dụng khoa học kĩ thuật tiên tiến vào trồng trọt và chăn nuôi giúp mang lại năng suất và chất lượng sản phẩm cao hơn như: Công nghệ ủ men vi sinh trong thức ăn chăn nuôi…
 |
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại buổi Hội thảo Lập kế hoạch hoạt động cùng nhau bàn bạc, phối hợp để triển khai đạt hiệu quả Chương trình Hỗ trợ Rừng và Trang trại (FFF) giai đoạn II (2019 – 2022) được tổ chức ở Hà Nội |
Thời gian tới, Hội ND tỉnh tiếp tục quan tâm tổ chức nhiều hội thảo nhằm nâng cao năng lực cho Ban quản lý các HTX; hỗ trợ các mô hình HTX, THT sản xuất gắn với chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm tại các mô hình tiêu biểu; tăng cường sự kết nối, giới thiệu các doanh nghiệp, đơn vị thu mua để giúp tiêu thụ sản phẩm cho các THT, HTX.
Chương trình FFF giai đoạn II đã hỗ trợ các HTX, THT, hộ nông dân trong việc quảng bá, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, tham gia các hội chợ giới thiệu sản phẩm như: Hội chợ nông nghiệp, triển lãm sản phẩm OCOP vùng trung du và miền núi phía Bắc; hội chợ, triển lãm AgroViet lần thứ 20 tại Hà Nội…
Đặc biệt, Chương trình đã hỗ trợ HTX Hải Đăng, HTX Anh Sinh làm quy trình chứng nhận sản phẩm hữu cơ, có tem truy xuất nguồn gốc, nhãn hiệu sản phẩm… Tháng 11/2020, HTX Hải Đăng và HTX An Sinh được Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản tỉnh cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm để sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh các loại rau, củ và các loại nấm...
|