Thứ hai, 05/06/2023 (GMT+7)
Giá nông sản
Chương trình FFF II tại Yên Bái: Tăng cường khả năng kinh doanh, tiếp cận thị trường trong các THT, HTX
15:47 - 18/06/2021
(Cổng ĐT HND)- Tính đến 30/6/2020, Chương trình FFF giai đoạn 2 (từ 2019 – 2022- FFF II) triển khai tại tỉnh đã hỗ trợ người dân tham gia Chương trình thành lập được 3 Hợp tác xã (HTX), 5 Tổ hợp tác (THT) với 216 thành viên tham gia.
Chương trình FFF II đã hỗ trợ người dân tham gia Chương trình thành lập được 3 HTX, 5 THT.


Yên Bái đã xác định quế là 1 trong 10 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh, từ đó, Hội ND tỉnh đã phối hợp với Chương trình FFF II xây dựng chuỗi giá trị quế hữu cơ. Thông qua Chương trình FFF, Công ty Quế Hồi Việt Nam đã liên kết với các hộ nông dân trên địa bàn thành lập HTX quế hồi hữu cơ Việt Nam ở xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên với 22 xã viên, tổng diện tích canh tác hơn 1.000 ha quế.
 
 
Ngay từ khi thành lập, Ban Giám đốc HTX đã xác định sản xuất hiện đại là điều kiện tất yếu để tạo ra những giá trị bền vững. Do đó, từ các nguồn lực hỗ trợ, HTX đã liên kết với doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, máy móc, ứng dụng khoa học, kỹ thuật nhằm giảm tỷ lệ xuất thô, đẩy mạnh chế biến. Nhờ ứng dụng công nghệ vào chế biến,  hiện đã tạo ra 12 loại sản phẩm quế chất lượng cao với các mặt hàng chủ lực như: Quế điếu thuốc, quế ống, quế tăm, quế bột, tinh dầu quế… đang có sức cạnh tranh mạnh và giá bán ổn định. Để đáp ứng nhu cầu sản xuất, chế biến, HTX đã xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm quế hữu cơ có tổng diện tích trên 14.000 m2, công suất từ 80 - 100 tấn quế tươi/tháng, vốn đầu tư 80 tỷ đồng với dây chuyền máy móc hiện đại thực hiện các khâu chế biến (cắt, thái, tháp tinh cất tinh dầu…).
 
 
Ðể có được mô hình sản xuất theo chuỗi, HTX đã kết hợp với doanh nghiệp và các sở ngành của tỉnh tổ chức các lớp đào tạo cho nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn organic (hữu cơ). Các hộ xã viên được HTX bao tiêu đầu ra với giá cao hơn thị trường. Trước đây, quế tươi chỉ bán với giá 15.000 đồng/kg, hiện nay giá quế bình quân đã lên 25.000 đồng/kg. HTX cũng cam kết thu mua sản phẩm cao hơn giá thị trường từ 10 - 15%, góp phần tăng thu nhập cho người dân từ 4,5 - 7 triệu đồng/lao động/tháng.
 
 
Cũng nhờ sản xuất theo chuỗi, tuân thủ kỹ thuật và tiêu chuẩn nên hơn 1.000 ha quế ở xã Ðào Thịnh, huyện Trấn Yên đã được cấp chứng nhận organic;  được xuất khẩu sang thị trường EU và các nước gồm: Mỹ, Ca-na-đa, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, các nước vùng Trung Đông.
Khi tham gia HTX, các thành viên được cán bộ HTX hướng dẫn trồng quế, hồi theo phương pháp hữu cơ. Quá trình chăm sóc không phun thuốc trừ sâu, khi làm cỏ không đốt cỏ mà vun dưới gốc làm phân hữu cơ... nên sản phẩm an toàn và người sản xuất cũng được bảo đảm sức khỏe.
 
 
Hiện xã viên HTX đã sử dụng công nghệ số để ghi nhật ký sản xuất. Ðối với HTX, việc tham gia hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế theo hình thức trực tuyến cũng đang được đẩy mạnh. Nhờ đó, HTX luôn duy trì được chất lượng sản phẩm, sản lượng và thị trường ổn định;sSản lượng thu mua bình quân từ 70 - 100 tấn quế/tháng.
 
 
Bà Nguyễn Thị Huyền - Giám đốc doanh nghiệp liên kết với HTX cho biết: Sau hơn 3 năm hoạt động, đến nay, HTX thu hút gần 300 lao động ổn định và lao động thời vụ. Trong thời gian hoạt động, HTX luôn được các cấp chính quyền địa phương tạo điều kiện để sản xuất, kinh doanh; cho thuê 16.000 m2 đất để xây dựng nhà máy chế biến quế hữu cơ với công suất 40.000 lít tinh dầu quế/năm và 2.000 tấn sản phẩm quế khô/năm.
 
 
Hiện, dự án đã hoàn thành giai đoạn 1 xây dựng xong nhà máy chế biến quế hữu cơ có công suất 2.000 tấn sản phẩm quế khô/năm và đi vào hoạt động từ năm 2019. HTX đã thành công trong sản xuất quế theo chuỗi hữu cơ và được tổ chức Control Union của Châu Âu cấp chứng nhận Organic (hữu cơ) theo tiêu chuẩn Châu Âu và Nhật Bản cho 500/700 ha quế tại xã Đào Thịnh.
 
 
Trong quá trình sản xuất, kinh doanh cán bộ, xã viên HTX vừa làm vừa học hỏi tích lũy kinh nghiệm, cải tiến hệ thống quản lý chuyên nghiệp, đưa ra các giải pháp đổi mới công nghệ, áp dụng máy móc, trang thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng sản xuất, kinh doanh.
 
 
Cụ thể: Cải tiến hệ thống sấy, hệ thống rửa, nghiền, cắt… Việc áp dụng máy móc, thiết bị công nghệ góp phần giảm chi phí nhân công. Nhờ đó, sản lượng sơ chế, chế biến các sản phẩm quế, hồi hàng năm đạt khoảng 2.000 tấn, doanh thu năm 2019 đạt 200 tỷ đồng; năm 2020 đạt 300 tỷ đồng, tạo thêm việc làm cho 300 lao động với thu nhập trung bình 7 triệu đồng/người/tháng; đem lại thu nhập ổn định cho 22 thành viên. Ngày 31/12/2019, UBND tỉnh Yên Bái đã cấp Giấy chứng nhận OCOP (Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”) đối với sản phẩm quế điếu thuốc của HTX Quế hồi Việt Nam đạt 4 sao.
 
 
Đồng thời, các cấp Hội đã kết nối với Công ty TNHH Công nghiệp Hòa Phát liên kết 31 nhóm hộ, 494 hộ nông dân tại 5 xã: Phú Thịnh, Thịnh Hưng, Đại Đồng, Tân Hương và thị trấn Yên Bình xây dựng vùng sản xuất gỗ rừng trồng bền vững, đánh giá và cấp chứng chỉ FSC-CoC (Chain of Custody Certificate – Chứng nhận hành trình sản phẩm do Tổ chức Forest Stewardship Council - Hội đồng quản lý rừng (FSC) cấp) cho trên 1.737 ha (năm 2018). Hiện Công ty TNHH Công nghiệp Hòa Phát đã xây dựng chuỗi giá trị, mở rộng vùng sản xuất diện tích rừng FSC lên 6.000 ha trên địa bàn 2 huyện Yên Bình và Lục Yên.
 
 
Thông qua Chương trình FFF đã giúp thành lập HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Minh ở xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình (phối hợp với 31 nhóm hộ trồng rừng trong huyện xây dựng xưởng xẻ CoC tiêu thụ các sản phẩm rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC). HTX hiện có 60 ha rừng keo. Sau khi thành lập, HTX liên kết với Công ty TNHH Công nghiệp Hòa Phát xây dựng xưởng xẻ được cấp chứng chỉ FSC-CoC với quy mô trên 4.000 m2.
 
 
Nhờ có chứng chỉ rừng FSC-CoC, từ tháng 7 năm 2017, HTX đã liên kết, tiêu thụ gỗ cho 31 nhóm hộ trồng rừng với khoảng 2.500 - 3.000 tấn gỗ xẻ; 900 - 1.000 tấn gỗ dăm giấy (diện tích khoảng 15 - 20 ha). Các sản phẩm gỗ của HTX gắn nhãn hiệu FSC-CoC đã được phân phối, bán trên nhiều cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại có tên tuổi lớn như: Công ty lâm nghiệp Việt Nam (NAFOCO), IKEA…
 
 
Ông Phùng Bình Minh - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX nông lâm nghiệp Bình Minh cho biết: Khi tham gia chương trình rừng chứng chỉ FSC-COC, giá bán gỗ thường cao hơn giá thị trường từ 15-20%, thương hiệu sản phẩm rừng được nâng lên và sản phẩm gỗ có thể vào được thị trường khó tính của Châu Âu và Mỹ. Nhờ được bảo vệ, chăm sóc tốt nên trữ lượng rừng của HTX cũng đạt mức cao, trung bình trên 150 tấn/ha. Đặc biệt, khi tham gia vào chứng chỉ FSC-CoC, người dân được tiếp cận với sự hỗ trợ kỹ thuật mới nên các thói quen cũ được thay đổi, năng suất lao động, thu nhập ngày càng cao hơn, cuộc sống người dân ngày càng ổn định.
 
 
Từ hiệu quả bước đầu mang lại, các thành viên HTX yên tâm trồng rừng, đặc biệt là tuân thủ nghiêm 10 nguyên tắc và 56 tiêu chí trồng rừng FSC nên sản phẩm gỗ chất lượng tốt, giá thành ổn định, doanh thu HTX đạt 200 triệu đồng/tháng. Theo đó, HTX không chỉ giúp các thành viên phát triển kinh tế bền vững từ rừng mà còn tạo việc làm cho 10 - 20 lao động địa phương với mức lương từ 7 - 8 triệu đồng/người/tháng.
 
 
Những hộ tham gia trồng rừng FSC cho biết, giá trị kinh tế từ trồng rừng FSC cao gấp 2 - 2,5 lần so với trồng rừng gỗ nhỏ. Không chỉ tạo sự khác biệt về kinh tế mà tại những cánh rừng FSC không còn rác thải, bao bì thuốc bảo vệ thực vật, ý thức của người trồng rừng trong bảo vệ môi trường được nâng lên; tình trạng đốt thực bì trước khi trồng cây cũng giảm hẳn.
 
 
Với sự đồng lòng của các thành viên cùng những kết quả đạt được, trong 2 năm 2018 và 2019 HTX đã được Liên minh HTX tỉnh Yên Bái, Ủy ban nhân dân huyện Yên Bình, Liên minh Hợp tác Việt Nam khen thưởng.
Chương trình FFF II còn hỗ trợ thành lậpTHT Dược liệu Develope ở xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên vào tháng 3 năm 2019 do anh Phạm Văn Tiến - Chủ tịch Hội ND xã Đào Thịnh làm Tổ trưởng. Gần đây, nhu cầu đối với lá cây khôi nhung rất lớn vì đây là loại dược liệu dùng để bào chế thuốc chữa dạ dày.  Anh Tiến đã trực tiếp hướng dẫn thành viên tổ hợp tác kỹ thuật trồng trọt và thu mua theo giá thị trường.
 
 
Ngày đầu thành lập, THT có 13 thành viên tham gia trồng 5 sào cây khôi nhung;đến nay, đã có 16 hộ thành viên với tổng diện tích trồng đạt 3 ha, cho hiệu quả bước đầu. Thu hoạch lứa đầu, anh Tiến thu mua với giá 200.000 đồng/kg lá khô, 30.000 đồng/kg lá tươi, tổng cộng được 13 kg lá khô.
 
 
Hiện, đã có thêm 4 lứa lá khôi nhung của các thành viên cho thu hoạch, bình quân mỗi lứa được hơn 20 kg lá khô. Làm đến đâu anh Tiến thu mua hết đến đó và xuất bán cho Công ty TNHH Một thành viên Việt Pháp ở Nam Định khoảng 1 tạ lá khôi nhung khô. Tổng thu từ cây khôi nhung của các thành viên THT đạt 20 triệu đồng/năm.
 
 
Chương trình FFF II đã kết hợp với doanh nghiệp và các sở ngành tổ chức các lớp đào tạo cho nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn organic (hữu cơ).


Điển hình là hộ ông Nguyễn Trí Tuệ ở thôn 5, Khe Sấu trồng 600 cây khôi nhung bằng hom (tương đương 1 sào) đã cho thu hoạch 6 lứa, mỗi lứa 10 kg lá tươi, bán với giá 30.000 đồng/kg. Hiện tại, ông đã trồng thêm 300 cây và cũng vừa nghiệm thu xong 7.000 m2 đất đăng ký trồng cây khôi nhung do huyện hỗ trợ giá giống. Theo ông Tuệ, cây khôi nhung trồng được 3 vụ/năm, chăm sóc đơn giản, nhàn công, toàn bộ đều sử dụng phân gà ủ với trấu và chế phẩm vi sinh, không sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Nếu được chăm sóc tốt thì cây khôi nhung cho giá trị không nhỏ.
 
 
Năm 2020, các thành viên THT đã đăng ký trồng thêm 3 ha cây khôi nhung có hỗ trợ của huyện về giá giống theo tỷ lệ 50 - 50 và đang trong quá trình tiến hành nghiệm thu đất. Hiện giá một cây khôi nhung giống 8.000 đồng là khá cao và phải mua ở Phú Thọ nên phần nào hạn chế việc mở rộng diện tích. THT dự kiến trước mắt phát triển cây khôi nhung lên 20 ha để bảo đảm sản lượng cung ứng nhằm tránh phụ thuộc vào một thị trường duy nhất.
 
 
Thời gian tới, Hội ND tỉnh tiếp tục làm tốt vai trò cầu nối gắn kết giữa các ngành, đoàn thể các địa phương với người nông dân để hoàn thành tốt Chương trình FFF II nhằm kết nối được với các doanh nghiệp lớn, thành lập thêm các THT, HTX xây dựng các chuỗi giá trị sản xuất, nông, lâm nghiệp theo hướng liên kết bền vững giúp người nông dân, nhất là các hộ gia đình phụ nữ, thanh niên, người dân tộc thiểu số phát triển rừng và trang trại bền vững, giảm nghèo và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đình Lâm
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Chương trình gặp gỡ hữu nghị nông dân ba nước Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia gắn với Hội chợ nông sản sạch

Bài đọc nhiều nhất

Tỷ giá

Giá vàng (ĐVT: tr đồng/lượng)
Loại
Mua vào
Bán ra
Tỷ giá