Thực hiện Chương trình, đơn vị triển khai là Hội ND tỉnh đã phối hợp với Ban Quản lý dự án FFF TW Hội ND Việt Nam tổ chức khảo sát về thực trạng sản xuất, kinh doanh và chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp tại 03 xã thực hiện dự án. Đồng thời, tổ chức khảo sát, thu thập thông tin, dữ liệu về tình hình sản xuất và nhu cầu của thành viên các HTX, THT và người dân tại 03 xã với 750 hộ.
Đồng thời, Hội cử 60 lượt cán bộ và thành viên Tổ hợp tác (THT), Hợp tác xã (HTX), lãnh đạo địa phương tham gia các lớp đào tạo, tập huấn về kỹ năng thúc đẩy và phương pháp phân tích thị trường, kỹ năng truyền thông, kỹ năng quản lý rủi ro và ươm mầm kinh doanh, quản lý HTX nông nghiệp (My.Coop), về nông nghiệp hữu cơ và hệ thống đảm bảo cùng tham gia (PGS), kỹ năng điều tra, tính giá trị rừng và trang trại, hội thảo lập kế hoạch, kỹ năng viết dự án... do Chương trình FFF của TW Hội tổ chức.
Hội ND tỉnh đã tổ chức lựa chọn nhóm nòng cốt cấp xã gồm 18 người (06 người/xã) và 02 thúc đẩy viên cấp tỉnh, 02 thúc đẩy viên cấp huyện (1 người/huyện), 03 thúc đẩy viên cấp xã (1 người/xã) để hỗ trợ triển khai các hoạt động được tổ chức tại cơ sở; tổ chức 03 cuộc hội thảo nhóm trọng tâm tại 3 xã với 120 đại biểu để tìm ra những khó khăn vướng mắc và kế hoạch triển khai các hoạt động trong thời gian tiếp theo.
Hội ND tỉnh đã tổ chức được 03 Hội nghị bàn tròn cấp xã tại các xã tham gia Chương trình với 105 người tham dự để trao đổi, tạo sự thống nhất giữa các nhóm nông dân trồng rừng và trang trại (FFPOs), lãnh đạo các thôn, chính quyền địa phương và các tổ chức liên quan nhằm tạo điều kiện và hỗ trợ cho sự phát triển và liên kết của các nhóm trong sản xuất và kinh doanh. Tại hội nghị bàn tròn cấp xã đã có một số ý kiến của người dân được lãnh đạo UBND xã giải quyết ngay.
Bên cạnh đó, Hội cũng đã tổ chức 2 hội nghị bàn tròn cấp huyện với 90 đại biểu và hội nghị bàn tròn cấp tỉnh với 40 đại biểu tham gia. Tại Hội nghị, lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền địa phương và các ngành liên quan đã trực tiếp lắng nghe ý kiến, những khó khăn, vướng mắc của các THT, HTX để từ đó chỉ đạo tổ chức giải quyết, tạo điều kiện cho THT, HTX sản xuất kinh doanh hiệu quả.
Thông qua các Hội nghị bàn tròn, các HTX đã tháo gỡ được một số khó khăn và lập kế hoạch sản xuất đưa sản phẩm ra thị trường. Cụ thể, các sản phẩm của HTX đã được tỉnh đưa đi giới thiệu tại các thị trường như: Hà Nội, Vĩnh Phúc, thành phố Hồ Chí Minh và mở được một số cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP. HTX Nhung Lũy (xã Yến Dương, huyện Ba Bể) đã được Chi cục PTNT và Văn phòng Điều phối giảm nghèo hỗ trợ một nhà màng ứng dụng công nghệ cao và dây chuyền máy sấy sản phẩm tổng trị giá 600 triệu. HTX Hoàn Thành (xã Phương Viên, huyện Chợ Đồn) được Văn phòng điều phối xây dựng NTM hỗ trợ một dàn máy xay xát tổng trị giá 150 triệu. Một số thành viên HTX đã được đào tạo để nâng cao năng lực quản lý…
Hội còn tổ chức đón chuyên gia thăm và làm việc cùng các THT, HTX tại xã Yến Dương (huyện Ba Bể) và xã Phương Viên (huyện Chợ Đồn) an toàn, tiết kiệm và hiệu quả; phối hợp cùng Ban Quản lý chương trình FFF TW tổ chức thành công hội nghị chia sẻ mạng lưới với hơn 70 đại biểu gồm đại diện các tỉnh: Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Thái Nguyên và một số sở ngành liên quan.
Đồng thời, Hội tổ chức 01 lớp tập huấn kỹ thuật trồng lúa hữu cơ cho 30 đại biểu tham gia, hướng dẫn các thành viên cách lấy mẫu nước và đất đi kiểm nghiệm tại Hà Nội. Kết quả, các mẫu kiểm nghiệm đều đạt yêu cầu để sản xuất hữu cơ; 01 lớp tập huấn kỹ thuật trồng cây gỗ lớn và lâm sản ngoài gỗ cho 28 đại biểu; 02 lớp tập huấn về ứng phó biến đổi khí hậu cho 90 học viên tham gia.
Hội ND tỉnh chỉ đạo Hội ND huyện Ba Bể và huyện Chợ Đồn triển khai xây dựng các mô hình gồm: Trồng gừng, trồng lúa giống Japonica theo quy trình hữu cơ tại xã Phương Viên, huyện Chợ Đồn; trồng bí xanh thơm theo quy trình hữu cơ tại xã Yến Dương, huyện Ba Bể. Đồng thời, tổ chức 02 lớp tập huấn kỹ thuật cho 40 lượt người tham gia và hỗ trợ hơn 10 tấn phân bón, 3 tấn gừng giống để thực hiện mô hình. Hội còn thường xuyên kiểm tra, nắm bắt tình hình triển khai các mô hình trồng lúa, bí xanh thơm theo hướng hữu cơ.
Hội đã hỗ trợ các THT, HTX viết 9 dự án nhỏ gửi Ban Quản lý FFF Trung ương, đã có 02 đề xuất được phê duyệt gồm: Dự án “Nâng cao hiệu quả quản lý mô hình trồng lúa hữu cơ gắn với phát triển rừng và trang trại” của HTX Hoàn Thành và dự án “Xây dựng mô hình lúa nếp Tài áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ và mô hình trồng dược liệu gắn với du lịch trải nghiệm nông nghiệp” của HTX Yến Dương.
Hiện HTX Hoàn Thành đã tổ chức hội nghị tuyên truyền nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể, liên kết sản xuất, Nghị định 109/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ cho 50 đại biểu tham dự; tổ chức 03 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng lúa hữu cơ, kỹ thuật sản xuất phân vi sinh cho 75 lượt người tham gia. HTX đã tổ chức khảo sát, lấy nhu cầu của các hộ thành viên xây dựng mô hình trồng lúa Bao Thai hữu cơ với diện tích 01ha/10 hộ tham gia. Các hộ đã thực hiện ủ phân vi sinh và gieo cấy. HTX Yến Dương đã thành lập được 02 nhóm trồng lúa nếp Tài theo quy trình hữu cơ với diện tích 03ha/24 người tham gia; tổ chức 03 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng lúa hữu cơ, kỹ thuật sản xuất phân vi sinh cho 75 lượt người tham gia, các hộ đã thực hiện ủ phân vi sinh và gieo cấy.
Bên cạnh đó, Hội đã củng cố kiện toàn 01 THT; thành lập mới được 01 THT sản xuất, kinh doanh rừng; Hội ND tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn các THT, HTX thu thập thông tin nhóm. Đến nay, trên địa bàn 3 xã triển khai Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại tại03 HTX và 04 THT với 82 thành viên gồm: HTX Nông lâm nghiệp Yến Dương với 25 hộ thành viên (68% nữ) và HTX nông lâm nghiệp Nhung Lũy với 13 hộ thành viên (62% nữ) tại xã Yến Dương, huyện Ba Bể; HTX Hoàn Thành ở xã Phương Viên, huyện Chợ Đồn với 7 hộ thành viên (45% nữ) sản xuất gạo hữu cơ, gỗ mỡ, thảo dược, chăn nuôi; THT trồng và chế biến tinh dầu hồi Thạch Ngõa với 8 hộ thành viên (13% nữ), THT rau bồ khai hữu cơ Thạch Ngõa với 14 hộ thành viên (100% nữ), THT sản xuất nông lâm nghiệp Khuoi Slien với 8 hộ thành viên (62% nữ) tại xã Mỹ Phương, huyện Ba Bể; THT Nông lâm nghiệp Tống Chiêu chuyên trồng rừng, thảo dược, gạo, nuôi thủy sản tại xã Phương Viên, huyện Chợ Đồn với 6 hộ thành viên (33% nữ).
 |
Chương trình FFF giai đoạn II đã góp phần giảm thiểu, thích ứng, chống chịu đối với biến đổi khí hậu thông qua việc tham gia trực tiếp của các THT, HTX và lồng ghép với các biện pháp sinh kế tổng hợp. |
Tiêu biểu như HTX Yến Dương đã thay đổi hướng phát triển kinh doanh, áp dụng những kinh nghiệm trong khâu tổ chức sản xuất bước đầu cho thấy hiệu quả rõ rệt. Sau hơn 01 năm đi vào hoạt động, HTX Yến Dương đã xác định được hướng phát triển và tạo việc làm cho các thành viên và người dân địa phương. Hiện nay, HTX liên kết với 170 hộ xã viên tại địa phương trong hoạt động sản xuất.
Các sản phẩm được HTX Yến Dương tập trung sản xuất và đưa ra thị trường như: Bí xanh thơm, gạo nếp Tài, miến dong tráng tay, sản phẩm đan lát thủ công truyền thống mây tre đan và các hoạt động liên quan tới dịch vụ du lịch trải nghiệm… HTX đã tổ chức 07 nhóm hộ tham gia kinh doanh liên kết như: Nhóm trồng và sản xuất bí thơm cho 67 hộ liên kết tham gia; nhóm trồng và sản xuất lúa nếp Tài có 34 hộ tham gia; nhóm đan lát thủ công truyền thống từ trúc, mây tre đan gồm 25 hộ tham gia và liên kết, hỗ trợ tiêu thụ một số mặt hàng nông sản của địa phương cho hơn 170 hộ, góp phần tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho bà con nông dân.
Có thể thấy, việc thực hiện Chương trình FFF giai đoạn II thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã góp phần thúc đẩy các cơ chế, chính sách liên quan tới các THT, HTX thuận lợi hơn; tăng cường khả năng kinh doanh, tiếp cận thị trường và tài chính của các THT, HTX thông qua chuỗi giá trị gắn bình đẳng giới và cung cấp dịch vụ cho các thành viên; giảm thiểu, thích ứng, chống chịu đối với biến đổi khí hậu được cải thiện thông qua việc tham gia trực tiếp của các THT, HTX và lồng ghép với các biện pháp sinh kế tổng hợp; tiếp cận các dịch vụ văn hóa và xã hội được cải thiện và bình đẳng, từ đó phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững.
Giai đoạn II (2019-2022), chương trình FFF được thực hiện chủ yếu ở 4 tỉnh Hoà Bình, Sơn La, Bắc Kạn, Yên Bái. Mục tiêu của Chương trình đó là các tổ chức của người sản xuất rừng và trang trại là phụ nữ, thanh niên và người dân tộc thiểu số trở thành các tác nhân thay đổi chủ yếu đối với cảnh quan chống chịu biến đổi khí hậu và cải thiện sinh kế cho người dân địa phương. |