Đến nay, đã có 705 hộ thành viên với hơn 5.000 nông dân trồng rừng và cán bộ Hội NDVN đã và đang được hưởng lợi từ Chương trình, trong đó đáng chú ý có 37,5% người là nữ, 51% người dân tộc. Một số Tổ hợp tác (THT) đã phát triển lên thành các Hợp tác xã (HTX), có thể tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất gỗ và lâm sản ngoài gỗ để đưa vào siêu thị và xuất khẩu.
Các cơ chế, chính sách liên quan tới các THT, HTX được thúc đẩy thuận lợi hơn thông qua các diễn đàn liên ngành, đa ngành.Bên cạnh đó, Chương trình đã hỗ trợ thành lập 12 nhóm nòng cốt với 74 thành viên; 33 thúc đẩy viên Hội ND các cấp; tổ chức 43 hội nghị, hội thảo với 1.403 đại biểu tham dự về thảo luận nhóm trọng tâm, hội nghị bàn tròn, đối thoại với chính quyền địa phương và các bên liên quan để giải quyết những khó khăn cho các THT, HTX, nông dân làm rừng và trang trại; các chính sách mới về phát triển lâm nghiệp, Luật Lâm nghiệp, Nghị định về phát triển nông nghiệp hữu cơ, về HTX, THT, chuỗi liên kết trong sản xuất nông lâm nghiệp được cung cấp tới các THT, HTX.
Khả năng kinh doanh, tiếp cận thị trường và tài chính của các THT, HTX được tăng lên thông qua chuỗi giá trị gắn bình đẳng giới và cung cấp dịch vụ cho các thành viên; đã tổ chức được 11 cuộc khảo sát, nghiên cứu, đánh giá với 619 người tham gia; 19 lớp tập huấn kỹ thuật cho 539 thành viên HTX, THT; 12 lớp tập huấn kỹ năng cho 315 thành viên; 25 cuộc thăm quan, học tập các mô hình cho 451 đại biểu (trong đó, có 41,5% nữ, 60% người dân tộc, 12,7% thanh niên).
Chương trình FFF đã giúp áp dụng thành công 27 ha VietGAP, 1.050 ha chứng nhận hữu cơ, 7.100 ha chứng nhận gỗ hợp pháp. Hiện đã hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm gồm: Quế, gỗ, cây ăn quả, rau (mỗi loại 1 mô hình), gà đồi (2 mô hình).
Từ việc tham gia trực tiếp của các THT, HTX và lồng ghép với các biện pháp sinh kế tổng hợp đã được triển khai thông qua việc nghiên cứu, tổng hợp các bài học, kinh nghiệm của các dự án, mô hình về giảm thiểu, thích ứng và phục hồi cảnh quan với BĐKH để học tập và áp dụng đã giúp cải thiện được tình hình; tổ chức 07 hội thảo tập huấn tại 04 tỉnh cho 350 các thúc đẩy viên, thành viên các HTX, THT, nhóm hộ nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ Hội và thành viên THT, HTX về tác động của BĐKH, các biện pháp giảm thiểu, thích ứng trong sản xuất nông lâm nghiệp và tham quan học tập các mô hình thành công. Bên cạnh đó, chương trình đã xây dựng được 02 mô hình trồng rừng và chuyển hóa rừng gỗ lớn, kết hợp trồng cây bản địa, lâm sản ngoài gỗ tại tỉnh Yên Bái và Bắc Kạn; 05 lớp tập huấn sản xuất nông lâm nghiệp hữu cơ (NNHC) cho 130 học viên nông dân và xây dựng 9 mô hình canh tác hữu cơ gồm: Bưởi, rau, cây ăn quả, lúa, thảo dược; 02 lớp đào tạo 64 giảng viên nông dân (TOT) về NNHC và hệ thống bảo đảm cùng tham gia (PGS).
Đồng thời, Chương trình còn chú trọng hỗ trợ các THT, HTX tiếp cận các dịch vụ văn hóa và xã hội được cải thiện và bình đẳng cho các hộ. Đến nay, Ban Quản lý đã đánh giá nhu cầu của nông dân làm rừng và trang trại, các THT, HTX, phụ nữ, thanh niên và người dân tộc thiểu số dịch vụ xã hội và văn hóa; các hoạt động văn hóa, xã hội như: Lễ hội, điệu hát, múa truyền thống, nghề thủ công mỹ nghệ, thể dục, thể thao, khả năng tiếp cận các dịch vụ bảo hiểm y tế, bảo hiểm cây trồng, vật nuôi… cũng được khảo sát và có kế hoạch hỗ trợ trong thời gian tới.
Ban Quản lý đã xây dựng, thực hiện chiến lược truyền thông của Chương trình FFF để vận động chính sách và nâng cao nhận thức cộng đồng về phát triển nông lâm nghiệp bền vững và bình đẳng giới; thành lập và duy trì mạng lưới các THT, HTX (FFPO Net) để chia sẻ thông tin và trao đổi giữa các THT, HTX về phát triển rừng và trang trại; tập huấn kỹ năng thu thập, tính giá trị rừng và trang trại, bao gồm cả giá trị giảm thiểu CO2 và môi trường, cảnh quan. Nhờ đó, nhận thức về bình đẳng giới và sự tham gia của phụ nữ được nâng lên, hơn 60% phụ nữ và thanh niên, người dân tộc tham gia vào các hoạt động của Chương trình.
Tại Bắc Kạn, Chương trình FFF được Hội ND tỉnh phối hợp Ban quản lý dự án FFF T.Ư Hội NDVN triển khai giai đoạn II tại 3 xã: Mỹ Phương, Yến Dương (huyện Ba Bể), Phương Viên (huyện Chợ Đồn) đã làm thay đổi tư duy phát triển kinh tế của đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần tích cực trong công tác xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.
Thành công lớn nhất của chương trình là đã giúp các hộ nông dân liên kết với các doanh nghiệp xây dựng chuỗi giá trị sản xuất. Sau khi được FFF tập huấn, các thành viên THT, HTX tham gia chương trình đã biết cách sản xuất, tiếp cận, marketting tại các cửa hàng, siêu thị, hội chợ.
Điển hình như HTX Yến Dương (huyện Ba Bể) đã tập trung sản xuất và đưa ra thị trường những đặc sản ở địa phương như: Bí xanh thơm, gạo nếp Tài, miến dong tráng tay và các hoạt động liên quan tới dịch vụ du lịch trải nghiệm… HTX đã tổ chức 7 nhóm hộ tham gia kinh doanh liên kết như: Nhóm trồng và sản xuất bí thơm cho 67 hộ liên kết với đầu ra rất thuận lợi; nhóm trồng và sản xuất lúa nếp Tài có 34 hộ tham gia... góp phần tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho bà con nông dân.
Tại Hòa Bình, Hội ND tỉnh Hòa Bình đã chủ động hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia liên kết sản xuất, thành lập được 2 HTX, 3 THT hoạt động có hiệu quả. Bên cạnh đó, FFF Hoà Bình đã tổ chức 3 cuộc hội thảo bàn tròn tại các xã, trong đó có các ban, ngành tham gia, qua đó để các thành viên nêu ra những khó khăn và tìm giải pháp xử lý cùng sự hỗ trợ, chia sẻ của chính quyền và các ngành. Ngoài ra, các thành viên được tổ chức đi tham quan các mô hình trồng rừng, trồng nông sản hữu cơ, các mô hình chống biến đổi khí hậu để học tập. Hội ND tỉnh Hoà Bình còn chủ động tranh thủ nguồn lực từ các ban, ngành, tổ chức trong và ngoài địa phương; lồng ghép các buổi tập huấn FFF với các chương trình khác.
Là một trong những hội viên nông dân hưởng lợi từ chương trình, bà Đinh Thị Huệ (dân tộc Mường) – Giám đốc HTX dịch vụ tổng hợp An Sinh ở xã An Bình (huyện Lạc Thủy) cho biết: Tham gia Chương trình FFF, các thành viên HTX được hỗ trợ triển khai thực hiện dự án "Phát triển mô hình nấm hữu cơ dưới tán rừng sử dụng mùn cưa, phụ phẩm từ chế biến gỗ để giải quyết việc làm cho các thành viên nữ là người dân tộc thiểu số".
Các thành viên HTX được tập huấn nâng cao năng lực về kỹ năng kinh doanh và tham gia vận động chính sách; học hỏi chia sẻ kinh nghiệm với tỉnh bạn; phương pháp phân tích thị trường và phát triển kinh doanh, quản lý tài chính; hỗ trợ tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; xây dựng mô hình nông lâm kết hợp. Từ đó, HTX đã tạo ra sản phẩm nấm sản xuất từ mùn cưa, trồng dưới tán rừng và xây dựng thương hiệu, có tem truy xuất nguồn gốc để đưa ra thị trường. Bình quân mỗi tháng, HTX xuất bán ra thị trường 1 tấn nấm sò nâu với giá 40.000 đồng/kg, HTX thu về 40 triệu đồng/tháng.
Tại Sơn La, anh Vì Văn Tùng (dân tộc Thái) - Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Đông Sang, huyện Mộc Châu cho biết: Nhờ tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất và mô hình kinh tế tập thể do Hội ND và Ban quản lý dự án Chương trình FFF tổ chức, những người nông dân như anh đã biết áp dụng kỹ thuật trồng rau, củ, quả sạch mang lại thu nhập cao hơn và liên kết sản xuất để tiêu thụ sản phẩm. HTX Nông nghiệp hữu cơ Đông Sang được thành lập từ cuối năm 2019 với 11 thành viên trên cơ sở THT trồng rau an toàn hoạt động từ năm 2016. HTX hiện trồng các loại rau: Dâu tây, bắp cải, bí xanh, đỗ leo… với quy mô 10,5ha. Mỗi tháng HTX xuất bán ra thị trường hơn 20 tấn rau hữu cơ, doanh thu đạt hơn 140 triệu đồng/tháng. Thu nhập bình quân sau khi trừ chi phí của các thành viên HTX đạt từ 10 - 15 triệu đồng/người/tháng.
 |
Chương trình FFF II đã tổ chức 43 hội nghị, hội thảo về thảo luận nhóm trọng tâm, hội nghị bàn tròn, đối thoại với chính quyền địa phương và các bên liên quan. |
Theo Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO), các tổ chức của người sản xuất rừng và trang trại (FFPOs) tại Việt Nam đang là tác nhân chính làm thay đổi cảnh quan và cải thiện sinh kế cho người dân địa phương (Việt Nam có hơn 1,4 triệu hộ/ 2,8 triệu ha rừng trồng). Các hộ FFPOs cần được kiện toàn lại thành các Tổ chức FFPOs, tạo thành chuỗi cung ứng của ngành gỗ và lâm sản ngoài gỗ. Từ đó thu nhập từ rừng và trang trại sẽ tạo động lực tái tạo rừng và quản lý rừng bền vững.
Thời gian tới, Chương trình tiếp tục nâng cao kiến thức kỹ thuật, quản lý chất lượng và năng lực cung cấp dịch vụ, vận động chính sách, tiếp cận các nguồn lực cho cán bộ Hội ND và các THT, HTX, như: Trồng rừng và chuyển hóa rừng gỗ lớn, đa dạng hóa sản phẩm, sản xuất nông lâm nghiệp hữu cơ, du lịch nông lâm nghiệp, trải nghiệm, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý, cung ứng vật tư đầu vào, tiếp cận tín dụng, marketing sản phẩm.... để hỗ trợ cho HTX, THT, nông dân làm rừng và trang trại phát triển các sản phẩm theo chuỗi, canh tác theo hợp đồng, tiếp cận thị trường; tiếp tục xây dựng các mô hình liên kết giữa các nhóm hộ, THT, HTX với các doanh nghiệp, xây dựng chuỗi gỗ, và lâm sản ngoài gỗ, các chuỗi sản phẩm an toàn và sản phẩm hữu cơ; mở rộng địa bàn gỗ có chứng nhận quản lý rừng bền vững, chứng chỉ FSC tại các tỉnh: Yên Bái, Bắc Kạn, Hòa Bình, Sơn La, Thái Nguyên, Thanh Hóa,...; nghiên cứu nhân rộng mô hình thành công, mở rộng địa bàn thực hiện Chương trình.