Hiện nay, HTX có 25 thành viên, liên kết với 170 hộ xã viên tại địa phương. Được sự hỗ trợ từ Chương trình FFF II, năm 2020 Hội ND tỉnh đã hướng dẫn HTX Yến Dương xây dựng mô hình trồng lúa nếp Tài hữu cơ với diện tích 03ha/21 hộ tham gia.
Hiện các sản phẩm được HTX Yến Dương tập trung sản xuất và đưa ra thị trường gồm: Bí xanh thơm, gạo nếp Tài, miến dong tráng tay, sản phẩm đan lát thủ công truyền thống mây tre đan, mây sả đan và các hoạt động liên quan tới dịch vụ du lịch trải nghiệm. Nhiều sản phẩm của HTX đã và đang có mặt rộng rãi trên thị trường, được người tiêu dùng ưa chuộng.
HTX đã tổ chức 07 nhóm hộ tham gia kinh doanh liên kết như nhóm trồng và sản xuất bí thơm cho 67 hộ liên kết tham gia; nhóm trồng và sản xuất lúa nếp Tài có 34 hộ tham gia; nhóm đan lát thủ công truyền thống từ trúc, mây tre đan gồm 25 hộ tham gia và liên kết, hỗ trợ tiêu thụ một số mặt hàng nông sản của địa phương cho hơn 170 hộ, góp phần tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho bà con nông dân.
Đầu năm 2021, Hội ND huyện phối hợp với Hội ND tỉnh tổ chức tập huấn kỹ năng sử dụng máy vi tính, điện thoại thông minh, sử dụng internet, quét mã vạch QR cho các thành viên HTX Yến Dương, Mỹ Phương và nhóm nòng cốt trên địa bàn nhằm nâng cao năng lực, tiếp cận với những kiến thức về thị trường, kỹ năng quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xây dựng nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho thành viên HTX, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX.
HTX Nhung Luỹ (xã Yến Dương, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) được thành lập từ giữa năm 2018 do chị Đinh Thị Nhung làm Giám đốc cũng được Chương trình FFF II hỗ trợ. HTX có sự liên kết chặt chẽ với người nông dân và nhà phân phối nên giải quyết được nhiều vấn đề về việc làm, tạo sinh kế cộng đồng bền vững.
Các kênh bán hàng được HTX lựa chọn chính là trên sàn thương mại điện tử, trang cá nhân, website, bán buôn bán lẻ, bán tại chỗ, bán qua hệ thống chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, nhà hàng, siêu thị mini, trạm dừng nghỉ trong và ngoài tỉnh.
Lạp sườn, thịt hun khói của HTX được chế biến theo công thức cổ truyền, sử dụng nguyên liệu 100% của địa phương, có một số gia vị mang tính chất vùng miền đã tạo ra sản phẩm đặc sản của địa phương.
Sản phẩm được đăng ký an toàn vệ sinh thực phẩm, làm hồ sơ công bố sản phẩm, gắn mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc và phát triển kênh phân phối cho sản phẩm. Sản phẩm lạp sườn của HTX luôn tuân thủ quy trình sản xuất an toàn, được đóng gói, hút chân không kỹ càng nên được người tiêu dùng đón nhận.
Bên cạnh đó, HTX Nhung Lũy cũng mạnh dạn đem các sản phẩm đặc sản lạp sườn gác bếp, thịt lợn treo gác bếp tham gia đề án OCOP mỗi xã phường 1 sản phẩm và được cấp chứng nhận sản phẩm đạt 3 sao. Năm 2020 sản phẩm lạp sườn gác bếp của HTX Nhung Luỹ tiếp tục đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Hiện sản phẩm của HTX đã được công nhận OCOP gồm: Lạp sườn, thịt gác bếp, mắc mật khô, măng khô, nấm hương rừng, bí xanh thơm, gạo nếp, cơm cháy.
HTX Nhung Lũy đầu tư máy công nghiệp sấy thịt, nhồi thịt tự động, máy thái, hút chân không, tủ bảo ôn... để mở rộng quy mô sản xuất sản phẩm OCOP lạp sườn gác bếp. HTX đã ký kết hợp tác cung cấp sản phẩm cho 17 siêu thị thuộc hệ thống Big C và chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, đặc sản vùng miền trên toàn quốc. HTX đã xây dựng, triển khai kế hoạch tiếp cận các điểm bán mới, như: Khu đô thị Ecopark, Ciputra...
HTX Nhung Lũy còn đưa ra thị trường sản phẩm bí xanh thơm, trà giảo cổ lam. Với giá từ 7.000 - 8.000 đồng/kg, khi được bảo quản tốt, bán ra thị trường với giá khoảng 15.000 đồng/kg/bó. Bình quân mỗi ha cho thu 50-70 tấn, trung bình các hộ đạt thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng/năm, đang được nhiều hộ dân mở rộng diện tích và ứng dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Đây là loại cây giảm nghèo của chúng tôi, đặc biệt ở hai xã Yến Dương và Địa Linh. So với trồng lúa, trồng ngô hay các loại hoa màu khác, đem lại giá trị cao gấp khoảng 10 lần.
Hiện HTX Nhung Luỹ có 19 thành viên chính thức với nhiều hoạt động và đem lại thu nhập khoảng 4 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, để sản xuất hiệu quả cao hơn, HTX đã thành lập các tổ thành viên liên kết trồng nguyên liệu cho HTX với gần 100 hộ, trong đó có nhiều hộ nghèo, phụ nữ dân tộc thiểu số được tạo việc làm, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm và tăng thu nhập. Nhờ tập trung phát triển sản xuất lạp sườn gác bếp và nhiều loại đặc sản đại phương theo hướng hữu cơ, HTX Nhung Lũy thu trên 1 tỷ đồng/năm.
 |
Thông qua Chương trình FFF II, các tổ hợp tác, HTX dần hiểu được lợi ích làm việc theo nhóm. |
Hay HTX Hoàn Thành ở thôn Nà Làng, xã Phương Viên, huyện Chợ Đồn do anh Hoàng Văn Thành làm Giám đốc được Chương trình FFF II hỗ trợ hoạt động xúc tiến, quảng bá sản phẩm gạo bao thai Chợ Đồn và gạo Japonica Chợ Đồn. Đến nay, các sản phẩm này ngày càng vươn xa trên thị trường.
Mỗi năm, HTX liên kết với 120 hộ dân trên địa bàn xã để bao tiêu với sản lượng khoảng 30 tấn thóc. Ngoài việc giới thiệu cho người tiêu dùng, HTX còn tiếp cận với nhiều cơ sở sản xuất bún khô, phở khô, tư vấn các đơn vị sử dụng gạo bao thai. Hiện HTX đã kết nối được với một số cơ sở sản xuất bún, phở, mỳ gạo ở một số tỉnh như Thái Nguyên, Bắc Giang, Hà Nội... để tiêu thụ.
Là đơn vị trung gian giữa người nông dân gieo trồng và người tiêu dùng sử dụng. HTX vừa phải đảm bảo đầu ra sau quá trình sản xuất, vừa đảm bảo gạo khi có mặt trên thị trường phải có chất lượng cao, vì vậy khâu lựa chọn một số diện tích bao tiêu được chú trọng. HTX đã ưu tiên thu mua thóc trồng trên các cánh đồng Bản Lanh, Thôn Choong, Nà Đao. Bên cạnh đó, để hạt gạo không bị vỡ nát, đảm bảo không pha trộn, HTX trang bị máy xát công suất từ 5 tạ – 1 tấn gạo/giờ, trực tiếp tiến hành xay xát và đóng gói bao bì nhằm đảm bảo sản phẩm trước khi xuất bán là gạo mới, hoàn toàn không có gạo cũ, không mốc, mọt. 100% sản phẩm VietGAP của HTX hiện được sơ chế, đóng gói và dán tem trước khi cung cấp cho đối tác và đưa ra thị trường.
Với diện tích bao tiêu lên đến 50ha, HTX tích cực tham gia các chương trình quảng bá sản phẩm nông sản do huyện, tỉnh tổ chức. Tại tuần lễ “Giới thiệu bí xanh thơm, gạo Japonica và các sản phẩm nông sản sạch tỉnh Bắc Kạn” ở Hà Nội, HTX Hoàn Thành đã tiêu thụ 1 tấn gạo, đồng thời kết nối với nhiều doanh nghiệp tại Hà Nội để đưa sản phẩm gạo bao thai và gạo Japonica có mặt trong các chuỗi cửa hàng nông sản.
Năm 2020, Hội ND tỉnh đã hướng dẫn HTX Hoàn Thành xây dựng mô hình trồng lúa bao thai với diện tích 01ha/10 hộ tham gia theo quy trình sản xuất hữu cơ. HTX cũng thí điểm thực hiện mô hình trồng lúa Japonica theo hướng hữu cơ với diện tích 1ha.
Có thể khẳng định, thông qua Chương trình FFF II, các tổ hợp tác, HTX dần hiểu được lợi ích làm việc theo nhóm, sự hợp tác, các thành viên cùng nhau góp vốn đầu tư kinh doanh, chế biến tăng giá trị; có nhiều thông tin thị trường về các sản phẩm của HTX, tổ hợp tác; hiểu hơn về kỹ thuật trồng, thu hoạch và chế biến; người dân dần có tiếng nói với chính quyền địa phương.