HTX Du lịch bản Áng, xã Đông Sang (huyện Mộc Châu) đã sản xuất thử nghiệm thành công sản phẩm son môi và dầu dưỡng da từ hạt sachi, kết quả của Dự án “Hỗ trợ hợp tác xã, tổ hợp tác xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm, mô hình nông nghiệp hữu cơ gắn với công tác bảo vệ rừng tại xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La” .
Dự án nằm trong chương trình hỗ trợ rừng và trang trại (FFF) Việt Nam giai đoạn II (2019- 2020) do Hội NDVN triển khai, với mục đích nâng cao năng lực du lịch trải nghiệm dưới tán rừng hiện có và sản xuất giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Tham gia dự án, ngoài được hướng dẫn các kỹ năng làm du lịch, các thành viên được các chuyên gia phát triển sản phẩm truyền thụ kiến thức, quy trình làm dầu dưỡng da và son môi từ dầu sachi. Để duy trì nguồn cung ổn định, HTX đã ký hợp đồng với một số hộ trồng sachi trên địa bàn huyện, hỗ trợ thu hái và tiêu thụ sản phẩm.
Hiện sản phẩm son môi và dầu dưỡng làm từ hạt sachi đang được HTX gửi mẫu đi kiểm định, đánh giá chất lượng và hoàn thiện các thủ tục pháp lý lưu hành. Dự kiến khi hoàn thiện, giá bán ra thị trường khoảng trên dưới 200 nghìn đồng/sản phẩm, mở ra hướng đi cho những người trồng cây sachi trên địa bàn huyện.
HTX rau an toàn bản Tự Nhiên, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu được Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại (FFF) Việt Nam giai đoạn II lựa chọn triển khai mô hình phát triển nông nghiệp hữu cơ.
Trước đó, HTX gồm 30 hộ thành viên (51% nữ) do bà Nguyễn Thị Luyến làm Giám đốc đã trồng 14 ha rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. HTX đã sử dụng phân ủ từ men vi sinh với phế phẩm nông nghiệp, phân chuồng để bón cho rau. Bà Luyến hàng ngày đôn đốc các thành viên tuân thủ việc ghi chép sổ sách, sử dụng đúng chủng loại phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học để đảm bảo chất lượng rau an toàn.
Nhờ đó, sản phẩm rau xanh các loại của HTX Rau an toàn Tự Nhiên được thị trường ưa chuộng. Mỗi ngày, gần ba tấn rau xanh của HTX được đưa về Hà Nội và có mặt tại các siêu thị Metro, VinMart, Big C...
 |
Tập huấn triển khai mô hình phát triển nông nghiệp hữu cơ. |
HTX 269 xã Tân Xuân, huyện Vân Hồ do chị Cao Thị Tâm làm Giám đốc có 56 thành viên được Chương trình FFF hỗ trợ trồng, bảo vệ rừng, chế biến lâm sản. Vùng nguyên liệu của HTX có 1.000 ha sắn cao sản, 1.000 ha dong riềng, 1.000 ha măng tre, nứa, 10 ha gạo nếp nương, 15 ha cây ăn quả VietGAP...
Cứ đến mùa mưa tháng 8-10, người dân lại lên rừng hái măng về bán cho HTX. HTX thu mua lại măng của người dân với giá 10.000/kg rồi chế biến thành măng nứa sấy khô, tạo sinh kế bền vững cho khoảng 100 người dân thu hái măng, thu nhập trung bình 400.000-500.000 đồng/ngày vào vụ măng.
Hiện tại, HTX có 4 điểm xưởng thu mua, sơ chế măng. Các điểm đặt gần vùng nguyên liệu để người dân đi lại được thuận lợi, hạn chế chi phí vận chuyển. HTX vừa bán sản phẩm tươi vừa chế biến nhưng số lượng chế biến chưa nhiều do xưởng chế biến mới chỉ có 2 lò sấy, công suất đạt 1 tấn măng/ngày. Bên cạnh đó, mỗi ngày HTX còn thu mua vài chục tấn sắn và nổi tiếng với thương hiệu bánh canh sắn.
Thời gian tới, Chương trình FFF II tập trung hỗ trợ, củng cố các Tổ hợp tác, HTX phát triển bền vững; hỗ trợ xây dựng mạng lưới liên kết, hợp tác giữa các Tổ hợp tác, HTX; đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa các Tổ hợp tác, HTX với các bên liên quan, nhất là với doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực tổ chức, quản lý sản xuất, kinh doanh cho các Tổ hợp tác, HTX góp phần nhân rộng mô hình thành công, mở rộng địa bàn thực hiện Chương trình FFF.