Để tăng cường khả năng kinh doanh, tiếp cận thị trường và tài chính, HTX công nghệ cao Hải Đăng - xã An Bình, huyện Lạc Thủy với 55 hộ thành viên (40% nữ) chuyên trồng rừng, nuôi gà hữu cơ đã tổ chức hội nghị lựa chọn thành viên tham gia dự án nuôi gà dưới tán rừng, trồng xen cây dược liệu dưới tán rừng, sản xuất phân hữu cơ. Tham gia Hội nghị có 40 đại biểu, có 32 thành viên tham gia Dự án nhỏ.
HTX còn phối hợp với HTX dịch vụ tổng hợp An Sinh- thôn chợ Đập, xã An Bình (huyện Lạc Thuỷ) tập huấn trồng rừng gỗ lớn, trồng xen canh cây thảo dược, cây ngắn ngày theo hướng hữu cơ dưới tán rừng, tạo cảnh quan rừng để nâng độ che phủ của rừng cho 35 thành viên của 2 HTX. Các học viên được thực hành những kiến thức đã học. Sau khóa tập huấn, các học viên đã nắm được các phương pháp, kỹ thuật trồng xen một số loại cây thảo dược, cây ngắn ngày theo hướng hữu cơ dưới tán rừng. 13/25 thành viên tham gia đã áp dụng những kiến thức được học vào sản xuất rừng tại gia đình, các thành viên còn lại sẽ áp dụng sau khi khai thác và trồng mới diện tích rừng.
HTX Hải Đăng còn tập huấn cho 30 thành viên về kỹ thuật nuôi gà dưới tán rừng như: Úm gà bằng thảo dược; phối trộn thức ăn theo tỷ lệ phù hợp với từng giai đoạn của gà; chăm sóc và phòng trị bệnh; cách tạo mối, sâu, giun dưới thảm mục của rừng tạo nguồn thức ăn giàu đạm cho gà giúp tăng hiệu quả kinh tế hộ. Sau tập huấn, 100% thành viên tham gia đã triển khai và áp dụng các kiến thức đã học vào sản xuất.
HTX đã tổ chức thăm quan mô hình nuôi ốc nhồi hữu cơ ngoài môi trường tự nhiên tiêu biểu tại các huyện: Quảng Xương, huyện Nga Sơn (tỉnh Thanh Hóa)... HTX An Sinh tổ chức hội nghị lựa chọn thành viên tham gia dự án trồng nấm dưới tán rừng, trồng xen cây dược liệu dưới tán rừng, sản xuất phân hữu cơ với 40 thành viên tham gia. 10 thành viên được tham gia Dự án nhỏ và thông qua Quy chế, Kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên.
HTX còn tập huấn kỹ thuật cho 25 thành viên kỹ thuật trồng nấm trang trại, nấm dưới tán rừng và kiểm tra, giám sát chất lượng nội bộ tại thôn Ninh Nội, xã An Bình. 10/25 thành viên tham gia triển khai và áp dụng các kiến thức đã học vào sản xuất.
HTX đã tổ chức thăm quan mô hình trồng nấm của Trung tâm nấm Hương Nam tại xã Khánh Cư, huyện Yên Khánh (Ninh Bình) cho 20 thành viên gồm: Lãnh đạo UBND, Hội ND xã An Bình, Ban GĐ và các thành viên HTX An Sinh. Sau thăm quan các thành viên học tập được kỹ thuật trồng và nhân các loại nấm; cách tiếp cận thị trường; biết cách quản lý chất lượng đầu vào và đầu ra của sản phẩm, đồng thời liên kết với Trung tâm nấm Hương Nam để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Tháng 9/2020, HTX đã làm quy trình chứng nhận sản phẩm (hữu cơ, an toàn), tem truy xuất nguồn gốc, nhãn hiệu và được Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Lạc Thuỷ cấp chứng nhận về an toàn thực phẩm.
 |
Một buổi tập huấn về sản xuất nông nghiệp hữu cơ. |
HTX trồng bưởi hữu cơ và dịch vụ nông nghiệp Tân Đông- xóm Tân Lai, xã Đông Lai (huyện Tân Lạc) tổ chức hội nghị lựa chọn thành viên tham gia HTX sản xuất trồng bưởi, trồng rừng và nuôi ong áp dụng sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
HTX đã tập huấn kỹ thuật nuôi, chăm sóc ong, phòng trừ bệnh cho ong, kỹ thuật quay mật, tách nước… cho 25 thành viên, trong đó có 11 thành viên nữ, 24 thành viên là người dân tộc thiểu số và hỗ trợ xây dựng 3 mô hình nuôi ong lấy mật, thu hoạch, đóng gói theo hướng hữu cơ. Sau lớp tập huấn các học viên đã xây dựng được 3 mô hình nuôi ong dưới tán rừng/tán bưởi, 5 thùng ong/mô hình. Các hộ đã áp dụng tốt những kiến thức đã được học vào thực tế nên các đàn ong đều phát triển tốt, hiện các mô hình đạt tổng số 24 thùng ong.
HTX cũng tổ chức thăm quan mô hình nuôi ong của HTX Nông nghiệp Minh Bảo, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái và Tổ hợp tác sản xuất dược liệu xã Cường Thịnh, huyện Trấn Yên (Yên Bái) cho 20 đại biểu... HTX đã làm quy trình chứng nhận chất lượng sản phẩm, tem nhãn truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm, nhãn hiệu, mẫu mã… và hoàn tất các thủ tục để được cấp chứng nhận sản phẩm hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS.
HTX An Sinh tổ chức tập huấn về sản xuất nông nghiệp hữu cơ (ngô, cây mùa vụ) kết hợp nuôi gà hữu cơ, xử lý chất thải làm phân hữu cơ, xét nghiệm mẫu đất, nước… tại xã An Bình cho 42 thành viên.
Chương trình còn tập trung cải thiện và bình đẳng việc tiếp cận các dịch vụ văn hóa, xã hội. Trong đó, HTX An Sinh đã thành lập được Câu lạc bộ làm giàu từ rừng và cảnh quan rừng, phát huy các giá trị văn hóa, xã hội, thể dục, thể thao của địa phương với 14 thành viên thông qua việc truyền thông, tổ chức các sự kiện, kết hợp với các hoạt động văn hóa, xã hội ở xã An Bình. Câu lạc bộ sinh hoạt định kì hàng tháng và chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức hay trong quá trình sản xuất lâm nghiệp; cùng sưu tầm, bảo tồn, gìn giữ những bản sắc văn hoá của đồng bào dân tộc Mường; tham gia các cuộc giao lưu văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao trong và ngoài địa phương.
Thời gian tới, Hội ND tỉnh tiếp tục nâng cao năng lực cho Ban Quản lý HTX; hỗ trợ các mô hình HTX, Tổ hợp tác sản xuất gắn với chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao cho sản xuất; tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm các mô hình thành công để HTX có nhiều cơ hội chia sẻ, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, kết nối, liên kết; hỗ trợ và phối hợp về mặt kỹ thuật, kinh phí để triển khai các hoạt động đạt kết quả cao nhất; đồng thời kết nối, giới thiệu các doanh nghiệp, đơn vị thu mua để tiêu thụ các sản phẩm cho Hợp tác xã, Tổ hợp tác.