Để Chương trình FFF triển khai có hiệu quả, mang lại lợi ích cho người dân, đặc biệt là các hộ người dân tộc thiểu số, Hội ND tỉnh đã tổ chức 03 Hội nghị bàn tròn cấp xã tại các xã: Mỹ Phương, Yến Dương, Phương Viên; 02 hội nghị bàn tròn cấp huyện, nhằm trao đổi, tạo sự thống nhất giữa các nhóm nông dân trồng rừng và trang trại, lãnh đạo các thôn, chính quyền địa phương và các tổ chức liên quan, tạo điều kiện và hỗ trợ cho sự phát triển, liên kết của các nhóm trong sản xuất, kinh doanh.
Mục tiêu của Chương trình đó là các tổ chức của người sản xuất rừng và trang trại là phụ nữ, thanh niên và người dân tộc thiểu số, trở thành các tác nhân thay đổi chủ yếu đối với cảnh quan chống chịu biến đổi khí hậu và cải thiện sinh kế cho người dân địa phương.
Thực hiện chương trình, đơn vị triển khai là Hội ND tỉnh đã phối hợp với Ban Quản lý dự án FFF Trung ương Hội NDVN tổ chức khảo sát về thực trạng sản xuất, kinh doanh và chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp tại 03 xã thực hiện dự án, đồng thời cử 55 lượt cán bộ và thành viên THT, HTX, lãnh đạo địa phương tham gia các lớp đào tạo, tập huấn về kỹ năng thúc đẩy và phương pháp phân tích thị trường, kỹ năng truyền thông, hội thảo lập kế hoạch chương trình, kỹ năng viết dự án do Chương trình FFF của Trung ương Hội tổ chức.
Nhờ đó, năng lực của đội ngũ cán bộ Hội cơ sở, lãnh đạo các THT được nâng lên, mạnh dạn đưa ra các kiến nghị, đề xuất với cấp trên. Người dân tham gia THT đã hiểu được lợi ích khi tham gia THT để cùng nhau sản xuất, tìm kiếm thị trường quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội, xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh. Các thành viên đoàn kết, nhiệt tình và tích cực tham gia các hoạt động của THT; mạnh dạn đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Với những kiến thức mà các thành viên được tập huấn, lợi thế sẵn có ở địa phương và sự giúp đỡ của Ban quản lý Chương trình FFF từ Trung ương đến cơ sở, các THT đã đạt những kết quả bước đầu đáng ghi nhận.
HTX Yến Dương, xã Yến Dương (huyện Ba Bể) là một trong những đơn vị triển khai thực hiện Chương trình FFF, giai đoạn II. Theo đó, HTX thay đổi hướng phát triển kinh doanh, áp dụng những kinh nghiệm trong khâu tổ chức sản xuất đã cho thấy hiệu quả rõ rệt.
Sau hơn một năm đi vào hoạt động, HTX Yến Dương đã xác định được hướng phát triển và tạo việc làm cho các thành viên và người dân địa phương. Hiện nay HTX có 25 thành viên, liên kết với 170 hộ xã viên tại địa phương trong hoạt động sản xuất.
 |
Hội nghị bàn tròn được tổ chức nhằm trao đổi, tạo sự thống nhất giữa các nhóm nông dân trồng rừng và trang trại |
Các sản phẩm được HTX Yến Dương tập trung sản xuất và đưa ra thị trường như: Bí xanh thơm, gạo nếp Tài, miến dong tráng tay, sản phẩm đan lát thủ công truyền thống mây tre đan và các hoạt động liên quan tới dịch vụ du lịch trải nghiệm…
HTX đã tổ chức 07 nhóm hộ tham gia kinh doanh liên kết gồm: Nhóm trồng và sản xuất bí thơm cho 67 hộ liên kết tham gia; nhóm trồng và sản xuất lúa nếp Tài có 34 hộ; nhóm đan lát thủ công truyền thống từ trúc, mây tre với 25 hộ tham gia và liên kết, hỗ trợ tiêu thụ một số mặt hàng nông sản của địa phương cho hơn 170 hộ, góp phần tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho bà con nông dân.