Thành phố Đà Nẵng: Nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình
15:27 - 10/08/2020
(Cổng ĐT HND) – Sau hơn 10 năm triển khai Luật Phòng chống BLGĐ trên địa bàn toàn thành phố, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của thành ủy, UBND thành phố cùng sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, các tổ chức Hội đoàn thể và sự hưởng ứng đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, công tác phòng chống BLGĐ đạt nhiều kết quả tích cực.
 |
Thông qua các hoạt động tuyên truyền, vận động cũng như việc can thiệp, hỗ trợ và xử lý kịp thời, việc vi phạm để xảy ra tình trạng BLGĐ trên toàn địa bàn đã giảm dần qua các năm |
Qua thống kê của các ngành có liên quan, có 1.957 người gây ra tình trạng BLGĐ trên toàn địa bàn; hiện tổng số người đã bị can thiệp, xử lý là 1.957, đạt tỷ lệ 100%.
Thông qua các hoạt động tuyên truyền, vận động cũng như việc can thiệp, hỗ trợ và xử lý kịp thời, việc vi phạm để xảy ra tình trạng BLGĐ trên toàn địa bàn đã giảm dần qua các năm. Đến nay, đã có 125/130 hộ gia đình giảm thiểu hoặc chấm dứt BLGĐ. Nhờ đó, phần lớn các mâu thuẫn phát sinh trong các gia đình đã kịp thời được giải quyết thông qua công tác hòa giải ngay tại cơ sở.
Đặc biệt, 56/56 phường, xã đã thành lập mô hình phòng, chống BLGĐ; 237 Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững và các Câu lạc bộ khác có hoạt động về gia đình và phòng, chống BLGĐ; 277 nhóm, tổ phản ứng nhanh phòng, chống BLGĐ.
Hiện 56/56 phường, xã xây dựng đường dây nóng với 168 đầu số điện thoại nóng được công khai và 569 địa chỉ tin cậy tiếp nhận các thông tin về BLGĐ.
Bên cạnh đó, toàn thành phố có 1.944 Tổ hòa giải với 9.354 hòa giải viên. Trong thời gian qua, các Tổ đã tiếp nhận tổng số 4.080 vụ việc về mâu thuẫn trong gia đình; hiện đã hòa giải thành công 3.428 vụ việc, đạt 84%. Qua hoạt động hòa giải, nhiều mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ ở các gia đình được hòa giải kịp thời giúp phòng tránh, ngăn ngừa được nhiều trường hợp có nguy cơ BLGĐ.
Hầu hết các địa phương, đơn vị đã phát huy được hiệu quả các mô hình phòng, chống BLGĐ ngay tại cộng đồng trong việc tích cực triển khai các biện pháp tuyên truyền, vận động. Đồng thời, thường xuyên nắm bắt thông tin cũng như tổ chức các biện pháp can thiệp kịp thời để hỗ trợ các nạn nhân bị BLGĐ. Có nhiều địa phương trên địa bàn cũng đã triển khai tốt hoạt động này.
Địa bàn quận Sơn Trà vốn mang đậm nét đặc thù của cư dân vùng biển và có nhiều năm chịu ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng Nho giáo. Do đó, việc thực hiện công tác bình đẳng giới trên địa bàn vẫn còn đặt ra khá nhiều thách thức đối với các cấp chính quyền địa phương.
Từ những định kiến về giới vẫn còn tồn tại khá phổ biến trong cộng đồng dân cư, kể cả trong một bộ phận các cán bộ, công chức nên các chị em phụ nữ thường ít khi có thời gian để nghỉ ngơi, học tập giúp nâng cao trình độ như nam giới. Đặc biệt là đối với những gia đình đang làm nghề biển thì tình trạng này càng rõ nét. Vì thế, trong lĩnh vực lao động việc làm, thu nhập thực tế của nam giới vẫn thường cao hơn so với nữ giới.
Xuất phát từ thực trạng này, những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của UBND thành phố và quận ủy, UBND quận đã xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án “Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016- 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”; Đề án “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới”...
Bên cạnh đó, công tác bình đẳng giới cũng thường xuyên được các cấp lãnh đạo trong quận quan tâm chỉ đạo; các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể từ quận đến cơ sở xây dựng kế hoạch triển khai và nghiêm túc thực hiện, đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Theo đó, qua thống kê, tỷ lệ nữ lãnh đạo chủ chốt tại các phòng, ngành, địa phương đạt trên 85%; tỷ lệ nữ lãnh đạo chủ chốt trong các cơ quan Đảng, đoàn thể đạt trên 70%.
Hàng năm, bình quân các ngành chức năng trên địa bàn quận phối hợp tổ chức khoảng 200 buổi sinh hoạt, truyền thông về phòng chống BLGĐ, bạo lực phụ nữ, bảo vệ trẻ em và phòng chống xâm hại trẻ em. Đồng thời, triển khai xây dựng các điểm tư vấn, hỗ trợ nạn nhân bị BLGĐ, xây dựng các mô hình, các Câu lạc bộ về phòng chống BLGĐ...
Thông qua đó, nhận thức về công tác đấu tranh, phòng ngừa BLGĐ, bạo lực giới trong cộng đồng dân cư trên địa bàn quận nói chung từng bước được nâng cao.
Đến nay, quận đã thành lập 7 Câu lạc bộ gia đình toàn mỹ; 5 Câu lạc bộ phòng chống BLGĐ; 8 nhóm phòng chống BLGĐ và 80 địa chỉ tin cậy. Để đảm bảo phát huy hiệu quả của các mô hình được triển khai, chính quyền quận còn tổ chức phân công các cán bộ tham gia phụ trách công tác xã hội tại 7 phường trên địa bàn.
Hiện nay, ngoài nguồn vốn nội lực của địa phương, quận cũng đang được thụ hưởng các dự án an sinh trẻ em của Tổ chức Tầm nhìn Thế giới; trong đó, có dự án sinh kế cho phụ nữ nghèo, phụ nữ đơn thân nhằm góp phần cải thiện cuộc sống cho phụ nữ. Qua đó, góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực đối với phụ nữ.
Địa bàn phường Hòa Thọ Tây- Quận Cẩm Lệ trước đây được xem là một trong những “điểm nóng” về tình trạng BLGĐ tại địa phương.
Để giải quyết, tháo gỡ những khó khăn trong công tác này, UBND phường đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống BLGĐ, bố trí cán bộ phụ trách công tác gia đình. Bên cạnh đó, phát huy yếu tố nội lực của các cán bộ ở cơ sở, UBND phường đã thành lập 70 Tổ hòa giải ở cơ sở, phân công đồng chí Tổ phó Tổ dân phố làm Tổ trưởng Tổ hòa giải; phối hợp cùng với các Hội, đoàn thể ở khu dân cư tham gia làm thành viên.
Đến nay, toàn phường có 3 địa chỉ tin cậy nhằm kịp thời tiếp nhận những thông tin, phản ánh và tiến hành giải quyết các vụ việc liên quan đến BLGĐ; xây dựng mô hình 3 CLB Gia đình hạnh phúc bền vững.
Bên cạnh đó, hàng năm, công an phường còn tổ chức 2 đợt gặp mặt, đối thoại với những người có hành vi bạo lực và người bị bạo lực. Đồng thời, tổ chức bộ phận trực đảm bảo 24/24 giờ trong ngày để tiếp nhận kịp thời các thông tin liên quan đến an ninh trật tự, trong đó có tiếp nhận và giải quyết các tin báo liên quan đến vấn đề bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Thời gian tới, các cấp, các ngành cần tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương; đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành, đoàn thể trong việc thực hiện phòng, chống BLGĐ và bình đẳng giới nhằm xây dựng xã hội phát triển bền vững.
Minh Tâm